Trung Đông bên bờ vực nguy hiểm

Tình hình ở Trung Đông đang liên tiếp diễn biến phức tạp sau vụ tấn công nhằm vào các cơ sở lọc hóa dầu của Saudi Arabia. Mỹ cùng Saudi Arabia đã công khai cáo buộc Iran đứng sau vụ tấn công khiến thị trường dầu mỏ thế giới chao đảo này.
Nhà máy lọc dầu của Saudi Arabia ở Abqaig bị phá hủy sau vụ tấn công ngày 14/9/2019. Ảnh: AFP/TTXVN
Nhà máy lọc dầu của Saudi Arabia ở Abqaig bị phá hủy sau vụ tấn công ngày 14/9/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Việc Tổng thống Mỹ để ngỏ "mọi sự lựa chọn" trong việc trừng phạt Iran sau vụ tấn công trên đang khiến tình hình an ninh Trung Đông bị đặt vào tình thế nguy hiểm.

Những diễn biến vừa qua khiến nhiều người liên tưởng đến trục quan hệ Mỹ - Saudi Arabia - Iran mà Riyadh được xem là một yếu tố quan trọng và có thể tác động tới các quyết sách của chính quyền Washington thời gian tới. Trong khi những căng thẳng hay đối đầu giữa Mỹ và Iran kể từ khi Washington rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử năm 2015 thường xuyên leo thang bởi Tehran bị cáo buộc đứng sau hàng loạt vụ tấn công các tàu chở dầu tại vùng Vịnh, thì vụ tấn công nhằm trực tiếp vào Saudi Arabia, một đồng minh chủ chốt của Mỹ ở khu vực, được cho là nghiêm trọng tới mức khiến nhiều người tin rằng Washington cũng như Riyadh khó có thể cho qua một cách dễ dàng.

Những lời tố cáo lẫn nhau bị đẩy lên tới đỉnh điểm khiến nhiều người lo ngại về một cuộc xung đột vũ trang có nguy cơ xảy ra bất cứ lúc nào nếu tình hình vẫn cứ tiếp diễn như hiện nay. Tuy nhiên, thực tế cũng cần nhìn nhận và đánh giá bức tranh toàn cảnh ở khu vực này từ nhiều góc độ.

Đầu tiên, có thể nói rằng Trung Đông và ở phạm vi hẹp hơn là Vùng Vịnh đang trong trạng thái “nhạy cảm”, không khác gì “thùng thuốc súng” chỉ trực chờ phát nổ bất kỳ lúc nào nếu không được tháo ngòi. Vụ tấn công nhằm vào đồng minh chủ chốt của Mỹ là Saudi Arabia hoàn toàn có thể coi như "mồi lửa" khiến căng thẳng bùng nổ. Giới chức từ Washington cho đến Riyadh cũng như các đồng minh của Mỹ ở khu vực hay châu Âu đang tiến hành các cuộc tham vấn qua nhiều kênh khác nhau để thống nhất lập trường chung và tìm kiếm biện pháp đáp trả phù hợp đối với vụ tấn công nhằm vào các cơ sở dầu lửa của Saudi Arabia. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (Mai Pôm-pê-ô) đã được cử tới Riyadh để thảo luận với giới chức nước chủ nhà về vụ tấn công. Tổng thống Mỹ cũng liên tục đưa ra những cảnh báo đối với Iran.

Dưới thời Tổng thống Donald Trump, Mỹ dường như có xu hướng tránh phát động chiến tranh trực tiếp, thay vào đó là áp đặt trừng phạt kinh tế, ngay cả trong trường hợp Iran. Trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang tới gần, Tổng thống Donald Trump được cho đã cố gắng để giảm tối đa và chấm dứt hành động can dự quân sự tại các điểm nóng. Vì vậy, hành động quân sự chống lại Iran sẽ vừa gây ra nhiều nguy hại vừa đi ngược lại chiến lược của Mỹ. 

Mặt khác, một cuộc chiến tranh tổng lực ở quy mô lớn tại khu vực sẽ gây ra những tác động cực kỳ lớn đối với an ninh và sự ổn định của Trung Đông cũng như nền kinh tế toàn cầu và sẽ không bên nào được hưởng lợi mà không phải trả giá đắt. Trong trường hợp xảy ra xung đột vũ trang giữa liên minh Mỹ - Saudi Arabia và Iran, hoạt động sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ có thể chịu thiệt hại nghiêm trọng hơn, nền kinh tế toàn cầu khó tránh bị ảnh hưởng nặng nề. Bởi vậy, nhiều nhà quan sát khu vực cho rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump đang “câu giờ” để nghe ngóng và nắm bắt tình hình, thậm chí còn tung “đòn gió” để hù dọa đối phương.

Một khả năng có thể xảy ra đó là Mỹ và đồng minh triển khai các cuộc tấn công “chớp nhoáng” và “chính xác” nhằm thẳng vào các mục tiêu không trực tiếp và không phải là cốt lõi của Iran ở Yemen, Iraq hay Syria để trả đũa và cảnh cáo. Còn khả năng tấn công vào lãnh thổ Iran sẽ khiến chiến sự leo thang khó kiểm soát hơn, mặc dù các mục tiêu có thể được chọn vì ý nghĩa mang tính biểu tượng thay vì giá trị thực tế và được giới hạn nhằm đủ để gửi thông điệp tới giới chức Iran, song cũng không gây ra phản ứng gay gắt từ Tehran.

Một lựa chọn khác là áp đặt trừng phạt mới, nhưng có hai vấn đề với bước đi này. Thứ nhất, trừng phạt không có tác động ảnh hưởng về tâm lý như hành động quân sự. Thứ hai, Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt rất mạnh nhằm vào nền kinh tế Iran, thêm trừng phạt sẽ không có nhiều tác dụng và thiếu sức nặng và cũng không chắc đem lại hiệu quả như mong muốn. Thực tế, trong bối cảnh hiện nay, Mỹ không có nhiều sự lựa chọn mang lại hiệu quả chắc chắn trong việc giải quyết vấn đề Iran.

Có ý kiến cho rằng thái độ thận trọng của ông Trump trước vụ việc trên đã phần nào cho thấy Washington đang đối mặt với tình thế “tiến thoái lưỡng nan”. Tổng thống Trump không hề muốn nước Mỹ lại sa lầy vào một cuộc xung đột quân sự “hao tiền, tốn của” nữa ở Trung Đông, nhưng Washington cũng khó mà "im lặng" không có phản ứng đối với vụ việc, đặc biệt bởi đây là khu vực Mỹ có nhiều lợi ích cần bảo vệ cũng như đồng minh cần “bao bọc”, trong đó phải kể đến Saudi Arabia và Israel. Vụ tấn công này có thể coi là một thử thách đối với mối quan hệ đồng minh Mỹ-Saudi Arabia.

Kể cả Iran cũng đang chịu nhiều áp lực dù rằng giới chức nước này vẫn tỏ ra cứng rắn. Iran đang trải qua giai đoạn đặc biệt khó khăn về kinh tế do các biện pháp trừng phạt của Mỹ, đặc biệt trong lĩnh vực dầu mỏ, điều đó cũng gây bất ổn xã hội tại quốc gia Hồi giáo. Vụ tấn công nhằm vào Saudi Arabia càng khiến tình thế của Tehran thêm nghiêm trọng bởi đây có thể bị coi là cái cớ để Iran bị cô lập hơn nữa. Iran đã bác bỏ bất kỳ sự dính líu nào tới vụ tấn công hôm 14/9 ở Saudi Arabia, song cho rằng đây là một thông điệp cảnh báo rằng cuộc chiến ở Yemen cần phải kết thúc và lực lượng Houthi có quyền trả đũa các cuộc tấn công của liên quân Arab do Saudi Arabia đứng đầu tiến hành ở Yemen.

Trong khi đó, các nước Arab Vùng Vịnh giàu có, đứng đầu là Saudi Arabia sẽ phải hứng chịu những hậu quả nặng nề nhất nếu đối đầu quân sự với Iran. Trên thực tế, vụ tấn công mới đây cũng làm bộc lộ những “tử huyệt” của quốc gia giàu dầu mỏ này dù rằng Riyadh đã tốn không ít tiền bạc đầu tư vào việc mua sắm các trang thiết bị quân sự. Giới chuyên gia quân sự cho rằng năng lực phòng không của Saudi Arabia có “vấn đề” nghiêm trọng khi nước này nhiều lần bị lực lượng Houthi ở Yemen sử dụng tên lửa và máy bay không người lái tấn công và vụ việc ngày 14/9 vừa qua là nghiêm trọng nhất. Bên cạnh đó, Saudi Arabia cũng cần xem xét và đánh giá lại chiến lược an ninh của mình, trong đó có việc tham chiến ở Yemen.

Trong bối cảnh hiện nay, Trung Đông đang được ví như một “chiếc nồi áp suất” khi áp suất và nhiệt độ ở bên trong đã tiệm cận mức báo động. Có vẻ lúc này cần một “van xả áp an toàn” để hạ nhiệt, mà trước hết các bên phải tránh những tính toán thiển cận và sai lầm.

Theo TTXVN
Ảnh minh họa
WHO ra mắt mạng lưới toàn cầu mới giám sát virus corona
(Ngày Nay) -  Ngày 27/3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ra mắt mạng lưới toàn cầu mới về virus corona CoViNet để phát hiện, theo dõi và đánh giá sớm cũng như chính xác các virus SARS-CoV-2, MERS-CoV và các chủng virus corona mới đe dọa nghiêm trọng sức khỏe cộng đồng.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng
Việt Nam hoan nghênh Nghị quyết về việc ngừng bắn tại Dải Gaza
(Ngày Nay) - Ngày 27/3, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết 2728 về việc ngừng bắn tại Dải Gaza, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng khẳng định:
Ảnh minh họa
Giả danh cán bộ, công chức Sở Thông tin và Truyền thông để lừa đảo
(Ngày Nay) -  Ngày 28/3, ông Bùi Thanh Toàn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bạc Liêu cho biết, thời gian qua, Sở liên tục nhận được phản ánh có dấu hiệu lừa đảo khi một số đối tượng giả danh cán bộ, công chức Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bạc Liêu gọi điện cho cán bộ lãnh đạo của một số sở, ngành, địa phương và người dân.
UNESCO kêu gọi thúc đẩy giáo dục hòa nhập. Ảnh: UNESCO/Marie ETCHEGOYEN
Tôn vinh và ủng hộ sự hòa nhập trong giáo dục
(Ngày Nay) - Kỷ niệm 30 năm Tuyên bố Salamanca hồi giữa tháng 3/2024, cộng đồng quốc tế đã cam kết tiếp tục nỗ lực hướng tới môi trường giáo dục hòa nhập và công bằng cho tất cả mọi người.