Tọa đàm đã thu hút hơn 200 khách tham dự, trong đó có đại diện của 135 doanh nghiệp của hai nước. Tham dự Diễn đàn, về phía Việt Nam có Lãnh đạo tỉnh Nghệ An, Lãnh đạo các cơ quan: Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đại diện của 07 Tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam trong các lĩnh vực: năng lượng điện, khoáng sản, dệt may, kinh doanh xăng dầu, logistics, nông sản, trái cây, hạt điều, hóa chất, nhựa, ngân hàng…
Về phía Nam Phi có Thứ trưởng Bộ Quan hệ địa phương và Các vấn đề truyền thống Obed Bapela, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Khoáng sản Thabo Mokoena, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Johannesburg Jacki Mpondo Hendricks. Có khoảng 120 doanh nghiệp Nam Phi đến tham dự Tọa đàm. Ngoài địa bàn Johannesburg, Pretoria và một số thành phố lân cận, nhiều doanh nghiệp Nam Phi đến từ các địa phương xa hơn như Mpumalanga, KwaZulu Natal, Durban, Roodeport, Boksburg…
Sau bài phát biểu chào mừng của Bà Jacki Mpondo Hendricks là phát biểu khai mạc của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ. Phó Thủ tướng đã thông tin cho các đại biểu về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, thành tựu về XNK, thu hút đầu tư, tình hình hội nhập, đàm phán ký kết các Hiệp định Thương mại tự do, môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam và các cơ hội kinh doanh đang đặt ra cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Nam Phi. Phó Thủ tướng nhấn mạnh Chính phủ Việt Nam khuyến khích doanh nghiệp Nam Phi đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực chế biến, chế tạo, nông nghiệp, công nghiệp phụ trợ... Phó Thủ tướng đề nghị phía Nam Phi tạo điều kiện thuận lợi để đưa các sản phẩm nông thủy sản, thực phẩm và hàng tiêu dùng của Việt Nam vào các chuỗi siêu thị đa quốc gia như Makro, Metro, Woolworth và hệ thống siêu thị nội địa của Nam Phi như Spar, Shoprite, Checkers…
Phó Thủ tướng khẳng định, Việt Nam mong muốn và sẽ nỗ lực hết sức để thúc đẩy mạnh mẽ hơn quan hệ hợp tác với Nam Phi, đặc biệt là về kinh tế, đưa mối quan hệ này lên một tầm cao mới, tương xứng với mối quan hệ chính trị tốt đẹp vốn có giữa hai nước. Đặc biệt, Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ Việt Nam sẽ cùng với Chính phủ Nam Phi thúc đẩy sớm đàm phán ký các hiệp định về khuyến khích và bảo hộ đầu tư, tránh đánh thuế hai lần và xem xét việc mở các chi nhánh ngân hàng thương mại của Việt Nam tại Nam Phi, để hỗ trợ thanh toán các giao dịch xuất nhập khẩu và các hoạt động đầu tư của doanh nghiệp.
Tiếp theo là phát biểu, chia sẻ thông tin của Thứ trưởng Bộ Quan hệ địa phương và Các vấn đề truyền thống của Nam Phi, Thứ trưởng Bộ Năng lượng và Khoáng sản Nam Phi, Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Đặng Hoàng An. Các bài phát biểu, trao đổi của các Lãnh đạo Bộ hai nước tập trung giới thiệu môi trường đầu tư, kinh doanh, chính sách thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp, các cơ hội hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực thương mại, công nghiệp, năng lượng, đầu tư, du lịch, ngân hàng… và các đề xuất để thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới.
Tại buổi Tọa đàm, các đại biểu hai nước, đặc biệt là các doanh nghiệp Nam Phi đã được xem đoạn phim ngắn giới thiệu về chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, chính sách của Chính phủ về hỗ trợ đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, về xây dựng, hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn, về các lợi thế của Việt Nam cũng như các cơ hội kinh doanh đang đặt ra cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Trong Phần đối thoại chính sách và trao đổi thảo luận (Q&A), các doanh nghiệp hai nước đã đặt nhiều câu hỏi cho Lãnh đạo các Bộ của hai nước, xoay quanh các vấn đề về cơ chế, chính sách của Chính phủ hai nước, các quy định pháp lý, cũng như các cơ hội hợp tác thương mại và đầu tư. Một số vấn đề cụ thể được các doanh nghiệp quan tâm bao gồm: chính sách và quy định pháp luật của Nam Phi về sở hữu mỏ và khai thác mỏ than, mỏ khoáng sản; việc mở ngân hàng, chi nhánh ngân hàng tại Nam Phi; đầu tư mua trang trại để làm nông nghiệp tại Nam Phi; tình hình hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực kiểm dịch động thực vật, đàm phán mở cửa thị trường cho các sản phẩm nông nghiệp như thịt bò, thịt lợn, nho, trái bơ; quy định và thủ tục đăng ký đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam; vấn đề visa; hợp tác du lịch; thông tin về chính sách và tình hình sản xuất điện, nhu cầu nhập khẩu than của Việt Nam…
Các đại biểu Nam Phi tham dự hội thảo đã bày tỏ sự đánh giá cao đối với những ý kiến phát biểu, trao đổi, đề xuất của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ hữu nghị và hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch giữa hai nước. Các đại biểu Nam Phi cũng bày tỏ ấn tượng về một đất nước Việt Nam đang phát triển năng động, tham gia nhiều FTAs và kết nối với nhiều thị trường lớn trong khu vực và trên thế giới. Buổi Tọa đàm đã diễn ra trong không khí hữu nghị, thân thiện, hợp tác. Các đại biểu doanh nghiệp và các diễn giả đã trao đổi thẳng thắn, cởi mở, làm rõ nhiều vấn đề, qua đó nâng cao sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, đặc biệt là niềm tin đối với chính sách nhất quán của Chính phủ hai nước trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp hoạt động. Đây là tiền đề quan trọng cho việc thiết lập các mối quan hệ đối tác kinh doanh lâu dài, bền vững, cùng có lợi giữa cộng đồng doanh nghiệp của hai Bên.
Cuối buổi Tọa đàm là phiên thảo luận trực tiếp giữa các doanh nghiệp (B2B). Các doanh nghiệp hai nước đã dành nhiều thời gian để trao đổi thông tin liên hệ, tìm hiểu năng lực sản xuất, chiến lược kinh doanh, nhu cầu hợp tác kinh doanh thương mại, đầu tư và kế hoạch hợp tác cụ thể giữa hai Bên trong thời gian tới.