Trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Bloomberg, thái tử bin Salman đã so sánh công cuộc cải cách tài chính, chính trị và pháp lý ở Ả Rập Xê út với những gì đã từng xảy ra ở Mỹ trong lịch sử. “Ta hãy nhìn vào nước Mỹ, thời điểm mà họ muốn giải phóng những người nô lệ. Cái giá mà họ phải trả là gì? Đó là nội chiến. Nó đã chia cắt nước Mỹ trong một vài năm. Hàng ngàn, hàng chục ngàn người đã chết chỉ để giành lại quyền tự do cho những người nô lệ”.
“Ngày này chúng ta đang nỗ lực để loại bỏ chủ nghĩa khủng bố cực đoan mà không xảy ra nội chiến, mà không khiến các quốc gia không phát triển”, thái tử cho biết. “Vì vậy nếu chúng ta phải trả giá nhỏ để làm được điều này, như thế sẽ tốt hơn là phải chịu một gánh nặng lớn trong tương lai”.
Ông bin Salman cũng bác bỏ phát biểu của Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng Ả Rập Xê út sẽ không thể trụ vững trong hai tuần nếu không có sự hỗ trợ của Mỹ. Ông khẳng định rằng đất nước của ông đã tồn tại trước Mỹ từ rất lâu và sẽ phải “mất khoảng 2.000 năm nữa mới gặp mối nguy hiểm thực sự”.
“Thực tế, chúng tôi không chi trả cho bất kỳ nước nào để đảm bảo an ninh của chính mình”, thái tử cho biết. Ông giải thích rằng những gì mà Riyadh trả cho Mỹ đều là những khoản tài chính để mua vũ khí, và con số này đã tăng lên kể từ khi ông Trump đắc cử.
Nói về Tổng thống Mỹ, ông bin Salman nói rằng ông “rất thích được hợp tác cùng ông ấy, tôi rất muốn được làm việc cùng ông ấy”, và rằng phát biểu của ông Trump chỉ cho thấy “một phần trăm” sự bất đồng giữa hai nước đồng minh.
Khi được hỏi vì sao người Ả Rập thường không muốn trao đổi với các nhà báo, ông Bin Salman nói rằng đây là điều kỳ lạ và rằng chỉ có những người trao đổi thông tin với các cơ quan tình báo nước ngoài mới có thể bị bắt. Ông cho biết trong cuộc chiến “chống chủ nghĩa khủng bố” diễn ra trong 3 năm qua, chỉ có “khoảng 1.500 người” bị bắt, một số rất nhỏ so với 50.000 người mà chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ bắt giam sau âm mưu đảo chính.
Ông Bin Salman nói, bất kỳ ai bị phát hiện “có mối liên hệ với các tổ chức tình báo chống lại Ả Rập Xê út hay với các tổ chức khủng bố cực đoan” đều phải đối diện trước pháp luật. “Đây là điều mà chúng tôi phải làm. Chúng tôi không thể chống khủng bố khi trong nước có khoảng 500 đến 700 phần tử đang tuyển người trên các con phố”, ông nói. Ông cũng chỉ trích Iran và Qatar là hai nước đang tài trợ khủng bố.
Từ lâu Ả Rập Xê út và Iran đã thù địch lẫn nhau, còn mối quan hệ giữa Ả Rập Xê út và Qatar đã đi xuống trong những năm gần đây. Năm 2017, Riyadh và các nước đồng minh trong khu vực đồng loạt có những động thái cô lập Qatar, đồng thời cáo buộc nước này bí mật hợp tác với Iran và hỗ trợ Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và các tổ chức khủng bố khác.