Đây được xem là một dấu hiệu cho thấy người dân đã sử dụng một phần khoản cứu trợ trị giá 900 tỷ USD liên quan đến đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 mà Chính phủ Mỹ vừa thông qua cuối năm 2020 như thế nào khi Năm Mới 2021 vừa bắt đầu.
Dữ liệu từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố ngày 5/2 cho thấy, lượng tiền gửi trong các ngân hàng thương mại của Mỹ đã tăng 97,9 tỷ USD trong tuần kết thúc vào ngày 27/1, mức cao nhất trong ba tháng, lên mức kỷ lục hơn 16.300 tỷ USD.
Mức tiền gửi ngân hàng này đã tăng thêm 226,1 tỷ USD kể từ cuối tháng 12 và kể từ đầu tháng 3/2020, con số này đã tăng gần 3.000 tỷ USD, tương đương mức tăng tiền gửi tiết kiệm của bốn năm qua.
Dữ liệu của Fed cũng cho thấy, dư nợ cho vay tiêu dùng của các ngân hàng Mỹ, không bao gồm bất động sản, đã giảm 3,5 tỷ USD xuống mức thấp nhất trong hai năm là 1.513 tỷ USD trong tuần trước.
Sự sụt giảm này được dẫn đầu bởi đà giảm mạnh số dư nợ thẻ tín dụng, vốn chiếm khoảng một nửa lượng tín dụng tiêu dùng phi bất động sản của Mỹ và hiện đứng ở mức 735,6 tỷ USD, thấp nhất trong hơn bốn năm.
Kể từ tháng 3/2020, khi phần lớn nền kinh tế Mỹ lần đầu tiên bị buộc phải đóng cửa để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19, mức nợ thẻ tín dụng ngân hàng của các hộ gia đình Mỹ đã giảm hơn 14%, tương đương khoảng 121 tỷ USD.
Việc đẩy mạnh thanh toán tín dụng và tăng tiền tiết kiệm chủ yếu nhờ Chính phủ Mỹ tung ra nhiều gói cứu trợ liên quan tới COVID-19, với tổng trị giá khoảng 4.000 tỷ USD kể từ mùa Xuân năm ngoái.
Nhiều nhà kinh tế và nhà hoạch định chính sách coi việc số tiền mặt trong tài khoản ngân hàng của người tiêu dùng tăng cao kỷ lục - hiện bằng khoảng 75% sản lượng kinh tế Mỹ, so với mức tương ứng 60% trước đại dịch - là động lực cho sự phục hồi mạnh mẽ của nước này vào cuối năm nay.
Chính phủ Mỹ hy vọng rằng việc triển khai vaccine ngừa COVID-19 sẽ mang lại cho người Mỹ sự tự tin để tiếp tục các hoạt động bình thường của cuộc sống, chẳng hạn như ăn uống và đi du lịch, vốn bị cắt giảm đáng kể khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh trong năm ngoái.
Tuy nhiên, báo cáo việc làm hàng tháng vừa công bố ngày 5/2 cho thấy, nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn còn một chặng đường dài để phục hồi. Số liệu mới do Bộ Lao động Mỹ cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 1/2021 đã giảm từ mức 6,7% của tháng 12/2020 xuống 6,3%, song nền kinh tế chỉ có thêm 49.000 việc làm do đại dịch COVID-19 tiếp tục tác động tiêu cực tới hoạt động kinh doanh ở nước này. Theo bộ trên, số người có việc làm ở Mỹ hiện là 9,9 triệu người, thấp hơn mức kỷ lục vào tháng 2/2020 trước khi xảy ra đại dịch COVID-19.