Tin Chị được Tạp chí danh tiếng Forbes vinh danh trong top 50 Phụ nữ Ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2017 đến trong một ngày Hà Nội rét đậm. Lúc ấy, Chị đang cùng các cộng sự và nghệ nhân người Nhật Bản tất bật chuẩn bị cho Lễ hội Hoa Anh đào diễn ra tối ngày 10/3 tại Thành phố Hà Nội.
Ngắm những cành đào Sakura vượt hàng ngàn km tươi rói trong gió xuân Hà Nội, Chị mộc mạc chia sẻ “chỉ nỗ lực làm những việc mình thấy là có ích cho xã hội, cho sự phát triển của đất nước” và “không từng nghĩ mình được chọn là nữ doanh nhân có sức ảnh hưởng lớn nhất” vì “nhiều người còn giỏi hơn tôi rất nhiều”.
Vẻ đẹp trí thức của nữ Viện sĩ đầu tiên của Châu Á được IASS vinh danh. |
Người chuyên làm “việc khó”
“Làm việc gì cũng phải có ích cho xã hội” là tâm niệm, triết lý kinh doanh của Chị từ khi khởi nghiệp cho tới nay. Công ty AIC do Chị điều hành là doanh nghiệp luôn đi đầu trong các hoạt động mang ý nghĩa to lớn và độc đáo, không doanh nghiệp nào làm được. Trong nhiều năm qua, Chị đã hỗ trợ cho hàng chục ngàn lao động nghèo có cơ hội việc làm tại trong nước và nước ngoài , hỗ trợ nhiều chương trình giao lưu sinh viên quốc tế, học bổng cho giáo viên và học sinh đi đào tạo tại nước ngoài, hỗ trợ nhiều chương trình an sinh xã hội lớn cho các địa phương.
Chị cũng là người có đóng góp đáng kể vào sự phát triển của đất nước thông qua hoạt động chuyển giao, ứng dụng công nghệ tiên tiến trên thế giới vào Việt Nam.
Đau đáu với suy nghĩ làm thế nào để giúp ích cho người dân Việt Nam, mỗi chuyến đi ra nước ngoài, Chị đều dành thời gian để gặp gỡ những người giỏi, những nhà khoa học để tìm mô hình mới chuyển giao về Việt Nam. Những năm qua, Chị đã hỗ trợ đưa nhiều nhà đầu tư lớn vào Việt Nam đầu tư có hiệu quả. Hỗ trợ nhiều chương trình giao lưu văn hoá, kinh tế lớn như 5 Lễ hội Hoa Anh đào kết hợp các Hội thảo Đầu tư vào Việt Nam năm 2016 với quy mô lớn và ý nghĩa nhất từ trước tới nay. Năm 2017, Lễ hội Hoa Anh đào lần thứ 2 chuẩn bị diễn ra với quy mô gấp nhiều lần năm trước, là sự kiện rất được trông đợi.
Bằng uy tín quốc tế của mình, Chị cũng đã là người hỗ trợ quan trọng trong việc đàm phán với Tập đoàn Formosa trong việc giải quyết sự cố môi trường các tỉnh miền Trung để có được thoả thuận ký kết giữa các bên ngày 28/5/2016.
Cùng với các nhà khoa học trong và ngoài nước, chị Nhàn đã đưa ra các sáng kiến cải tiến công nghệ tiên tiến đưa vào ứng dụng thành công tại Việt Nam thuộc nhiều lĩnh vực.
Viện sĩ Nguyễn Thị Thanh Nhàn được biết tới với vai trò là người rất tâm huyết với ngành giáo dục. |
Trong lĩnh vực giáo dục, AIC đã đồng hành cùng các đề án lớn như: Đề án ngoại ngữ quốc gia; Đề án đổi mới dạy nghề; Đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; Hỗ trợ đầu tư vào Kênh Truyền hình Giáo dục Quốc gia VTV7 nhằm hiện thực hóa mục tiêu “xã hội học tập”, rút ngắn khoảng cách tiếp cận giáo dục cho từng người dân nghèo Việt Nam ở các vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo...
Doanh nghiệp của Chị từ khi thành lâp đến nay liên tục đạt mức tăng trưởng cao, đời sống của cán bộ nhân viên luôn được cải thiện tốt, có môi trường tốt cho đội ngũ cán bộ phát huy năng lực, đặc biệt là đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật. Công ty của Chị cũng luôn được các đối tác trong và ngoài nước đánh giá cao, luôn được xếp hạng A với các ngân hàng có hợp tác và luôn hoàn thành các trách nhiệm về nộp ngân sách cho Nhà nước.
Khát vọng đóng góp cho sự tiến bộ của đất nước
Trước khi nhận được thông báo từ Tạp chí Forbes, chị Nhàn không biết mình được đưa vào danh sách bình chọn nhưng kết quả ấy không làm nhiều người ngạc nhiên bởi với những đóng góp cho sự phát triển của đất nước, Chị thực sự rất xứng đáng.
Trong văn phòng của Chị trên con phố tấp nập của Thành phố Hà Nội cũng đã đầy kín những bằng khen, danh hiệu cao quý như: Giải thưởng Sao đỏ; Giải thưởng Doanh nghiệp Việt Nam tiêu biểu nhất; Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu nhất; Giải thưởng Thương hiệu quốc gia xuất sắc nhất; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; huân, huy chương, nhiều bằng khen của các Bộ, Ban ngành và địa phương trong cả nước.
Đặc biệt, năm 2015, do có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, Chị được Viện Hàn lâm Quốc tế về các nghiên cứu hệ thống Liên bang Nga (Viện IASS) trao tặng hai danh hiệu cao quý: Viện sĩ có thành tích xuất sắc nhất giai đoạn 2004-2014 và phần thưởng Ngôi sao Vernadski. Cho tới nay, Chị là Viện sĩ, Tiến sĩ và cũng là người phụ nữ đầu tiên của khu vực Châu Á và Việt Nam được Viện IASS trao tặng hai danh hiệu danh giá này.
Viện sĩ Nguyễn Thị Thanh Nhàn ký kết thoả thuận cùng các nhà khoa học quốc tế hỗ trợ nông dân vùng trồng vải thiều của Việt Nam. |
Ông Hoàng Bình Quân - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng, từng nhận xét: “Chị Nhàn là tấm gương cho doanh nhân Việt Nam, cho những người làm khoa học Việt Nam”.
Ông Igor Dorokhov, Chủ tịch Viện IASS cũng dành cho nữ doanh nhân nhỏ bé người Việt những lời ngợi khen đặc biệt. Trong mắt vị chủ tịch Viện Hàn lâm này thì: Nguyễn Thị Thanh Nhàn là người “có những nỗ lực to lớn và sự khiêm tốn đặc biệt, đã có đóng góp lớn lao và phát triển những ý tưởng khoa học công nghệ ứng dụng vào cuộc sống”.
Nhưng với Chị, danh hiệu, giải thưởng không phải mục tiêu hướng tới, khát vọng của Chị là đưa được nhiều nhà đầu tư lớn về Việt Nam, chuyển giao được nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến trên thế giới về Việt Nam, giúp ích được nhiều hơn nữa cho cộng đồng.
Cô nữ sinh nghèo, hiếu học và hiếu thảo nổi tiếng vùng Kinh Bắc năm xưa giờ đã là doanh nhân có tầm ảnh hưởng nhất Việt Nam và được cả thế giới biết tới vẫn chỉ giản dị tâm niệm: “Không ngừng chăm chỉ làm việc, khiêm tốn học hỏi mỗi ngày để có thể điều hành, lãnh đạo doanh nghiệp tốt và bằng hoạt động của doanh nghiệp mình, làm cầu nối đưa nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật vào Việt Nam, đóng góp cho sự phát triển của đất nước”.
Xin gửi tới Chị những lời chúc tốt đẹp nhất nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, chúc Chị sẽ luôn thành công trong sự nghiêp và luôn đóng góp được nhiều điều có ích cho xã hội!