Thông báo chính thức về nội các mới sẽ được các lãnh đạo Taliban công bố vào thứ Sáu, sau lễ cầu nguyện buổi chiều.
Giờ đây, mọi con mắt đang đổ dồn vào việc liệu Taliban có thể thành lập một chính quyền có khả năng vực dậy nền kinh tế bị chiến tranh tàn phá và tôn trọng những cam kết về một chính phủ "bao trùm" hơn hay không.
Tính hợp pháp của chính phủ mới trong mắt các nhà tài trợ và nhà đầu tư quốc tế sẽ rất quan trọng đối với nền kinh tế khi Afghanistan đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lương thực, trang thiết bị y tế.
Tại Kabul, người dân bày tỏ lo lắng về những khó khăn kinh tế kéo dài của đất nước.
"Với sự xuất hiện của Taliban, vấn đề an ninh được đảm bảo, nhưng hoạt động buôn bán gần như đình trệ", Karim Jan - chủ một cửa hàng hàng điện tử, cho biết.
Nền kinh tế Afghanistan, từ lâu đã phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn viện trợ nước ngoài, có nguy cơ sụp đổ một khi phương Tây quay lưng với chính phủ mới. Hãng xếp hạng tín dụng Fitch dự báo nền kinh tế nước này sẽ sụt giảm 9,7% trong năm nay và 5,2% trong năm tới.
Việc nhận được sự ủng hộ của quốc tế sẽ giúp Taliban tiếp cận được nguồn tiền đầu tư từ nước ngoài, các chuyên gia dự đoán "một số nền kinh tế lớn, cụ thể là Trung Quốc và có khả năng là Nga, sẽ chấp nhận Taliban là chính phủ hợp pháp".
Sau khi kiểm soát thủ đô Kabul, các lãnh đạo Taliban đã cố gắng thể hiện một bộ mặt ôn hòa hơn với thế giới, hứa sẽ tôn trọng nhân quyền và không trả đũa những người từng hợp tác với quân đội nước ngoài.
Các nhà ngoại giao Afghanistan của chính phủ tiền nhiệm đã được yêu cầu giữ nguyên chức vụ ở nước ngoài trong thời điểm hiện tại. Một nguồn tin cho biết, Taliban sẽ tiến hành nhiều thay đổi, nhưng cũng muốn duy trì sự ổn định.
Mỹ, Liên minh châu Âu bỏ ngỏ khả năng công nhận chính phủ mới tại Afghanistan, cho biết việc này tùy thuộc vào hành động của Taliban.
Ngoại trưởng Slovenia Anze Logar cho biết EU chưa đưa ra quyết định cuối cùng và các nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về vấn đề này tại các hội nghị thượng đỉnh vào tháng tới. Một số quốc gia EU coi Taliban là một tổ chức khủng bố.
"Nếu EU quyết định công nhận chính quyền Taliban, thì viện trợ là đòn bẩy mà Liên minh châu Âu có trong việc thiết lập các điều kiện", ông Logar nói.
Taliban đã hứa hẹn sẽ cho phép bất kỳ công dân Afghanistan nào được tị nạn ở nước ngoài miễn là có giấy phép. Nhưng kể từ khi quân đội Mỹ rời đi, sân bay Hamid Karzai của thủ đô Kabul vẫn chưa hoạt động trở lại.
Hôm thứ Tư, một chuyến bay của Qatar Airways đã hạ cánh xuống sân bay Hamid Karzai.
Ngoại trưởng Qatar cho biết quốc gia Vùng Vịnh đang trao đổi với Taliban và Thổ Nhĩ Kỳ về khả năng hỗ trợ kỹ thuật để khởi động lại các hoạt động tại sân bay Kabul, điều này sẽ tạo điều kiện hỗ trợ nhân đạo.