Cưới nhau khi sự sống chỉ tiên đoán còn… 2 tuần
Người ta vẫn thường kể lại câu chuyện một chàng trai nghèo, cần mẫn đến bệnh viện Lao phổi trung ương để chăm sóc người yêu đang mắc bệnh lao giai đoạn cuối. Đến giai đoạn bệnh viện tiên đoán chị chỉ còn 2 tuần nữa sẽ phải rời xa anh mãi mãi, anh đã không chần chừ cầu hôn, quyết định cưới chị dù ai cũng biết, đó là quyết định liều lĩnh và đau đớn.
Thế nhưng, sau 2 tuần, sự sống vẫn ở bên cạnh người phụ nữ hạnh phúc được yêu rất nhiều ấy.
Chị Bích không muốn kể nhiều về mình sau những cung bậc thăng trầm đầy nước mắt, khốn khổ và cả đau đớn, tuyệt vọng trên giường bệnh. Mái ấm hạnh phúc mà chị đang có trong căn nhà hai tầng khang trang rộng chừng 40m2 và bốn đứa trẻ luôn cười đùa khiến nhiều người ao ước. Chị bảo, đó là nhờ anh Duy – chồng chị và những quyết định táo bạo từ trái tim đã cứu lấy cuộc sống của chị.
Anh Duy là trai xứ Thanh nắng gió. Duy là con trai duy nhất trong một gia đình có 3 anh chị em. Bố mẹ anh chỉ mong con lấy vợ cùng quê để gần cha, mẹ. Nhưng Duy lại thích trải nghiệm, đến những vùng sâu xa, vùng cao để khám phá những cuộc sống mới mẻ, thú vị khác. Tốt nghiệp trung học phổ thông, mang theo hoài bão tuổi trẻ, anh Duy đi thi ĐH nhưng trượt vì thiếu nửa điểm đầu vào. Không bỏ cuộc, Duy ở lại Hà Nội, vừa đi làm vừa học thêm để thi lại. Thời gian học tại chức tại ĐH Xây dựng, anh đã tự mở một xưởng sửa chữa và chế tác đồ nhôm kính ở khu vực Cầu Diễn (Từ Liêm, Hà Nội), tự trang trải cuộc sống và gửi tiền về chăm lo cha mẹ già.
Tình cờ, anh Duy quen chị Bích trong một hội nhóm trên mạng của giới trẻ. Ấn tượng ban đầu mà hai người dành cho nhau là “những điều đáng ghét” – như lời chị Bích kể lại.
Hồi đó, trong mắt anh Duy, chị Bích chỉ là một người con gái chơi bời, tinh nghịch với mái tóc vàng sáng, khuôn mặt trang điểm, còn anh Duy xuất thân từ vùng đất lấm lem, bản tính hiền lành chất phác. Trong mắt anh, phụ nữ chỉ đẹp ở những điểm tự nhiên, thuần nhất. Không ngờ, những điểm “đáng ghét” của hai người lúc đó lại thành “ưu điểm” của họ về sau.
Chị Bích thường đi cổ vũ bóng đá, còn anh Duy là một “chân sút” cừ khôi của đội bóng. Những lần cỗ vũ, rồi trò chuyện, chị cảm thấy “anh chàng này không lạnh lùng và khó tính như mình nghĩ”, còn anh Duy lại nghĩ “cô bé này đáng yêu đó chứ”. Tình yêu cứ thế lớn dần. Bốn năm sau, chị Bích đồng ý lời tỏ tình của anh. “Tình yêu của chúng tôi giống như sự sắp đặt của số phận” – chị Bích chia sẻ.
Thế rồi, tình yêu ấy gặp phải thử thách lớn…
Một buổi sáng thức dậy, chị Bích bỗng ho sặc sụa, chị lấy tay che miệng, bàn tay ướt máu. Vội vã vào bệnh viện khám, chị được các bác sĩ chẩn đoán bệnh lao phổi giai đoạn cuối.
Ngày biết tin bị bệnh nặng, chị Bích từ bỏ khóc cạn nước mắt, nhưng không dám thông báo cho người yêu biết. Chị không biết bắt đầu từ đâu, chị sợ anh buồn. Chị sợ anh lo. Chị sợ anh sẽ không vượt qua được cú sốc này…
Chị quyết định cắt đứt liên lạc với anh và nhập viện ngay hôm sau.
Hai ngày không thể liên lạc được với Bích, anh Duy cuống cuồng tìm người yêu. Bố mẹ chị Bích nói dối là con gái không ở nhà. Mãi đến khi anh gặng hỏi, bố mẹ chị Bích vừa khóc vừa nói: “Con gái đang ở bệnh viện chữa lao phổi, có thể không qua khỏi”.
Vừa nhìn thấy chị Bích nằm trong viện, cơ thể mệt mỏi, héo hon, anh Duy không khỏi xót xa. “Anh sẽ thay bố mẹ chăm sóc em những ngày ở viện” – anh Duy lau nước mắt và ôm chầm người yêu. Những ngày sau đó, các bệnh nhân và bác sỹ ở bệnh viện lao phổi trung ương luôn thấy một chàng trai trẻ ngày ngày chăm sóc người yêu ở bệnh viện. Chàng trai không cần đến dụng cụ kháng khuẩn, không ngại người yêu đang phải nằm ở phòng cách ly, lo từng bữa cháo, liều thuốc, đặt từng chai nước chuyền cho cô gái. Bác sỹ bảo anh nên dùng đồ cách ly để đảm bảo sức khỏe, tránh lây bệnh, nhưng anh chẳng còn nghĩ đến sống chết của mình nữa, anh nghĩ nhiều đến sự sống chết của cô gái nhỏ đang đương đầu với căn bệnh quái ác, với những cơn ho xé ngực, đau đớn…
Nhờ sự chăm sóc của Duy, tinh thần Bích khá lên, bệnh tình thuyên giảm. Chị Bích xin được về nhà điều trị. Thế nhưng, được hai tháng, chị phải nhập viện vì biến chứng căn bệnh quá nặng.
Lần điều trị thứ hai ở bệnh viện, bệnh chị đã ở mức… khủng khiếp. Bác sỹ thông báo: chỉ chưa đầy tháng nữa, phổi của chị có thể sẽ vỡ vì căn bệnh đã đến giai đoạn cuối. Không tin nổi vào tai mình, bố mẹ chị ôm con khóc nấc. Anh Duy đứng ở bậu cửa, thất thần. Số phận đưa Bích đến với anh nhưng vội vã cướp cô đi. Giấc mơ hạnh phúc còn dang dở. Quyết định đám cưới Bích khi cô còn những ngày cuối cùng – như lời bác sỹ thông báo – là một quyết định táo bạo và mãnh liệt nhất của Duy nhưng lại là liều thuốc cứu lấy cuộc đời Bích. Xuất viện về nhà vì biết không qua khỏi, chị Bích vẫn bị ho ra máu. Vượt qua những rào cản, Duy vẫn kiên quyết làm đám cưới.
Phép màu của tình yêu
Chấp nhận cưới vợ, chấp nhận chăm sóc người yêu trong khoảng 10 ngày còn lại của cuộc đời, anh Duy đã làm nên điều kỳ diệu mà chẳng ai hình dung nổi.
Sự quan tâm, tình yêu lớn của chồng đã trở thành động lực tinh thần giúp chị Bích vượt qua đau đớn, khó nhọc để chiến đấu kiên cường với căn bệnh. 2 tuần trôi qua, rồi 2 tháng, rồi chị mang bầu bé Linh An (năm 2006). Ai cũng bảo, hai vợ chồng trẻ liều lĩnh, bệnh của vợ chưa khỏi mà đã quyết định sinh con. Nhưng chị mang bầu vẫn khỏe, phổi của chị cũng lành dần. Hai người trải qua 9 tháng mong đợi con đầu lòng dài và căng thẳng như 9 năm. Điều bất ngờ gõ cửa, con gái đầu lòng Linh An chào đời hoàn toàn khỏe mạnh, nặng hơn 3kg.
Không nghỉ việc chăm vợ nữa, anh Duy đi làm, rồi mở một công ty tư nhân gia đình. Vốn có trong tay, anh chị mua một mảnh đất ở Mỹ Đình (Từ Liêm, Hà Nội) xây một căn nhà nhỏ để ở.
Năm 2008, cậu con trai Hải Đăng chào đời.
Năm 2012, hai bé gái sinh đôi chào đời.
Bốn đứa con như những minh chứng đẹp đẽ nhất cho phép màu tình yêu của chị Bích và anh Duy.
Chị Bích cười: “con cái là của trời cho, tôi hài lòng với hạnh phúc nhỏ bé của mình: một người chồng sẵn sàng bên cạnh chăm sóc, chia sẻ khó khăn với vợ, bốn đứa con nhỏ xinh xắn thực sự là những gì mà tôi không dám nhận được”.
Nhìn các con đang tung tăng vui đùa, nhìn vợ hạnh phúc, anh Duy chỉ nghĩ đơn giản: “Con cái là nguồn phước. Mỗi trẻ con là một linh hồn. Lúc sinh đôi hai bé, hai vợ chồng lo lắng lắm. Nhưng khi cả hai cùng chung tay chăm sóc, có ông bà nội ngoại giúp đỡ, thấy con lớn từng ngày, càng cảm thấy ấm cúng và hạnh phúc hơn. Đến giờ, tôi vẫn thấy quyết định liều lĩnh ngày nào là đúng đắn”.
Vừa lo việc công ty, chăm lo các con, anh Duy chị Bích còn chăm làm từ thiện. Địa chỉ gia đình anh Duy không chỉ là công ty gia đình mà còn là nơi “gửi gắm” những món đồ từ thiện của mọi người. Mỗi khi đồ chuyển đến, cả gia đình lại tập hợp quần áo, túi đồ, sách vở… để xếp thành từng bao tải ở góc phòng chờ lúc chuyển đi. Trong những chuyến đi từ thiện gần, vợ chồng anh Duy lại cho hai con lớn đi để “giúp mẹ một tay”. “Tôi đã được ban những điều kỳ diệu, tôi muốn mang phép nhiệm màu đến cho những người khác khó khăn hơn mình” – chị Bích nói.