Theo Reuters, bà Lam xuất hiện tại cuộc họp báo hàng tuần sáng 26/11 với trạng thái khá mệt mỏi. Bà thừa nhận kết quả các cuộc bầu cử địa phương cho thấy “những thiếu sót trong chính quyền và sự bất mãn về việc chính quyền mất quá nhiều thời gian để kiểm soát tình hình bất ổn hiện nay và chấm dứt nạn bạo lực”.
Trưởng đặc khu Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam). - Ảnh: Reuters |
Phát biểu của trưởng đặc khu Hong Kong được đưa ra một ngày sau khi cuộc bỏ phiếu hội đồng địa phương thành phố công bố kết quả với chiến thắng "áp đảo" của phe dân chủ, khi giành được 90% trên tổng số 452 ghế hội đồng quận.
Bà Lâm cảm ơn cư dân đã bầu cử ôn hòa và hy vọng tình trạng này không chỉ kéo dài đến hết lúc bầu cử, mà là một dấu hiệu cho thấy cư dân đặc khu cũng muốn kết thúc những hỗn loạn tràn ngập thành phố trong suốt 6 tháng qua. "Tất cả mọi người muốn quay về cuộc sống bình thường và điều này yêu cầu nỗ lực từ mỗi người trong chúng ta" - bà Lam nói.
"Vì vậy, như tôi đã nói nhiều lần, dùng đến bạo lực sẽ không cho chúng ta điều đó. Hãy làm ơn giúp chúng tôi duy trì sự bình tĩnh và hòa bình này... và tạo ra một nền tảng tốt để Hong Kong đi tiếp".
Khi được hỏi về phản ứng của chính quyền Bắc Kinh trước thất bại nặng nề của các đảng thân Trung Quốc, bà Lam cho biết chưa nhận được bất kỳ yêu cầu phải chịu trách nhiệm nào từ Bắc Kinh.
Bà Lam khẳng định các đảng này vẫn sẽ tiếp tục "phụng sự nhân dân" và hi vọng một cuộc sống bình thường, không bạo lực như những ngày qua sẽ tiếp tục được kéo dài trong những ngày tới ở Hong Kong.
Bà Lam cũng kêu gọi những người biểu tình cuối cùng còn cố thủ trong Đại học Bách khoa Hong Kong "rời khỏi trường ôn hòa càng sớm càng tốt". Hiện còn khoảng 30 người được cho là vẫn còn bên trong.
Các cuộc bầu cử cấp quận thường là nơi cử tri bầu ra người đại diện cho mình trong các hội đồng quận nhằm giải quyết các bức xúc của họ về các vấn đề cộng đồng như tiếng ồn, vị trí dừng xe buýt, bất động sản. Nhưng cuộc bầu cử hôm 24/11 được xem là cuộc trưng cầu dân ý về chính sách xử lý tình trạng bất ổn của chính quyền đặc khu hiện nay.
Cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh Hong Kong vừa trải qua đợt đụng độ căng thẳng giữa cảnh sát và người biểu tình tại Đại học Bách khoa Hong Kong. Các vụ ẩu đả khiến nhiều con phố ở Hong Kong bị phong tỏa, nhiều trường học buộc phải đóng cửa và nhiều nhân viên được phép làm việc ở nhà.
Vài ngày trước bầu cử, thành phố này trở lại trạng thái tương đối yên bình sau khi những người biểu tình hối thúc nhau phải giữa bình tĩnh trước cảnh báo của giới chức rằng cuộc bầu cử có thể bị hoãn hoặc hủy bỏ nếu bạo lực tiếp tục lan rộng.