Sau khi trúng giải độc đắc cá nhân lớn nhất lịch sử Mỹ - hơn 750 triệu USD, Mavis L. Wanczyk (Massachusetts, Mỹ) đã bỏ qua hầu hết lời khuyên mà các chuyên gia thường đưa ra với người trúng số. Cô bỏ việc, thông báo với báo chí và nhận tiền thưởng một lần. Dù Wanczyk có thể đủ khả năng tài chính để phá vỡ mọi quy tắc, phần lớn người trúng số lại không may mắn như vậy.
Theo các nghiên cứu, người trúng số dễ phá sản hơn người Mỹ bình thường trong 3 – 5 năm sau khi giàu lên. Bên cạnh đó, việc trúng số cũng chưa chắc khiến bạn hạnh phúc hay mạnh khỏe hơn. “Các bằng chứng chỉ ra phần lớn người gia nhập top 1% thu nhập cao nhất thường không ở đó được quá lâu”, Washington Post cho biết.
|
Jack Whittaker là người trúng 315 triệu USD tại Tây Virginia năm 2002. Trên Time, ông cho biết: “Tôi ước gì đã xé cái vé đó đi”. Chỉ 8 tháng sau khi trúng giải, ông bị trộm 545.000 USD. Con gái và cháu gái ông cũng chết vì dùng ma túy quá liều.
Don McNay – một chuyên gia tài chính chuyên tư vấn cho những người trúng số cho biết rất nhiều người đã phải vật lộn với trầm cảm, ly dị và cảm giác muốn tự tử. “Nó như là lời nguyền của trúng số vậy. Vì nhiều người có cuộc sống còn tệ hơn”, ông nói.
Một thách thức lớn khác mà người trúng số thường đối mặt là khó từ chối gia đình, bạn bè vay tiền. Charles Conrad – chuyên gia tài chính tại Szarka Financial cho biết: “Một khi gia đình, bạn bè biết bạn trúng số, họ sẽ muốn lấy một phần trong đó. Bạn sẽ rất khó nói không”.
Dĩ nhiên, một số người đã vượt qua giai đoạn khó khăn đó và có cuộc sống tốt hơn. Sandra Hayes (Missouri) nhận giải độc đắc 224 triệu USD Powerball cùng 12 đồng nghiệp. “Tôi đã phải kiềm chế sự tham lam và đòi hỏi của mọi người. Nhiều người tôi yêu mến như đột nhiên biến thành ma cà rồng vậy. Việc đó khiến tôi rất khổ tâm”, cô nói.
Cô đã tránh được các sai lầm tài chính khi vẫn duy trì cuộc sống như trước đây. “Tôi biết rất nhiều người trúng số giờ đã phá sản. Nếu không duy trì được kỷ luật cá nhân, anh sẽ rơi vào tình trạng đó. Bất kể là có bao nhiêu tiền”, cô kết luận.