Trump tái trừng phạt Iran: Thùng thuốc súng Trung Đông có bùng nổ?

Sau khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, Tổng thống Trump tuyên bố tái áp đặt trừng phạt với quốc gia này nhưng nhiều chuyên gia nghi ngờ việc Mỹ đạt được mục tiêu tại khu vực.

Dưới Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (JCPOA) ký kết năm 2015, Mỹ đồng ý giảm nhẹ trừng phạt với Iran. Tuy nhiên, với việc rút khỏi thỏa thuận này hồi đầu tháng 5, chính quyền của Tổng thống Donald Trump bắt đầu tái áp đặt cấm vận từ ngày 6/8, nhắm vào nhiều ngành kinh tế quan trọng của Iran như sản xuất ôtô, vàng, thép và những vật liệu khác.

Khi quyết định rút khỏi JCPOA, Tổng thống Trump bác bỏ tất cả đánh giá của những cơ quan giám sát thuộc Liên Hợp Quốc, không công nhận dẫn chứng cho thấy Iran tuân thủ các thỏa thuận trong JCPOA. Ông đồng thời phớt lờ mọi lời khẩn cầu của các đồng minh châu Âu, những quốc gia muốn tiếp tục thỏa thuận hạn chế vũ khí tiêu diệt hàng loạt với Iran đang hoạt động hiệu quả.

Trump tái trừng phạt Iran: Thùng thuốc súng Trung Đông có bùng nổ? ảnh 1Ông Donald Trump phát biểu tại một cuộc biểu tình chống thỏa thuận hạt nhân JCPOA năm 2015, khi ông đang tranh cử chức vụ tổng thống Mỹ. Ảnh: AP.

Viễn cảnh bị tái áp đặt trừng phạt khiến đồng rial của Iran rớt giá thảm hại. Và Tổng thống Iran Hassan Rouhani bắt đầu tấn công những người chống đối đã chế nhạo ông và thỏa thuận hạt nhân ông xúc tiến năm 2015. Hỗn loạn bắt đầu len lỏi vào đời sống của người Iran.

Cuối tuần qua, quân đội Iran cũng tiến hành tập trận tại eo biển Hormuz, vùng biển then chốt của thế giới, nơi có nhiều chuyến tàu chở hàng đi qua dẫn tới những lo ngại Tehran có thể bóp nghẹt "yết hầu năng lượng" này để đáp trả lại lệnh cấm vận. Những tuyên bố cứng rắn đã được đưa ra và lo ngại về một Trung Đông căng thẳng đang dần trở lại.

Đòn bẩy và một thỏa thuận tốt hơn?

Theo Washington Post, thỏa thuận JCPOA giúp Iran mở ra cánh cửa hội nhập với các nước phương Tây sau nhiều năm căng thẳng và bị cô lập. Giờ,  cánh cửa ấy đã bị đóng sập. Các lãnh đạo Iran không còn cách nào khác ngoài việc trở lại với đường lối ngoại giao "kháng cự" và độc lập đã tồn tại ở nước này gần 4 thập kỷ.

"Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 (với chiến thắng của Trump) là đám mây đen bao trùm thỏa thuận hạt nhân JCPOA, và cuối cùng, nó đã dẫn đến hậu quả không thể tồi tệ hơn", ông Farid Dehdilani, cố vấn về quan hệ quốc tế thuộc Tổ chức Tư nhân hóa Iran, trả lời AFP.

Chính quyền của Tổng thống Trump và những nhân vật diều hâu của đảng Cộng hòa tại Washington tin rằng các đòn trừng phạt sẽ làm suy yếu chế độ cầm quyền tại Iran. Cuối tuần qua, ông Trump không che giấu thái độ hả hê với các báo cáo cho thấy biểu tình về các vấn đề kinh tế đang gia tăng tại Iran, đồng thời liên hệ môi trường chính trị ngày càng tệ tại Tehran với quyết định tái áp đặt trừng phạt của Mỹ.

Theo tổng thống, tất cả những hỗn loạn này sẽ đóng vai trò đòn bẩy, thúc giục Iran thương lượng thỏa thuận hạt nhân mới, có thể có lợi hơn cho cả Iran và nước Mỹ.

Trump tái trừng phạt Iran: Thùng thuốc súng Trung Đông có bùng nổ? ảnh 2

Tổng thống Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân JCPOA ngày 8/5 tại Nhà Trắng. Ảnh: Reuters.

Giới phân tích không lạc quan như vậy.

"Tổng thống Trump ngụ ý rằng ông đang 'châm dầu' vào mồi lửa bất mãn tại Iran, nhưng cũng không ngại quay lưng với người dân nước này để đạt được thỏa thuận với lãnh đạo của họ", ông Karim Sadjadpour, chuyên gia về Iran tại Tổ chức Carnegie về Hòa bình quốc tế, viết trên Twitter.

"Trên thực tế, nhu cầu (thay đổi) kinh tế/chính trị/xã hội tại Iran đã có từ rất lâu, và Tổng thống Trump không thể châm ngòi hoặc dập tắt những nguyện vọng này".

Thay vào đó, động thái của Mỹ là "gáo nước lạnh" dội thẳng vào những nỗ lực của châu Âu trong việc bảo vệ các doanh nghiệp đang hợp tác với Iran. Nếu những công ty trên không cắt đứt hợp đồng với Iran, khả năng cao là họ cũng phải chịu trừng phạt từ Mỹ. Điều này góp phần gây gia tăng căng thẳng giữa Mỹ và các đồng minh phương Tây.

Iran không dễ rạn nứt

Dù đối mặt với nhiều thử thách, chính quyền tại Iran không dễ dàng rạn nứt. Các chuyên gia cho rằng những trừng phạt vừa được phía Mỹ tái áp đặt không nặng nề bằng lệnh cấm vận có trước khi thỏa thuận JCPOA được ký kết năm 2015.

Và mặc dù các nước châu Âu miễn cưỡng chịu áp lực từ Nhà Trắng, những quốc gia khác, như Trung Quốc và Ấn Độ, có thể sẽ không dễ dàng đồng lòng. Bắc Kinh và New Delhi là những quốc gia có giá trị thương mại với Iran tương đối lớn.

"Trung Quốc đã tuyên bố nhiều khả năng là họ sẽ tiếp tục nhập khẩu dầu mỏ từ Iran, kể cả sau khi động thái tái áp đặt trừng phạt của Mỹ khiến việc buôn bán dầu hỏa của Tehran lao đao", tác giả Dina Esfandiary và Ariane Tabatabai viết trên tạp chí Foreign Affairs.

Trump tái trừng phạt Iran: Thùng thuốc súng Trung Đông có bùng nổ? ảnh 3

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt tay Tổng thống Hassan Rouhani trong chuyến thăm chính thức đến Iran năm 2016. Ảnh: AP.

Bắc Kinh đồng thời đang tìm cách mở rộng hợp tác với Iran dưới sáng kiến Vành đai, Con đường, vốn tham vọng kết nối toàn cầu, đồng thời đầu tư vào lĩnh vực năng lượng hạt nhân của Iran.

"Hôm nay, khi Washington một lần nữa siết chặt cấm vận, Tehran sẽ trông chờ vào mối quan hệ với Bắc Kinh. Sự cam kết của Trung Quốc với Iran có thể 'lót đường' để các quốc gia khác hành động tương tự, điều có thể phá hoại kế hoạch gây áp lực của Mỹ", hai tác giả Esfandiary và Tabatabai phân tích.

Theo Washington Post, mâu thuẫn thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc không khiến tình hình trở nên khả quan hơn. "Cố gắng đưa ra trừng phạt nhằm 'bóp cổ' Iran nhưng lại không tạo dựng được mối quan hệ, dù là không chính thức, với Trung Quốc là một nỗ lực cùng khó khăn", ông Jarrett Blanc, cựu quan chức thuộc Bộ ngoại giao Mỹ từng làm việc với thỏa thuận hạt nhân JCPOA dưới thời ông Obama, cho biết.

"Không thể chối bỏ việc Mỹ có thể gây tổn hại đến nền kinh tế Iran", ông Blanc nói thêm, nhưng Iran sẽ "thể hiện được sự kiên cường", tương tự như thời thỏa thuận JCPOA chưa được ký kết.

Trump tái trừng phạt Iran: Thùng thuốc súng Trung Đông có bùng nổ? ảnh 4

Làn sóng biểu tình tại Iran đang gia tăng vì người dân ngày càng bất mãn về kinh tế. Ảnh: Getty.

Nhà báo Jason Rezaian, người từng là phóng viên của Washington Post tại Tehran tại thời điểm thỏa thuận hạt nhân JCPOA đang được thảo luận, tường thuật về những khó khăn mà người Iran phải "sống chung" một khi phía Mỹ tái áp đặt trừng phạt.

Giá cả tăng, nguồn cung cấp thuốc chữa bệnh giảm, người lao động và tầng lớp trung lưu chịu tình cảnh "thắt lưng buộc bụng" trong khi giới thượng lưu có nhiều mối liên hệ với chính quyền ngày càng trở nên giàu có nhờ kinh doanh chợ đen, ông Rezaian cho biết.

Tuy nhiên, điều này không phải là viễn cảnh lạc quan đối với các quan chức Mỹ ủng hộ việc thay đổi chế độ cầm quyền ở Iran, ông Rezaian cảnh báo. Các nhà lãnh đạo tại Tehran rất biết cách bảo vệ quyền lực của mình, ngay cả khi công chúng đang tuyệt vọng và giận dữ.

Và Tổng thống Donald Trump chỉ làm được mỗi một việc đó là làm gia tăng căng thẳng trong khu vực, theo Washington Post.

Bất mãn vì kinh tế, biểu tình biến thành bạo lực ở Iran Tính đến sáng 1/1, ít nhất 12 người đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình tại Iran 5 ngày qua, xuất phát từ nguyên nhân ban đầu là sự bất mãn vì tình hình kinh tế đất nước.

Theo Zing
Tảng băng lớn nhất thế giới thoát khỏi Nam Cực
Tảng băng lớn nhất thế giới thoát khỏi Nam Cực
(Ngày Nay) - Các hình ảnh vệ tinh mới nhất từ Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cho thấy tảng băng khổng lồ A-23A - hiện là tảng băng lớn nhất thế giới - đã thoát khỏi vòng xoáy đại dương phía bắc quần đảo Nam Orkney và đang trôi dạt về phía đông bắc, hướng tới đảo Nam Georgia, nơi nó được dự đoán sẽ tan vỡ và biến mất hoàn toàn.
Hàng nghìn người tham dự đêm nhạc “Bài ca không quên”
Hàng nghìn người tham dự đêm nhạc “Bài ca không quên”
(Ngày Nay) - Tối 22/12, Hòa nhạc và biểu diễn nghệ thuật đặc biệt Bài ca không quên diễn ra tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM) với nhiều cảm xúc, đưa khán giả trở về những khoảnh khắc lịch sử hào hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Bức tranh đa sắc trong nội các của chính quyền Trump 2.0
Bức tranh đa sắc trong nội các của chính quyền Trump 2.0
(Ngày Nay) -  Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump gây bất ngờ với danh sách nội các mới đa dạng chưa từng có, từ cựu đảng viên Dân chủ đến các nhà tài phiệt, hé lộ một chiến lược táo bạo cho nhiệm kỳ thứ hai của ông.
Từ năm 2025, trường học được xây cao nhất là 5 tầng
Từ năm 2025, trường học được xây cao nhất là 5 tầng
(Ngày Nay) -  Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư mới bổ sung và điều chỉnh linh hoạt các tiêu chuẩn về diện tích đất, quy mô trường học và tiêu chuẩn cơ sở vật chất tối thiểu, theo hướng phù hợp với thực tế triển khai tại các địa phương.
Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình chúc mừng Giáng sinh các tổ chức tôn giáo
Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình chúc mừng Giáng sinh các tổ chức tôn giáo
(Ngày Nay) -  Trong không khí vui tươi, ấm áp dịp Lễ Giáng sinh 2024 và đón chào năm mới 2025, chiều 22/12, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đã đến chúc mừng tại Tòa Tổng Giám mục Hà Nội, Tổng hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Bắc) và Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam.
Thiếu tá Hà Thanh thuyết minh phòng truyền thống cho các chiến sĩ mới.
Không phải cứ cầm súng mới là chiến đấu
(Ngày Nay) - Là một người vợ, một người mẹ nhưng trên hết là một người con của Tổ quốc, những nữ quân nhân luôn xứng đáng được tôn vinh với sự hi sinh cao cả cho sự nghiệp bền vững của dân tộc. Hơn 15 năm công tác tại quân đội, Thiếu tá Đinh Thị Hà Thanh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, tỏa sáng với phẩm chất “Anh hùng - bất khuất - trung hậu - đảm đang”.