Xung đột Nga - Ukraine đã vô tình tạo ra một sự kiện đáng chú ý: Đức sẽ tăng ngân sách quốc phòng từ 1,5% GDP lên 2% GDP, sau nhiều năm từ chối lời kêu gọi từ các đồng minh NATO. Nước này cũng thành lập một quỹ trị gia 100 tỷ euro (112 tỷ USD) để tái trang bị cho quân đội.
Bên cạnh đó, Đức sẽ tự tích luỹ thêm than và khí đốt, để giảm phụ thuộc vào khí đốt của Nga. Hiện tại, một nửa lượng khí đốt của Đức là do Nga cung cấp.
Đó là những bước thay đổi rất đáng chú ý trong chính sách đối ngoại và quốc phòng của Đức. Chưa một vị lãnh đạo nào tại Đức đề ra và thực hiện được các mục tiêu này, kể từ thời Chiến tranh Lạnh.
"Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã đánh dấu bước ngoặt trong chính sách đối ngoại của Đức," Thủ tướng Olaf Scholz cho biết.
Trong nhiều thập kỷ, Đức đã phải nhận nhiều lời chỉ trích vì không một vai trò tương xứng với vị thế là nền kinh tế số 1 châu Âu trên trường thế giới. Mỹ từng coi Đức là một mắt xích yếu trong liên minh quân sự NATO.
Trước đây, Đức cũng từng phản đối việc loại bỏ Nga khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT, vì lo đất nước sẽ phải "vật lộn" để thanh toán lượng khí đốt mua của Nga. Nhưng trong tuần trước, Thủ tướng Olaf Scholz đã "quay ngoắt" 180 độ, đình chỉ đường ống khí đốt Nord Stream 2 ngày 22/2 và đống ý loại Nga khỏi SWIFT ngày 26/2.
Lực lượng quân sự của Đức cũng bị thu hẹp đáng kể sau Chiến tranh Lạnh. Số lượng xe tăng chiến đấu của Đức đã giảm từ hơn 3.500 chiếc trong những năm 1980 xuống còn 225 chiếc vào năm 2015. Lực lượng này không sở hữu những vũ khí, công nghệ hiện đại, và chủ yếu đối đầu với các đối thủ được trang bị kém, như ở Afghanistan.
Theo Terry Anderson, người từng là tùy viên quốc phòng của Mỹ tại Berlin, xung đột giữa Nga và Ukraine chính là tác nhân khiến Đức quyết tâm lấy lại vị thế của một cường quốc, với những chính sách ngoại giao quyết đoán và lực lượng quân sự hùng mạnh.
"Đức đang trở lại với vị thế của một cường quốc về kinh tế và quân sự," Tyson Barker, chuyên gia về Công nghệ và Các vấn đề Toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Đức, khẳng định.