Tuy vậy, cuộc sống của người dân New Delhi sẽ chưa thể quay trở về trạng thái bình thường do các trường học và hầu hết các doanh nghiệp vẫn tạm thời phải đóng cửa.
Việc nới lỏng một số biện pháp hạn chế của giới chức địa phương cũng đã cho thấy những tín hiệu lạc quan rằng thành phố 20 triệu dân này đã vượt qua thời điểm "tồi tệ nhất" trong đợt bùng phát dịch thứ hai.
Vào ngày 20/4, New Dehli ghi nhận đỉnh điểm 28.395 ca mắc mới, kể từ đó con số này đã giảm mạnh xuống 946 ca vào ngày 30/5. Tỷ lệ dương tính vào cuối tháng 4 là 1/3 trong số các trường hợp được xét nghiệm, nay đã giảm xuống mức tích cực 1,5%.
Dù các biện pháp hạn chế đã được nới lỏng, nhưng các chủ sở hữu nhà máy và các công ty xây dựng cho biết sẽ phải mất một thời gian nữa để các hoạt động quay trở lại bình thường vì tình trạng thiếu hụt nhân lực.
Theo báo cáo của Sở Giao thông New Delhi, hơn 800.00 công nhân nhập cư đã rời thành phố trong một tháng đầu tiên sau 6 tuần nước này thực hiện các lệnh phong toả. Ảnh: NY Times |
Ông Ram Niwas Gupta, 72 tuổi, người sáng lập công ty xây dựng Ramacivil India và là chủ tịch của Hiệp hội các nhà xây dựng Ấn Độ, cho biết 75% lao động trong công ty làm việc tại 10 dự án trên khắp các bang miền Bắc Ấn Độ đã trở về quê nhà của họ.
“Trước mắt các phần việc của công ty sẽ chưa thể bắt đầu ngay, nhưng trong khoảng từ 6–10 ngày nữa chúng tôi sẽ có thể huy động nguồn lao động và vật lực để quay trở lại hoạt động”, ông Gupta chia sẻ.
Trong một cuộc họp với cơ quan quản lý thiên tai của thủ đô vào cuối tuần trước, Thống đốc New Delhi Arvind Kejriwal cho biết các biện pháp hạn chế sẽ dần được nới lỏng tùy theo nhu cầu phát triển kinh tế.
“Ưu tiên của thành phố sẽ là những khu vực kinh tế yếu kém nhất, vì vậy các hoạt động của người lao động, đặc biệt là lao động nhập cư, sẽ được nới lỏng hạn chế trước tiên”, ông Kejriwal cho biết. “Nhưng chúng ta phải nhớ rằng cuộc chiến chống lại dịch bệnh vẫn chưa kết thúc".
Dù thủ đô New Delhi đã nới lỏng các biện pháp hạn chế nhưng làn sóng lây nhiễm thứ hai vẫn chưa chấm dứt, các vùng nông thôn hẻo lánh vẫn đang ghi nhận các ca bệnh liên tục gia tăng.
Bang Haryana, giáp với thủ đô New Delhi và là nơi có trung tâm công nghiệp Gurugram, đã gia hạn các lệnh phong toả thêm ít nhất một tuần nữa. Một số bang miền Nam Ấn Độ vẫn chưa thể quay trở lại bình thường do người lao động vẫn còn lo sợ ra đường.
Các chuyên gia phân tích đợt bùng phát thứ hai ở Ấn Độ có thể sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế của nước này trong nhiều tháng tới, khi hầu hết các bang vẫn đang thực hiện các biện pháp phong toả.
Ngoài ra, quốc gia đông dân thứ hai thế giới cũng đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung vaccine để triển khai chiến dịch tiêm chủng toàn dân.
Trong 3 tháng đầu năm nay, nhiều nhà kinh tế đã kỳ vọng Ấn Độ sẽ đạt mức tăng trưởng 0,6% nhờ vào các chính sách hỗ trợ của chính phủ trước tình hình dịch bệnh diễn biến tương đối ổn định. Tuy nhiên, mới đây, một số nhà kinh tế của hãng xếp hạng tín dụng India Ratings & Research dự báo rằng chỉ số GDP của Ấn Độ nhiều khả năng sẽ sụt giảm ít nhất 7,4% trong năm tài chính kể từ tháng 4.
Các chuyên gia đã chỉ ra hai lý do chính cho vì sao họ dự báo số liệu ước tính như vậy, bao gồm: thời gian ngừng hoạt động kéo dài và tỷ lệ tiêm chủng của Ấn Độ. Hồi tháng trước, tỷ lệ tiêm chủng của nước này rơi vào khoảng 4 triệu liều mỗi ngày, nhưng nay đã giảm xuống chỉ còn hơn 1 triệu liều do thiếu nguồn cung.
Hàng triệu người Ấn thuộc tầng lớp trung lưu có nguy cơ rơi vào cảnh nghèo đói. Nền kinh tế của quốc gia này đang bị suy yếu trước diễn biến phức tạp của đại dịch vì những chính sách chống dịch nóng vội của chính quyền Thủ tướng Narendra Modi.
Tính đến thứ Ba, Ấn Độ đã ghi nhận tổng cộng hơn 28 triệu ca mắc COVID-19 và 329.100 người tử vong.