Nhà máy điện hạt nhân sẽ chủ yếu cung cấp năng lượng cho dân cư sinh sống tại thành phố Tam Sa, tờ Nhật báo Nhân dân đưa tin. Tam Sa là trung tâm hành chính của vùng lãnh thổ chiếm đóng trái phép của Trung Quốc tại 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Nguồn tin này cho biết: "Để cải thiện điều kiện sống cho dân cư trên đảo và tăng cường sức mạnh quân sự trên khu vực Biển Đông, Trung Quốc sẽ tiến hành mở rộng và cải tạo các đảo và rặng san hô".
Biển Đông là nguồn dự trữ tài nguyên khoáng sản rất tiềm năng, ngoài ra vị trí chiến lược của Biển Đông càng khiến các nước trong khu vực có sự tranh chấp chủ quyền chồng lấn, khi mỗi năm lượng hàng hóa đi qua biển này trị giá khoảng 4-5 nghìn tỷ USD.
Ngoài nhà máy điện mới tại thành phố Tam Sa là một phần của cơ sở hạ tầng dân sự, Trung Quốc cũng tiến hành xây dựng các công trình quân sự khiến không chỉ các nước trong khu vực mà dư luận quốc tế cũng đang cảm thấy quan ngại.
Jay Batongbacal, chuyên gia của Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á và là giáo sư của Trường Luật Đại học Luật Philippines cho biết: "Việc Trung Quốc xây dựng các hòn đảo nhân tạo trên vùng biển tranh chấp khiến Mỹ trở nên lo ngại hơn tại khu vực, các công trình quân sự đã được sẵn sàng để lắp đặt vũ khí".
Việc xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự của Bắc Kinh trên những hòn đảo ở Biển Đông là " chưa từng có trong tiền lệ tại khu vực".
Theo tờ Nhật báo Nhân dân, Trung Quốc sẽ còn đẩy mạnh việc bành trướng tại vùng lãnh thổ đang tranh chấp trên biển Đông trong năm 2018.
Theo Sputnik