Theo báo cáo của cơ quan này, ít nhất 500 triệu thanh thiếu niên trên thế giới sẽ phải tiếp xúc với những đợt nắng nóng do biến đổi khí hậu và đến giữa thế kỷ này, hơn 2 tỷ trẻ em sẽ phải tiếp xúc các đợt nắng nóng “thường xuyên hơn, lâu hơn và nghiêm trọng hơn”.
Giám đốc Điều hành UNICEF Catherine Russell cảnh báo: “Cuộc khủng hoảng khí hậu cũng là cuộc khủng hoảng về quyền trẻ em khi nó đã gây ra thiệt hại nặng nề cho cuộc sống và tương lai của trẻ em”. Theo bà Russell, các trận cháy rừng và sóng nhiệt năm nay đã quét qua Ấn Độ, châu Âu và Bắc Mỹ là những minh chứng rõ rệt về tác động của biến đổi khí hậu đối với trẻ em.
Theo những dữ liệu được công bố trong báo cáo trên, trẻ em phải đối mặt với những rủi ro lớn hơn người trưởng thành, nếu phải hứng chịu những đợt nắng nóng khắc nghiệt, do khả năng điều hòa thân nhiệt kém hơn ở lứa tuổi này. Trẻ em càng tiếp xúc nhiều với sóng nhiệt, càng có nhiều nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe, như các bệnh mãn tính về hô hấp, hen suyễn và các bệnh tim mạch.
Báo cáo cũng kêu gọi các quốc gia phải thực hiện các biện pháp mạnh mẽ nhằm giảm thiểu khí thải gây hiệu ứng nhà kính và ngăn chặn tình trạng ấm dần lên toàn cầu, qua đó bảo vệ cuộc sống của người dân, đặc biệt là trẻ em. UNICEF dự báo đến năm 2050, trẻ em khu vực Bắc bán cầu sẽ phải đối mặt với sự gia tăng lớn nhất về mức độ nghiêm trọng của sóng nhiệt cao, trong khi gần 50% số trẻ em ở châu Phi và châu Á sẽ phải đối mặt với việc tiếp xúc liên tục với nền nhiệt trên 35°C.