Theo Viện Nghiên cứu Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASI) có trụ sở tại Mỹ, Trung Quốc thực hiện một số cuộc tấn công mạng từ năm 2007-2018, trong đó có các cuộc tấn công năm 2017 nhằm vào hệ thống liên lạc vệ tinh của Ấn Độ.
Báo cáo cho biết Trung Quốc có một số công nghệ phản vũ trụ có thể đe dọa đến các hệ thống không gian có quỹ đạo địa đồng bộ (quỹ đạo lấy trái đất làm tâm thường được sử dụng cho vệ tinh).
Báo cáo cho biết thêm, quân đội Trung Quốc đang tiếp tục phát triển các công nghệ để "làm mù và điếc kẻ thù". Báo cáo khẳng định Trung Quốc có khả năng tiến hành các cuộc tấn công mạng vào các trạm mặt đất với ý định làm hỏng hoặc chiếm đoạt các hệ thống điều khiển vệ tinh, bao gồm cả tàu vũ trụ.
Ấn Độ trong khi đó từng chứng minh khả năng công nghệ tên lửa vệ tinh vào năm 2019, cho phép nước này "tiêu diệt" các vệ tinh giả mạo hoặc vệ tinh địch.
Báo cáo được đưa ra vào thời điểm mà Ấn Độ và Trung Quốc đang có xung đột ở Ranh giới Kiểm soát Thực tế (LAC) giữa hai nước. Báo Ấn Độ ANI trước đó dẫn các nguồn tin quốc phòng nói rằng các quan chức an ninh Ấn Độ muốn có 4 đến 6 "vệ tinh chuyên dụng", có cảm biến và camera độ phân giải cao, để theo dõi chặt chẽ các hoạt động của Trung Quốc dọc theo LAC.