Hãng phim Sony bị hacker tấn công vì "The Interview"?
Đầu tháng 12/2014, toàn bộ hệ thống máy tính của hãng sản xuất phim Sony Pictures đã bị tin tặc tấn công, thông qua việc khai thác lỗ hổng trên máy chủ.
Hãng phim của Sony bị tin tặc tấn công |
Một nhóm tin tặc tự xưng là “Những người bảo vệ Hòa bình” được cho của Triều Tiên đã đăng tải một lời cảnh báo trên máy tính các nhân viên của Sony Pictures Entertainment, cảnh báo: “Nếu các người không vâng lời chúng tôi, chúng tôi sẽ công bố những dữ liệu mật dưới đây cho cả thế giới biết”.
Vụ tấn công được cho bắt nguồn từ kế hoạch chiếu phim "The Interview". Bộ phim thuộc thể loại hài-hành động do Sony Pictures Entertainment sản xuất, các ngôi sao Seth Rogen và James Franco vào vai phóng viên truyền hình phỏng vấn ông Kim Jong-un và sau đó được Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) giao nhiệm vụ ám sát lãnh đạo Triều Tiên.
Nhóm tin tặc tự xưng là "Những người bảo vệ hòa bình" |
Triều Tiên có thể do tức giận trước nội dung về âm mưu sát ông Kim Jong-un trong "The Interview" nên tiến hành những vụ tấn công mạng nhắm vào hệ thống máy tính của Sony Pictures Entertainment, tờ Telegraph (Anh) ngày 29/11 dẫn lại thông tin từ website chuyên về công nghệ Re/code.
Triều Tiên từng đe dọa sẽ có biện pháp trả đũa “mạnh mẽ và tàn nhẫn” đối với Mỹ nếu "The Interview" được công chiếu. Giáo sư Andrei Lankov thuộc Đại học Kookmin (Hàn Quốc) nhận định có khả năng lãnh đạo Kim Jong-un tức giận trước phim này nên dẫn đến quân đội Triều Tiên tiến hành vụ tấn công mạng Sony Pictures Entertainment.
Mỹ khẳng định Triều Tiên là "tác giả" vụ tấn công
FBI tuyên bố hôm 19/12 rằng, Triều Tiên đã tiến hành vụ tấn công mạng hồi tháng trước, trong đó các chi tiết kịch bản và email riêng tư bị rò rỉ.
Ông Mark Stroh, đại diện Hội đồng An ninh Quốc gia tại Nhà Trắng cho biết: "Nếu chính quyền Triều Tiên muốn giúp đỡ, họ có thể nhận phần lỗi của mình và bồi thường cho những thiệt hại mà cuộc tấn công gây ra cho Sony".
Ông Mark Stroh nhận định: "Như FBI cho biết rõ, chúng tôi tin rằng chính phủ CHDCND Triều Tiên cần chịu trách nhiệm về vụ việc. Chính quyền nước này đã nhiều lần phủ nhận trách nhiệm của họ về những hành động phá hoại và khiêu khích".
Trong khi đó, Triều Tiên thẳng thừng bác bỏ cáo buộc này đồng thời đề xuất FBI tiến hành cuộc điều tra chung về cuộc tấn công mạng nhắm vào hãng phim Sony Pictures.
Bộ Ngoại giao Triều Tiên lên tiếng đáp trả lại những cáo buộc của Washington: "Vì Mỹ đang lan truyền các cáo buộc vô căn cứ và vu khống chúng tôi, chúng tôi đề xuất một cuộc điều tra chung cùng với họ về vụ việc". Tuyên bố cũng khẳng định sẽ có "những hậu quả thảm khốc" nếu người Mỹ từ chối đề nghị điều tra này.
Hơn thế nữa, nhằm đáp trả lại Mỹ, Ủy ban Quốc phòng Triều Tiên ngày 21/12 còn tuyên bố các mục tiêu của chính phủ nước này “không chỉ là một công ty duy nhất sản xuất bộ phim”, quân đội Triều Tiên đã sẵn sàng đối đầu với Mỹ trong tất cả không gian chiến tranh bao gồm cả việc cho “nổ tung Nhà Trắng, Lầu Năm Góc, và các thành trì khác của Washington.
Triều Tiên nếm mùi trả đũa?
Ngày 22/12, toàn bộ hệ thống mạng của Triều Tiên đã bị đánh sập không rõ nguyên nhân.
Hệ thống Internet của Triều Tiên bất ngờ bị đánh sập |
Việc đường truyền Internet ở Triều Tiên bị mất kết nối hoàn toàn xảy ra chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Mỹ Obama tuyên bố Washington sẽ 'đáp trả tương thích' với các cuộc tấn công mạng nhằm vào hãng Sony Pictures.
Theo Dyn Research, đây có thể là do sự cố kỹ thuật hoặc một vụ tấn công mạng. Một số quan chức Mỹ gắn với cuộc điều tra trong vụ tấn công Sony Pictures cho biết, chính phủ Mỹ không liên quan đến bất cứ vụ tấn công mạng nào nhằm vào Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc hệ thống mạng của Triều Tiên bị đánh sập chính là đòn trả đũa của Mỹ sau vụ Sony bị tấn công.
Sony chịu trận
Theo Reuters, sau khi bị tin tặc tấn công, con số thiệt hại ước tính mà hãng sản xuất phim của Sony phải chịu lên đến gần 100 triệu USD.
Diễn viên trong phim "The Interview" |
Tổng thiệt hại hầu hết đến từ chi phí phục vụ quá trình điều tra, sửa chữa máy tính và các biện pháp phòng chống trong tương lai. Ngoài ra, con số ước tính có thể tăng lên khi hoạt động của nhân viên bị gián đoạn trong quá trình khắc phục thiệt hại.
Đây được xem là vụ tấn công tồi tệ nhất vào một công ty trong lãnh thổ Mỹ, làm bê bối thanh danh Sony trong việc bảo mật thông tin, ông Jim Lewis, chuyên gia kỳ cựu tại Viện nghiên cứu chiến lược và quốc tế Mỹ nhận xét.
Theo ông, sự việc này sẽ để lại tác hại trong ngắn hạn, tổng thiệt hại đối với Sony có thể cán mốc 100 triệu USD. Ông cũng cho rằng sẽ cần phải mất ít nhất 6 tháng mới có thể đánh giá đúng được thiệt hại mà vụ tấn công gây ra.
Hiện vẫn chưa rõ cuộc chiến xung quanh vụ tin tặc tấn công hãng phim Sony giữa Mỹ và Triều Tiên sẽ đi đến đâu nhưng có vẻ bên chịu thiệt hại nặng nhất vẫn là Sony Pictures khi một loạt các rạp chiếu phim tuyên bố "tẩy chay" hãng phim này.
Xem thêm:
- Những dòng sản phẩm Apple sẽ trình làng năm 2015
- Chùm ảnh: Thế giới 7 ngày qua (15/12 đến 21/12)
- Khủng bố Hồi giáo Nigeria tàn sát làng mạc, giết chết 33 người, bắt cóc 100 con tin
- Cựu Tổng thống Mỹ George Bush (cha) nhập viện vì chứng khó thở
- Những sự kiện nối bật của thế giới năm 2014 (phần 3)
- Chùm ảnh: Những bức ảnh cưới “độc”, có '1-0-2' trên thế giới