Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết hôm thứ Hai rằng những cải cách kinh tế của ông, đã gây ra các cuộc biểu tình rầm rộ trên toàn quốc, sẽ tiếp tục được triển khai bất chấp các quan điểm bất đồng.
"Chúng ta đã sống qua những rạn nứt lớn trong năm nay và một sự tức giận đang gia tăng", Tổng thống Macron phát biểu nhân dịp đầu năm. "Sự tức giận này cho chúng ta biết một điều: rằng chúng ta là quốc gia không cam chịu".
"Trong những năm gần đây, chúng ta đã tham gia vào một sự phủ nhận trắng trợn về thực tế", ông nói thêm, biện minh cho các cải cách. "Chúng ta không thể làm việc ít hơn, kiếm được nhiều tiền hơn, giảm thuế và tăng chi tiêu".
Nói về các cải cách, ông Macron nhấn mạnh rằng tác động của chúng "không thể diễn ra ngay lập tức", nhưng lập luận rằng "sự thiếu kiên nhẫn không thể cho phép bất kỳ sự từ bỏ nào".
"Chủ nghĩa tư bản tài chính và tự do cực đoan, quá thường xuyên được dẫn dắt bởi các lợi ích ngắn hạn, đang hướng tới sự sụp đổ của nó", Tổng thống Pháp tuyên bố.
Theo ông, người dân Pháp không đánh giá cao những lợi ích mà họ đã được hưởng.
"Chúng ta sống ở một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới, cơ sở hạ tầng của chúng ta thuộc hàng tốt nhất thế giới, chúng ta chỉ phải chi trả rất ít hoặc miễn phí đối với giáo dục trẻ em, chi phí chăm sóc sức khỏe của chúng ta thuộc loại thấp nhất trong số các quốc gia phát triển và cho phép chúng ta tiếp cận với một số bác sĩ giỏi nhất", ông Macron nói.
Nói về các cuộc biểu tình, Tổng thống Macron đã chỉ trích những người "lấy cớ, nhân danh người dân".
"Chúng chỉ đại diện cho một đám đông đáng ghé, những kẻ tấn công chính quyền dân cử, lực lượng an ninh, nhà báo, người Do Thái, người nước ngoài, người đồng tính. Chúng đơn giản chỉ là sự phủ định của nước Pháp", ông nói.
Ông Macron đã hạ thấp khả năng trưng cầu ý kiến về các quyết định chính sách lớn và loại bỏ các cơ quan dân cử, các yêu sách mà phe "áo vàng" kêu gọi chính phủ chấp thuận.
"Người dân có chủ quyền và điều này thể hiện trong các cuộc bầu cử", ông nói. "Chúng ta là một nhà nước pháp trị".
Năm nay là một năm đặc biệt tồi tệ đối với Tổng thống Emmanuel Macron, ông bước vào năm 2018 với tỷ lệ ủng hộ khoảng 40%, con số này đã nhanh chóng giảm xuống còn 20% vào tháng 12.
Ông Macron đã từng bị chỉ trích vì cắt giảm thuế cho giới chủ lao động và những người giàu có, chính sách này ngay lập tức mang lại cho ông biệt danh "Tổng thống của người giàu", tờ New York Times đưa tin.
Ngoài ra, vụ bê bối Benalla tiếp tục giáng một đòn mạnh vào vị thế của Tổng thống Pháp. Alexandre Benalla - vệ sĩ và trợ lý của ông Macron, đã bị bắt gặp đánh đập người biểu tình. Vụ việc càng trở nên trầm trọng hơn sau khi ông Benalla tiếp tục được ra nước ngoài bằng hộ chiếu ngoại giao và nhắn tin cho Tổng thống Macron.
Nội các Pháp cũng đã có những biến động khi ông Macron mất đi hai vị Bộ trưởng trong một khoảng thời gian khá ngắn. Vào tháng 8, Bộ trưởng Môi trường nổi tiếng Nicolas Hulot đã đột ngột từ chức, tiếp theo là Bộ trưởng Nội vụ Gérard Collomb.
Tháng 11 đã chứng kiến sự khởi đầu của các cuộc biểu tình khét tiếng của phe "áo vàng", ban đầu được thúc đẩy bởi làn sóng phản đối việc tăng thuế nhiên liệu. Các cuộc biểu tình nhanh chóng lan nhanh trên toàn quốc và tập trung vào việc phản đối chính phủ ông Macron.