Việt Nam - Lào tăng cường hợp tác trên lĩnh vực năng lượng

(Ngày Nay) -Bộ Công Thương và Bộ Năng lượng và Mỏ Lào đã rà soát, thống nhất triển khai tăng cường hợp tác trong lĩnh vực năng lượng và khoáng sản giữa hai nước Việt Nam và Lào. Đặc biệt, thống nhất kế hoạch triển khai các văn kiện hợp tác trong lĩnh vực năng lượng hai Bên đã ký nhân kỳ họp lần thứ 40 Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam – Lào.
Đại diện Lãnh đạo hai đơn vị thuộc hai Bộ ký kết Biên bản hợp tác trong lĩnh vực năng lượng dưới sự chứng kiến của hai Bộ trưởng. Ảnh: VGP/Phan Trang
Đại diện Lãnh đạo hai đơn vị thuộc hai Bộ ký kết Biên bản hợp tác trong lĩnh vực năng lượng dưới sự chứng kiến của hai Bộ trưởng. Ảnh: VGP/Phan Trang

Chiều 4/4, tại trụ sở Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh đã hội đàm cùng Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Lào Khammany Inthirath

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, lộ trình sắp tới, Việt Nam sẽ cần nhập khẩu điện năng theo 3 giai đoạn. Tuy nhiên, về lâu dài, cần tính toán điều kiện để liên thông, kết nối lưới điện quốc gia giữa hai nước, tiến tới xa hơn nữa là liên thông lưới điện giữa các nước trong khu vực ASEAN.

Bộ trưởng giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị thuộc Bộ và Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cùng các đơn vị thành viên nghiên cứu, tính toán kỹ các phương án để phối hợp triển khai các lĩnh vực liên quan đến công nghiệp khai khoáng, điện năng nhằm thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác với nước bạn Lào.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, thời gian tới, Bộ Công Thương Việt Nam sẽ hỗ trợ kinh phí và nguồn lực giúp Bộ Mỏ và Năng lượng Lào xây dựng hệ thống văn bản điện tử, tiến tới xây dựng Chính phủ điện tử. Nếu phía Lào đồng ý về chủ trương, Bộ Công Thương Việt Nam sẽ cử chuyên gia sang Lào nghiên cứu, phối hợp triển khai trong tháng 4 này.

Trong lĩnh vực năng lượng, đặc biệt là sản xuất và truyền tải điện, Lào có rất nhiều tiềm năng, lợi thế. Năng lượng được kỳ vọng là đầu tàu phát triển kinh tế của Lào với tham vọng trở thành “quả pin cho châu Á”, Lào lên kế hoạch sản xuất 10.000 MW điện từ các nguồn khác nhau (thủy điện, điện gió, điện than và điện mặt trời, vv…) vào năm 2020 và 75% sản lượng điện đó được kỳ vọng sẽ xuất khẩu sang Thái Lan, Việt Nam, Singapore và Malaysia.

Về phần mình, Việt Nam từ một nước xuất khẩu năng lượng đã trở thành nước nhập khẩu ròng về năng lượng. Dự kiến, các nguồn nhập khẩu sẽ cung cấp cho khoảng 37,5% nhu cầu năng lượng của Việt Nam vào năm 2025 và 58,5% vào năm 2035. Trong bối cảnh đó, hợp tác trong lĩnh vực năng lượng giữa Việt Nam và Lào đã trở thành một nhu cầu tự thân, phục vụ nhu cầu và lợi ích thiết thực cho phát triển của cả hai nước.

Đó cũng chính là lý do nhân dịp kỳ họp lần thứ 40 Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam – Lào, tổ chức tại Viêng-chăn, Lào hồi tháng 2/2018 đã có 6/12 văn kiện hợp tác được ký kết giữa hai nước đều thuộc lĩnh vực năng lượng.

Trong lĩnh vực công nghiệp, năng lượng, một trong những kết quả hợp tác nổi bật thời gian qua là hai Bên đã hoàn thành đàm phán và ký Bản ghi nhớ giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào về hợp tác phát triển các dự án thủy điện tại Lào tạo nguồn điện về Việt Nam, đấu nối hệ thống điện và mua bán điện giữa hai nước; thúc đẩy tiến độ đàm phán và ký các Hiệp định, thỏa thuận khác như Hiệp định giữa Chính phủ hai nước về Dự án kho ngoại quan và đường ống dẫn dầu từ Cảng Hòn La đi Khăm-muộn, Hiệp định liên Chính phủ Việt Nam - Lào về dự án nhà máy thủy điện Mỹ Lý-Nậm Mô 1; thống nhất hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, xây dựng dự án đường dây siêu cao áp 500 KV để nhập khẩu điện về Việt Nam; ký Bản ghi nhớ về việc mua bán điện giữa Tập đoàn Điện lực Việt Nam với một loạt các nhà đầu tư dự án nguồn điện (điện than, thủy điện) tại Lào,...

Cũng trong buổi hội đàm, hai Bộ trưởng đã thống nhất về cơ bản các nội dung chính của Hiệp định sửa đổi Hiệp định hợp tác giữa hai Chính phủ trong lĩnh vực Năng lượng và Khoáng sản năm 2006 để có cơ sở báo cáo Chính phủ hai nước phê duyệt, ký trong thời gian sớm nhất, tạo khuôn khổ hợp tác ổn định, dài hạn về năng lượng và khoáng sản giữa hai nước cho phù hợp với tình hình mới của khu vực và thế giới. Các nội dung chính bao gồm danh sách các dự án nguồn điện Chính phủ Lào xác nhận giới thiệu bán điện về Việt Nam, phương án đấu nối và đường dây liên kết để chuyển tải điện về Việt Nam, cơ chế đàm phán giá mua bán điện, vv...

Bên cạnh đó, hai Bên nhất trí tiếp tục hỗ trợ Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đối với dự án muối mỏ ka-li; sớm hỗ trợ dự án thủy điện Mỹ Lý - Nậm Mô 1 đi vào triển khai, vv...

Chuyến thăm Việt Nam lần này của Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Lào có ý nghĩa quan trọng giúp hai Bộ rà soát, thống nhất phương hướng tiếp tục triển khai các biện pháp tăng cường hợp tác trong lĩnh vực năng lượng và khoáng sản giữa hai nước Việt Nam và Lào, đặc biệt là thống nhất kế hoạch triển khai các văn kiện hợp tác trong lĩnh vực năng lượng hai Bên đã ký nhân kỳ họp lần thứ 40 Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam – Lào.

Theo Chính phủ
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Thủ tướng tới Vân Nam, bắt đầu chuyến công tác tại Trung Quốc
(Ngày Nay) - Sáng 5/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 5 đến ngày 8/11/2024.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.