Theo Tổng thống Syria, nhiệm vụ duy nhất của Mỹ tại Syria là hỗ trợ những kẻ khủng bố và phá hủy đất nước này.
"Nếu ông ta (Tổng thống Donald Trump) nói về việc hủy diệt Syria, tất nhiên sứ mệnh đó đã được hoàn thành. Còn nếu bạn nói về việc chiến đấu chống khủng bố, tất cả chúng ta đều biết rất rõ rằng nhiệm vụ duy nhất mà Mỹ đã thực hiện ở Syria là hỗ trợ những kẻ khủng bố, bất kể tên chúng là gì hoặc phe phái của chúng", ông Assad bình luận về tuyên bố của Tổng thống Donald Trump rằng sứ mệnh của Mỹ tại Syria "đã hoàn thành"
Khi được hỏi về một cuộc gặp mặt tiềm năng với Tổng thống Trump, ông Assad cho biết mình không nghĩ rằng Damascus có thể đạt được bất kỳ thỏa hiệp nào với chính quyền Mỹ hiện tại.
"Chúng ta có thể đạt được gì với một người nói điều gì đó trước chiến dịch tranh cử và làm điều ngược lại sau khi đắc cử, một người nói điều gì đó ngày hôm nay, đến ngày mai lại làm ngược lại, hoặc có thể trong cùng một ngày?", ông Assad nhấn mạnh.
Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump hứa sẽ tập trung vào cuộc chiến chống khủng bố ở Syria thay vì lật đổ chính phủ ở Damascus. Tuy nhiên, kể từ khi Tổng thống Trump nhậm chức vào tháng 1/2017, Mỹ đã đào tạo và trang bị cho lực lượng đối lập vũ trang của Syria, đặc biệt là các nhóm dân quân người Kurd tại phía bắc Syria.
Hơn nữa, Mỹ đã tiến hành các cuộc tấn công bằng tên lửa chống nhắm vào các mục tiêu của chính phủ Syria 2 lần dựa trên cáo buộc về các cuộc tấn công hóa học của chính phủ nhắm vào dân thường.
Phía Damascus đã nhiều lần phủ nhận tất cả các cáo buộc được đưa ra mà không có bất kỳ bằng chứng nào.
Mất 400 tỷ USD để tái thiết Syria
Về chi phí tái thiết đất nước sau chiến tranh, ông Assad cho biết: "Tốn khoảng hàng trăm tỷ USD, mức tối thiểu là 200 tỷ và theo ước tính, là khoảng 400 tỷ đô la. Tại sao con số này không chính xác? Bởi một số khu vực vẫn nằm dưới sự kiểm soát của bọn khủng bố, nên chúng tôi không thể ước lượng chính xác con số".
Vào tháng Tư, Tổng thống Assad nói rằng phải mất ít nhất 10-15 năm để khôi phục cơ sở hạ tầng của Syria và lưu ý rằng các công ty Nga sẽ được ưu tiên với các hợp đồng tái thiết. Đồng thời, Trung Quốc cũng bày tỏ sự quan tâm đến công cuộc tái thiết này.
Syria đã ở trong tình trạng nội chiến từ năm 2011, khi lực lượng chính phủ phải chiến đấu chống lại nhiều nhóm đối lập và các tổ chức khủng bố. Cuộc chiến đã dẫn đến một thảm họa nhân đạo, với hơn 13 triệu người Syria đang cần sự trợ giúp nhân đạo và hơn 7 triệu người đã phải sơ tán do bạo lực gia tăng.
Theo Sputnik