"Vẫn có hàng vạn giao dịch BĐS trong dịch Covid -19"
Chia sẻ tại tọa đàm “Bất động sản Việt Nam: Bình thường mới – Nhu cầu mới – Xu thế mới” diễn ra vào chiều ngày 6/10/2021 tại Hà Nội, Phó chủ tịch Hiệp Hội BĐS Việt Nam Nguyễn Văn Đính cho biết, thị trường không vướng phải khủng hoảng, vẫn duy trì lực, người tiêu dùng thực có giảm nhưng nhà đầu tư không bị tác động nhiều. Ngay khi dịch bệnh được kiểm soát thì thị trường quay lại đà phục hồi nhanh chóng.
Thị trường BĐS có bị tác động tiêu cực đến "sức khoẻ" nhưng vẫn có sức sống, TS Nguyễn Văn Đính khẳng định. |
Theo dữ liệu của Batdongsan.com, chỉ số về mức độ quan tâm tới bất động sản luôn tăng mạnh sau mỗi đợt dịch. Cụ thể, sau đợt dịch đợt 1, mức độ quan tâm tới thị trường tăng 306%, sau đợt 2 tăng 62% và sau đợt 3 tăng mạnh tới 378%. Điều này tiếp tục cho thấy một bức tranh rõ nét về sức bật của BĐS Việt Nam: ảnh hưởng của dịch chỉ trong ngắn hạn, sự trầm lắng của thị trường chỉ là trạng thái tạm thời chứ không sa sút hay suy thoái, mà ngược lại là cơ hội lớn để tái cấu trúc và tích luỹ hướng tới phát triển bền vững hơn.
Trong quý 3, Hiệp hội BĐS Việt Nam có thực hiện thống kê ở 12 điểm cầu và nhận thấy rằng vẫn có hàng vạngiao dịch, ngay trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn ra ở một số khu vực. "Thị trường BĐS có bị tác động tiêu cực đến "sức khoẻ" nhưng vẫn có sức sống, "không chết hay chững hay phải đứng lại" do bối cảnh dịch bệnh", ông Đính cho biết.
Hậu giãn cách, có thể thấy thị trường địa ốc đã sẵn sàng bật dậy trong trạng thái bình thường mới, với nhiều động lực quan trọng đến từ các hoạt động sản xuất kinh doanh được mở cửa trở lại, nhiều giải pháp kích thích nền kinh tế được Chính phủ chuẩn bị triển khai, lãi suất vay mua nhà duy trì ở mức thấp và dòng tiền dồi dào vẫn đang chuẩn bị đổ vào thị trường.
Về những yếu tố chủ đạo sẽ trở thành xung lực cho thị trường trong bối cảnh mới, sự thay đổi khẩu vị của nhà đầu tư, ông Trịnh Văn Quyết, chủ tịch Tập đoàn FLC chia sẻ: "Thực tế như năm ngoái, thị trường tưởng như xấu nhất, BĐS hết dịch bệnh lại tới tháng ngâu nhưng BĐS lại cứ sốt sình sịch, có dự án của FLC khách hàng đòi ký hợp đồng ngay trong giai đoạn giãn cách vì giá tăng gấp đôi. Trong 2 tuần vừa qua, có nhiều nhà đầu tư quan tâm đăng ký tham gia các buổi giới thiệu dự án online và đặt cọc mua sản phẩm. Hội môi giới BĐS cho biết trong thời điểm giãn cách Hội ghi nhận hàng vạn giao dịch sản phẩm BĐS trên toàn quốc. Đây là hiệu ứng rất tốt. Dự báo quý 4/2021 và năm 2022, thị trường sẽ có sự khởi sắc mới. Thị trường sẽ có sự thanh lọc, chỉ những dự án đầy đủ tính pháp lý và giàu tiềm năng tăng giá mới thu hút được nhà đầu tư. Những sản phẩm như đất nền, đất nông- lâm nghiệp chuyển đổi, đất đón quy hoạch...sốt do đẩy, thổi, sốt cục bộ, tự tạo sẽ không thu hút được khách hàng và sẽ bị cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm minh".
Chủ tịch FLC phân tích thêm, thị trường bùng nổ không phải nhận định vu vơ mà có cơ sở vững chắc, từ quan sát khẩu vị của nhà đầu tư tới các diễn biến mới trên thị trường cũng như đo lường các giải pháp chống dịch.
Ông Trịnh Văn Quyết, chủ tịch Tập đoàn FLC lạc quan vào thị trường BĐS hậu dịch bệnh covid 19. |
Đồng quan điểm với ông Quyết, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành đánh giá, thị trường có những điểm tích cực và đầu tư BĐS vẫn là điểm sáng, thanh khoản, giá cả tốt, nhiều kỳ vọng. Ông Thành cũng cho rằng cơ hội sẽ thuộc về phân khúc bất động sản nhà ở, công nghiệp, nghỉ dưỡng, thương mại. Đặc biệt, theo ông Thành, các vấn đề pháp lý, đất đai, luật kinh doanh bất động sản có thể còn nhiều vướng mắc nhưng hiện đã có cải thiện để dự án triển khai nhanh hơn. "Chúng ta kỳ vọng có những sức bật trong tương lai", vị chuyên gia nhận định.
Khu vực mới nào sẽ dẫn dắt dòng tiền?
Vẫn theo chuyên gia Võ Trí Thành, Việt Nam đã khống chế được dịch, dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm tới là 6% trở lên. Người mua có xu hướng dịch chuyển về lối sống, sống xanh, sống tốt, vui vẻ, an toàn, kéo theo xu thế dịch chuyển bất động sản.
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành đánh giá, thị trường có những điểm tích cực và đầu tư BĐS vẫn là điểm sáng. |
Khẳng định "kinh tế phục hồi sẽ kéo bất động sản trở lại", chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên cho rằng thị trường BĐS thế giới đang có sự phục hồi nhanh, sẽ là yếu tố giúp cho BĐS trong nước đi lên. Số lượng giao dịch thực ở quý cuối năm nay đang có dấu hiệu tăng, người mua cũng tự tin hơn khi xuống tiền.
Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà ở và thị trường BĐS tại toạ đàm thông tin: Trong 3 năm vừa rồi, giá BĐS ở một số phân khúc vẫn tăng. Ông Khởi cũng cho biết thêm, Nghị định hướng dẫn Luật kinh doanh BĐS đang được trình Chính phủ và có tác động mạnh tới thị trường BĐS. Luật đất đai đang tiếp tục được sửa đổi cùng với Luật kinh doanh BĐS và Luật Xây dựng, tháo gỡ những rào cản, vướng mắc thời gian qua. Khi những vướng mắc về pháp lý được tháo gỡ, chắc chắn thị trường sẽ có sự bùng nổ.
Đặc biệt, theo ông Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính- Tiền tệ quốc gia, vốn vẫn chảy vào thị trường BĐS. "Dòng tiền vào BĐS chưa bao giờ giảm. Tỷ trọng cho vay BĐS cho thấy, cho vay nhà ở tăng trưởng rất tốt, ở tầm 90 - 10% và riêng cho vay nhà ở hiện nay chiếm 64%, khoảng 1,2 triệu tỷ đồng. Số DN kinh doanh BĐS mới vẫn tăng 11%. Đặc biệt lượng tiền trái phiếu ra thị trường 9 tháng đầu năm, các DN BĐS phát hành 108 ngàn tỷ, chỉ đứng sau khối ngân hàng", ông Lực nói.
Giá BĐS 2 năm vừa qua tăng trên thế giới tăng khoảng 5,6%. Về xu hướng, ông Lực cho rằng sau dịch bệnh, xu thế là second home, nghỉ dưỡng xanh sẽ lên ngôi và đây không phải xu hướng đầu cơ ngắn hạn.
Về lời khuyên cho giới đầu tư, chuyên gia Đặng Hùng Võ cho rằng cần chú trọng yếu tố thông tin. Nếu không có thông tin, các nhà đầu tư không thể dự báo để bắt tay vào phát triển.
"Các cơ quan chức năng nên liên kết để có thị trường BĐS thống nhất, toàn diện. Từ đó, Việt Nam có thể vẽ nên bức tranh BĐS tổng thể vì lợi ích chung. Các Hiệp hội có thể khuyến nghị và nhà nước sẽ quản lý. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất là tất cả các nhóm đối tượng đều cần vì lợi ích chung, không xâm lấn của nhau. Như vậy, thị trường BĐS sẽ có liên kết chặt hơn", ông Đặng Hùng Võ nói.