Phát biểu tại một sự kiện có sự tham gia của cựu Ngoại trưởng Sigmar Gabrie, ông Wu Ken đã lấy ví dụ về lĩnh vực sản xuất xe hơi của Đức, vốn chiếm 1/4 trong tổng số 28 triệu xe bán ra tại Trung Quốc trong năm 2018, rằng phía Bắc Kinh có thể thi hành chính sách bảo hộ thương mại bởi nước này đã có thể tự sản xuất xe hơi.
"Nếu nước Đức đưa ra quyết định dẫn đến việc loại trừ Huawei khỏi thị trường nước này, sẽ có hậu quả xảy ra. Chính phủ Trung Quốc sẽ không đứng ngoài cuộc. Một ngày nào đó, chúng tôi có thể nói rằng những chiếc xe Đức này không còn an toàn nữa vì chúng tôi có thể sản xuất những chiếc xe của riêng mình? Không. Đó là chủ nghĩa bảo hộ thuần túy", ông Wu khẳng định.
Bình luận cứng rắn này được đưa ra trong bối cảnh Washington đang liên tục gây áp lực lên các đồng minh phương Tây và đặc biệt là Berlin, để loại bỏ Huawei khỏi các dự án phát triển mạng 5G.
Hồi tháng 3, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas đã khẳng định rằng Berlin có thể không bao giờ "bị tống tiền" bởi Mỹ, sau khi Đại sứ Mỹ tại Đức Richard Grenell cho biết chính quyền Washington sẽ giảm hợp tác tình báo nếu đồng minh của họ cho phép Huawei tham gia phát triển cơ sở hạ tầng 5G. .
Mặc dù quan điểm này đã được lặp lại bởi Thủ tướng Đức Angela Merkel, người đã phản đối việc loại trừ Huawei, khỏi các dự án triển khai công nghệ mạng 5G, các phe đối lập đã thách thức bà Merkel bằng cách đề xuất dự luật cấm hoạt động của các nhà cung cấp dịch vụ 5G không đáng tin cậy trong nước, mặc dù không đề cập rõ ràng đến Huawei.
Cho đến nay vẫn chưa có quyết định cuối cùng về việc liệu Berlin có cho phép "gã khổng lồ công nghệ" Trung Quốc tham gia vào dự án thiết lập cơ sở hạ tầng 5G trên cả nước hay không, nhưng một trong những công ty viễn thông lớn nhất của đất nước, Telefonica Deutschland, đã chọn Nokia của Phần Lan để phát triển mạng 5G.