Nét đặc trưng văn hóa tín ngưỡng Tuyên Quang
Lễ hội Đền Hạ, Đền Thượng, Đền Ỷ La năm 2025 sẽ diễn ra từ ngày 09/3 đến 15/3/2025 (tức ngày 10/02 đến 16/02 âm lịch), mang chủ đề “Tôn vinh tín ngưỡng thờ Mẫu và bản sắc văn hóa Tuyên Quang”.
Ba ngôi đền Hạ, Thượng và Ỷ La đều được xây dựng từ thế kỷ XVIII - XIX, thờ Mẫu Thoải (Mẫu Thủy) - vị Thánh Mẫu được dân gian tôn kính là người ban phát nguồn sống cho muôn loài. Lễ hội gắn liền với tục thờ Mẫu, một di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đã được UNESCO công nhận. Đây không chỉ là dịp để bày tỏ lòng tri ân với các bậc tiền nhân mà còn thể hiện khát vọng về cuộc sống ấm no, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
![]() |
Quang cảnh buổi họp báo. |
Lễ hội năm nay hứa hẹn mang đến không gian văn hóa phong phú, kết nối truyền thống với đời sống đương đại. Phần lễ sẽ tái hiện đầy đủ nghi thức rước Mẫu và tế lễ trang nghiêm, giúp công chúng cảm nhận sự giao thoa giữa tâm linh và nghệ thuật. Phần hội sẽ bao gồm: trình diễn diễn xướng dân gian (nghi thức hầu đồng) và hát văn; giới thiệu văn hóa thưởng trà và các sản phẩm chè đặc trưng của Tuyên Quang, mang đến những trải nghiệm văn hóa độc đáo; trưng bày khăn chầu, áo ngự. Thông qua hình thức trưng bày tương tác đa phương tiện, du khách có thể tìm hiểu sâu sắc hơn về thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu. Các trò chơi như kéo co, đẩy gậy, đập niêu, cờ tướng sẽ góp phần tạo nên không khí sôi động cho lễ hội.
Phát huy giá trị Đạo Mẫu, Thiền Trúc Lâm
Chiều cùng ngày, UBND thành phố Tuyên Quang đã tổ chức tọa đàm với chủ đề "Phát huy giá trị truyền thống của Đạo Mẫu và Thiền Trúc Lâm trong đời sống người dân Tuyên Quang". Sự kiện đã thu hút sự quan tâm đặc biệt từ đông đảo các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa, đại diện cộng đồng địa phương, cùng nhiều học giả uy tín trong lĩnh vực văn hóa tín ngưỡng và Phật giáo. Tọa đàm không chỉ là dịp để trao đổi học thuật mà còn là cơ hội để cộng đồng hiểu sâu hơn về vai trò và ý nghĩa của Đạo Mẫu và Thiền Trúc Lâm trong đời sống đương đại.
![]() |
Quang cảnh tọa đàm. |
Đạo Mẫu, với tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ, thể hiện triết lý nhân sinh sâu sắc khi đề cao sự che chở, bao dung và lòng biết ơn đối với các đấng thiêng liêng. Đây là tín ngưỡng bản địa cổ xưa nhất của cư dân Bách Việt, có sức sống mãnh liệt trong tâm thức người Việt suốt nhiều thế kỷ. Nghi lễ hầu đồng - di sản phi vật thể được UNESCO công nhận - không chỉ là một nghi thức tâm linh mà còn mang ý nghĩa nghệ thuật đặc sắc, kết hợp nhuần nhuyễn giữa âm nhạc, vũ đạo, trang phục và ngôn ngữ biểu đạt. Tại Tuyên Quang, tục thờ Mẫu Thoải tại Đền Hạ, Đền Thượng và Đền Ỷ La được xem như hạt nhân văn hóa tín ngưỡng của vùng đất này. Sự hiện diện của Đạo Mẫu nơi đây phản ánh mối quan hệ hài hòa giữa con người và thiên nhiên, giữa đời sống tâm linh và nhu cầu sinh tồn, phát triển của cộng đồng.
![]() |
Phiên thảo luận tại tọa đàm. |
Thiền phái Trúc Lâm, do Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập vào cuối thế kỷ XIII, mang tinh thần nhập thế đặc trưng. Khác với nhiều tông phái Phật giáo khác, Thiền Trúc Lâm không tách biệt con người khỏi cuộc sống thế tục mà nhấn mạnh sự gắn bó, hài hòa giữa tu hành và trách nhiệm xã hội. Trong bối cảnh Tuyên Quang, Thiền Trúc Lâm đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân. Không chỉ lan tỏa các giá trị đạo đức, nhân văn mà còn góp phần khuyến khích lối sống an nhiên, hướng thiện, phát triển trí tuệ và tâm hồn trong cộng đồng. Thiền phái Trúc Lâm ở Tuyên Quang được xem là cầu nối giữa truyền thống và hiện đại, giữa tâm linh và những giá trị sống đương đại.
![]() |
Sự kiện đã thu hút sự quan tâm đặc biệt từ đông đảo các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa... |
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi về các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống trong bối cảnh hội nhập và phát triển. Nhiều ý kiến cho rằng, việc kết hợp Đạo Mẫu và Thiền Trúc Lâm trong các hoạt động văn hóa, lễ hội không chỉ giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mà còn mở ra tiềm năng phát triển du lịch tâm linh bền vững. Bà Vũ Quỳnh Loan, Phó Chủ tịch UBND thành phố Tuyên Quang, nhấn mạnh: “Đạo Mẫu và Thiền Trúc Lâm không chỉ mang lại sự an yên cho tâm hồn, mà còn có thể trở thành nền tảng cho du lịch tâm linh bền vững – một xu hướng quan trọng trong phát triển văn hóa – kinh tế hiện nay. Chúng tôi tin tưởng rằng, với sự chung tay của toàn xã hội, Tuyên Quang sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch tâm linh Việt Nam.”
![]() |
Bà Vũ Quỳnh Loan, Phó Chủ tịch UBND thành phố Tuyên Quang. |