“Trung Quốc phản đối mạnh mẽ các hành động can thiệp quân sự và kêu gọi Ấn Độ rút ngay các binh sĩ đã vượt qua Đường Kiểm soát Thực tế (LAC) một cách bất hợp pháp”, Bộ Tư lệnh phía Tây của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) cho biết.
Trước đó, binh sĩ Ấn Độ đã ngăn chặn thành công những nỗ lực thay đổi hiện trạng của Trung Quốc tại hồ Pangong Tso.
“Trung Quốc đã cố gắng xâm nhập vào bờ Nam của hồ Pangong Tso. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng vì đây là một khu vực mới. Các sĩ quan cấp Tư lệnh Lữ đoàn đã có cuộc hội đàm tại Chushul để xoa dịu những căng thẳng ”, thông cáo của chính phủ Ấn Độ cho biết.
Một góc của hồ Pangong Tso, nơi Trung Quốc triển khai các hoạt động quân sự ngày 29/8. (Ảnh: Reuters) |
Thông cáo nói thêm rằng, một số lượng lớn binh sĩ Ấn Độ vẫn đang đóng quân tại vùng tranh chấp, sẵn sàng ứng phó với mọi xung đột. Bên cạnh đó, Trung Quốc cho biết quân đội nước này “đang thực hiện các biện pháp đối phó cần thiết”.
“Quân đội Trung Quốc đang thực hiện các biện pháp cần thiết để đối phó với các hành động khiêu khích của Ấn Độ. Chúng tôi sẽ theo sát tình hình, kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia, hòa bình và ổn định ở khu vực biên giới”, Bộ Tư lệnh phía Tây của PLA khẳng định.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc phủ nhận việc xâm phạm lãnh thổ Ấn Độ.
“Bộ đội biên phòng Trung Quốc luôn tuân thủ nghiêm ngặt những quy ước về Đường kiểm soát thực tế. Họ không bao giờ vượt qua ranh giới giữa 2 nước. Quân đội hai bên đã có những trao đổi rất chặt chẽ về các vấn đề trên thực địa,” người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Zhao Lijian cho biết.
Về việc tổ chức một cuộc hội đàm để giải quyết vấn đề, ông Zhao Lijian cho biết, “về những cuộc gặp gỡ, đàm phán cụ thể, chúng tôi sẽ công bố trong thời gian sớm nhất”.
"Đó chắc chắn không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên"
Những hoạt động quân sự mới nhất của Trung Quốc xảy ra vào thời điểm hội nghị chuyên đề trung ương kéo dài hai ngày về Tây Tạng - sự kiện hoạch định chính sách quan trọng nhất của Đảng Cộng sản cho Khu tự trị Tây Tạng (TAR), vừa kết thúc.
Tây Tạng là một trong những khu vực trọng yếu trong chính sách của Trung Quốc. Các cuộc đụng độ tại biên giới Ấn Độ - Tây Tạng có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh hiện tại.
Chuyên gia về các vấn đề chiến lược Brahma Chellaney cho biết trên Twitter: “Tại sao thời điểm của các cuộc giao tranh mới nhất do PLA khởi phát lại quan trọng? Vì nó diễn ra ngay sau khi ông Tập kết thúc cuộc họp 2 ngày về Tây Tạng. Cuộc họp đã định hướng chính sách mới về sự ổn định và an ninh của Tây Tạng, cũng như xây dựng chiến thuật phòng thủ tại biên giới Ấn - Trung. Đó chắc chắn không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên.”
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: XinhuaNet) |
Phát biểu tại cuộc họp hôm 29/8, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi “truyền bá Phật giáo Tây Tạng”. Ngoài ra, ông Tập còn động viên đào sâu các sáng kiến về “giáo dục lòng yêu nước” của chính phủ nhằm chống lại chủ nghĩa ly khai.
Phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình tại Bắc Kinh cũng nhấn mạnh đến sự cần thiết của việc “củng cố phòng thủ biên giới”. Tuy vậy, ông không đề cập cụ thể đến những căng thẳng đang diễn ra dọc theo LAC.
“Ông Tập đã nâng cao khả năng bùng phát chiến tranh ở Himalaya bằng cách tập trung lực lượng dọc theo toàn bộ biên giới với Ấn Độ,” ông Brahma Chellaney nhận định.