(Bài viết trích dẫn quan điểm của Parag Khanna, chuyên gia người Mỹ gốc Ấn về quan hệ quốc tế.)
Đại dịch COVID-19 vẫn đang làm chao đảo nền kinh tế và khiến quan hệ quốc tế bị rạn nứt. Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua một lệnh ngừng bắn trên toàn cầu, để xoa dịu các khu vực đang xảy ra tranh chấp. Nhưng tại châu Á, sức nóng vẫn chưa hề giảm.
Sức nóng từ tranh chấp lãnh thổ
Căng thẳng đang ngày càng leo thang tại châu Á. Trung Quốc, sau khi phục hồi nhanh chóng sau đại dịch, đang gây sức ép lên Đài Loan, Indonesia và Ấn Độ để nghiêng các tranh chấp theo hướng có lợi cho mình. Chưa dừng lại ở đó, Bắc Kinh còn đẩy mạnh những hoạt động quân sự tại Biển Đông.
Tàu hộ vệ Hàng Dương (phải) và tàu khu trục Vũ Hán trên Biển Đông ngày 18.6. (Ảnh: PLA) |
Sự hung hăng của Trung Quốc khiến Nhật Bản đẩy mạnh đầu tư vào vũ khí siêu thanh. Ấn Độ cũng nâng cấp lực lượng vũ trang để củng cố biên giới tại Ấn Độ Dương và dãy Himalaya. Chưa dừng lại ở đó, hai nước này đã cùng Mỹ và Úc hợp tác để tạo thành liên minh “Bộ tứ” tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Liên minh “Bộ tứ” không chỉ giúp Mỹ, Úc, Nhật và Ấn Độ phối hợp các chiến lược quân sự với nhau, nhằm ngăn cản Trung Quốc bành trướng. Các quốc gia ven Biển Đông như Việt Nam, Indonesia và Philippines cũng được hưởng lợi khi được “Bộ tứ” trợ giúp - họ sẽ tự tin hơn nhiều mỗi khi phải đối đầu với Trung Quốc. Mặc dù không cần từ bỏ những gì đã giành được, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với các giới hạn về lãnh thổ trong tương lai.
Tổng thống Mỹ Donald Trump, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong cuộc họp 3 bên, bên lề Thượng đỉnh G20 tại thành phố Osaka (Nhật Bản), ngày 28-6-2019. (Ảnh: AP) |
Bên cạnh đó, không thể không nhắc tới sự tham gia của một siêu cường khác vào cục diện châu Á - đó là Mỹ. Sự can thiệp của Mỹ đã có những tác động nhất định tới tình hình khu vực - một phần theo hướng tích cực cho các quốc gia đang đối đầu với Trung Quốc.
Những nỗ lực tạo dựng mối quan hệ hoà bình với Triều Tiên đã trở nên vô ích. Nhưng Mỹ lại đóng vai trò quan trọng với việc làm trung gian hoà giải giữa Nhật Bản và Hàn Quốc, trong bối cảnh mối quan hệ giữa 2 nước đang rạn nứt đáng kể do những mâu thuẫn về chia sẻ thông tin và thương mại.
Bên cạnh đó, Washington cũng cam kết sẽ ủng hộ mạnh mẽ an ninh tại Đài Loan. Tại các khu vực tranh chấp trên Biển Đông, việc đẩy mạnh Hoạt động Tự do Hàng hải (FONOP) của Hải quân Mỹ đang đóng vai trò như một biện pháp ngăn chặn tạm thời đối với sự hung hăng của Trung Quốc.
Tàu USS Montgomery của Hải quân Mỹ đã thực hiện hoạt động tự do hàng hải đầu tiên trong năm 2020 ở biển Đông. (Ảnh: Hải quân Mỹ) |
Vấn đề cốt lõi
Nguyên nhân chủ đạo gây ra xung đột giữa nhiều nước châu Á hiện nay, là do họ chưa thể giải quyết những mâu thuẫn vốn đã tồn tại từ thế kỉ 20.
Xung đột biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc, cũng như tranh chấp trên Biển Đông bắt nguồn từ các công ước thời thuộc địa cuối thế kỉ 19 - đầu thế kỉ 20. Những xung đột này mới chỉ được luật pháp quốc tế giải quyết bằng những điều luật tạm thời. Các nhà ngoại giao phương Tây thường nói về sự cần thiết của một trật tự quốc tế dựa trên các quy tắc; nhưng trên thực tế, nhiều quốc gia vẫn không thể tìm được sự thống nhất trong việc chấp hành các quy tắc quốc tế.
Quân đội Ấn Độ trong cuộc chiến tranh biên giới năm 1962 với Trung Quốc. (Ảnh: India Today) |
Vì vậy, sự ổn định tại lục địa lớn nhất thế giới phụ thuộc vào việc các tranh chấp lãnh thổ - vốn đã có tiền lệ từ thế kỉ 20, có được giải quyết ổn thoả hay không. 3 thập kỷ sau Chiến tranh Lạnh, các nước Châu Á đã luôn giữ cho căng thẳng không vượt quá mức cho phép. Những điểm nóng chiến sự như Biển Đông, Đài Loan, Triều Tiên và quần đảo Senkaku đều được cho là có thể gây ra “Thế chiến 3” tại châu Á; nhưng hiện tại thì mọi thứ vẫn đang trong tầm kiểm soát.
Nhưng điều này chưa thể đảm bảo một viễn cảnh hoà bình cho châu Á. Các quốc gia vẫn chưa phát triển các cơ chế giải quyết tranh chấp đủ mạnh để giữ cho xung đột không bùng phát; vẫn còn một chặng đường rất dài để châu lục này xây dựng một hệ thống hoàn chỉnh.
Giải pháp nào để duy trì sự ổn định?
Câu hỏi mà các nước châu Á đang phải đối mặt, đó là liệu họ có thể thoả hiệp trong hoà bình hay không. Các nhà lãnh đạo phải cùng nhau đạt được một thỏa thuận lớn gồm nhiều bước, để đặt hòa bình khu vực lên trên niềm tự hào dân tộc của mỗi quốc gia. Kết quả của các cuộc tranh chấp sẽ được phê chuẩn bằng hai hiệp ước: một để chấm dứt các hành động thù địch, và một để công nhận các đường biên giới mới.
Thoả thuận này có thể không công bằng với một số nước; nhưng nó sẽ không có tính chất thuộc địa như các hiệp ước trong quá khứ, mà phải được điều chỉnh cho phù hợp với tình hình hiện nay. Người châu Á sẽ hoàn toàn nắm quyền tự quyết; họ chỉ có thể tự trách mình nếu kết quả không như ý muốn.
Thế hệ trẻ châu Á cũng góp phần quan trọng vào sự ổn định của châu lục trong tương lai. Ngày nay, thanh niên châu Á phần lớn đã trưởng thành với sự thoải mái về vật chất, tinh thần và được tiếp xúc với bạn bè quốc tế nhiều hơn thế hệ trước. Nhiều người đã đi du học, học nhiều ngoại ngữ và kết hôn với người nước ngoài. Người trẻ tại Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc có xu hướng thân thiện với nhau hơn so với người lớn tuổi - thế hệ vẫn đang bị ảnh hưởng bởi những ký ức thời chiến.
Những sinh viên Hàn Quốc và Trung Quốc đạt giải trong "Cuộc thi luận văn về lịch sử dành cho sinh viên đại học và cao học Trung - Hàn" do Đại học Bắc Kinh tổ chức năm 2015. (Ảnh: Korea.net) |
Do đó, thế hệ sau của Châu Á đang nắm cơ hội vàng để thoát khỏi những khuôn mẫu về tinh thần và sự tự mãn trong quá khứ, vốn đặt chủ nghĩa cá nhân (xét trên phương diện một quốc gia) lên trên chủ nghĩa tập thể (xét trên phương diện khu vực). Sẽ thật đáng tiếc, nếu số phận của họ chỉ đơn thuần là tái diễn những nếp sống cũ của một thế hệ thiếu sức sáng tạo và đang dần lụi tàn.
Cuối cùng, các nước châu Á có thể thoát ra khỏi những xung đột nếu họ chấp nhận tính tất yếu của xu thế “đa cực hoá” trên thế giới hiện nay, và đề ra các quy trình giải quyết xung đột về lâu dài. Người châu Á đã trải qua 3 thập kỷ ổn định và thịnh vượng từ sau Chiến tranh Lạnh; họ hiểu rằng, những thoả thuận hoà bình giữa các cường quốc có thể duy trì hoà bình lâu hơn nữa.
Giải quyết xung đột dựa trên lợi ích hoà bình chung của khu vực - mặc dù có thể không công bằng với tất cả, vẫn tốt hơn nhiều so với việc dùng bạo lực để xử lý. Bởi cái giá mà châu Á phải trả nếu chiến tranh xảy ra chắc chắn sẽ đắt hơn rất nhiều.