Khu vực cấm có bán kính 30 km xung quanh nhà máy điện hạt nhân và được coi là không an toàn cho con người sinh sống trong hàng nghìn năm kể từ sau sự cố.
Trong ngày, đã có hàng chục người tập trung tại "thị trấn ma" Pripyat gần đó và tổ chức một buổi cầu nguyện qua đêm để tưởng nhớ những người đã mất mạng trong thảm họa hạt nhân.
Khoảng 30 người được cho là đã thiệt mạng trực tiếp sau vụ nổ lò phản ứng thứ tư ở Chernobyl trong một cuộc thử nghiệm an toàn vào ngày 26/4 năm 1986.
Nhưng hàng nghìn người khác được cho là đã qua đời trong những năm sau đó do nhiễm phóng xạ trên khắp lãnh thổ Ukraine cũng như các nước láng giềng Belarus và Nga.
Con số chính xác của các nạn nhân thảm họa Chernobyl vẫn là một chủ đề tranh luận gay gắt vì chính quyền Liên Xô khi đó đã giấu kín hầu hết thông tin về thảm họa.
Hàng trăm nghìn người đã được sơ tán khỏi khu vực xung quanh nơi xảy ra thảm họa và khu vực xung quanh nhà máy hạt nhân đã trở thành "vùng đất chết".
Sau khi vụ nổ xảy ra, khoảng 600.000 người thuộc lực lượng cứu hộ đã được điều động tới hiện trường mà không được trang bị đồ bảo hộ phóng xạ. Một báo cáo của Liên Hợp Quốc năm 2005 ước tính rằng có tới 4.000 người có thể thiệt mạng vì chất phóng xạ ở Ukraine, Nga và Belarus.
Vào tháng 11 năm 2016, một mái vòm kim loại khổng lồ đã được dựng lên trên phần còn lại của lò phản ứng thứ tư để ngăn chặn rò rỉ phóng xạ và đảm bảo an toàn cho người dân châu Âu trong nhiều thế hệ.
Các nhà chức trách Ukraine cho biết khu vực này có thể không phù hợp cho con người sinh sống trong 24.000 năm, nhưng địa điểm này đã thu hút nhiều khách du lịch hơn trong những năm gần đây và chính quyền Kiev muốn đưa khu bảo tồn thiên nhiên Chernobyl trở thành Di sản Thế giới của UNESCO.
Do sự vắng mặt của con người, các quần thể động vật bản địa đã sinh sôi nhanh chóng và trở thành một trong những khu bảo tồn lớn nhất châu Âu.