Lầu Năm Góc trước đó nói rằng thiết bị ngầm không người lái của họ (UUV) là một thiết bị hoạt động theo lịch trình, tuy nhiên một bài xã luận được tờ People’s Daily của Trung Quốc lại cho rằng chiếc UUV này có liên hệ với nỗ lực “bao vây” Trung Quốc của Mỹ.
“Phía Mỹ cố gắng giảm nhẹ các hoạt động của thiết bị này, nhưng mục đích đằng sau đó là rõ ràng” - bài xã luận có viết - “Thiết bị ngầm xuất hiện tại Biển Đông chỉ là phần nổi của tảng băng trôi trong chiến lược quân sự của Mỹ đối với Trung Quốc”.
Trung Quốc đã đồng ý trả lại thiết bị trên, tuy nhiên chi tiết liên quan tới việc trao trả vẫn chưa được quyết định.
Sự việc xảy ra trong bối cảnh quan hệ giữa hai cường quốc đang trở nên căng thẳng trong những tuần gần đây, sau khi Tổng thống đắc cử Donald Trump tuyên bố sẵn sàng đối đầu và thách thức Bắc Kinh. Bà Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đã nhấn mạnh rằng họ phản đối các hoạt động của hải quân Mỹ trong khu vực tại một cuộc họp báo hôm đầu tuần, nói rằng thiết bị trên đang theo dõi Trung Quốc.
Bắc Kinh đang lo điều gì?
Zhang Baohui, một chuyên gia an ninh thuộc Đại học Lingnan (Hong Kong), cho hay, ông tin rằng vụ việc vừa qua là có chủ đích và dường như là hành động đáp trả mà Bắc Kinh dành cho ông Trump, người trước đó từng đặt ra câu hỏi về chính sách “Một Trung Quốc”, khiến chính quyền Bắc Kinh tức giận.
Vị chuyên gia này nói rằng vụ việc trên được thực hiện bởi một tàu hỗ trợ tàu ngầm của Trung Quốc, điều này cho thấy có thể phía Trung Quốc lo ngại sẽ có mối đe dọa đối với hạm đội tàu ngầm hạt nhân Type 094 của họ đang hoạt động trong vùng biển này.
“Trung Quốc đặc biệt nhạy cảm với việc Mỹ theo dõi họ trên Biển Đông” - ông Zhang nói - “Đó là một khu vực tranh chấp, và Trung Quốc cảm thấy các tàu ngầm của họ đang bị đe dọa. Theo ý kiến của tôi, Trung Quốc đã nghĩ rằng Mỹ đang sử dụng các thiết bị ngầm để theo dõi tàu ngầm của họ, và họ cảm thấy cần phải hành động”.
Ông Zhang thêm rằng, không giống như Mỹ và Nga, Trung Quốc không có một địa dương lớn ngay trước cửa ngõ của mình để các tàu ngầm nguyên tử có thể vận hành mà không bị phát hiện, và khu vực biển Hoa Đông ở phía Bắc thì lại nhỏ, nông và lại có sự hiện diện của tàu do thám Nhật Bản. Vậy nên Trung Quốc phải xây dựng các căn cứ quân sự ở Biển Đông.
“Trò chơi trẻ con”
Sự việc vừa qua càng trở nên căng thẳng hơn sau khi Tổng thống đắc cử Donald Trump đưa ra bình luận của mình trên Twitter, để rồi sau đó bị tờ Global Times dẫn lại cùng với lời đáp trả.
“Ông ấy không có khả năng dẫn dắt một siêu cường” - một bình luận mà tờ báo này đăng tải hôm Chủ nhật tuần trước, nói - “Ngay cả khi quân đội Mỹ không sử dụng cụm từ “ăn cắp” để mô tả hành động của hải quân Trung Quốc. đoạn bình luận thứ hai của ông Trump đã khiến nhiều người lo ngại rằng ông sẽ xem mối quan hệ Mỹ-Trung như một trò chơi trẻ con”.
Ông Shaun Rein, một chuyên gia phân tích chính trị ở Thượng Hải, tin rằng vụ thu giữ thiết bị ngầm vừa qua là cách mà Bắc Kinh đáp trả lại quan điểm cứng rắn của ông Trump đối với họ.
“Trung Quốc đang đánh tín hiệu rằng họ không thể bị bắt nạt, cùng lúc cho thấy họ không muốn để xảy ra một cuộc xung đột vũ trang” - ông Rein nhận định - “Trong tháng tới, Mỹ có khả năng sẽ đối mặt với một số hành động khiêu khích nhỏ lẻ từ Trung Quốc, cũng như sức ép đối với các doanh nghiệp Mỹ đang hoạt động ở nước này”.
Kể từ khi đắc cử, ông Donald Trump dường như đã viết lại hoàn toàn chính sách ngoại giao của nước Mỹ. Ông đã nhận một cuộc điện đàm từ lãnh đạo Đài Loan, đặt ra câu hỏi về quan điểm lâu dài của Mỹ đối với chính sách “Một Trung Quốc” vốn được coi là nền móng của mối quan hệ Mỹ-Trung.
Dù giới chức Trung Quốc tới nay vẫn im lặng về các sự kiện này, nhưng tờ Global Times cho hay điều đó có thể thay đổi một khi ông Trump đã chính thức tuyên thệ nhậm chức.
“Trung Quốc đã luôn giữ thái độ bình tĩnh trước các phát biểu khiêu khích của ông ta. Nhưng nếu ông ta vẫn đối xử với Trung Quốc như vậy sau khi nhậm chức, Trung Quốc sẽ không kiềm chế nữa” - bài xã luận đăng tải trên Global Times nêu rõ.