Các loại thực phẩm chứa cần sa thường được bán dưới dạng kẹo, chocolate hoặc bánh quy và những thức ăn khác trông hấp dẫn đối với trẻ em, nhưng có thể gây tác hại nghiêm trọng do sự bất cẩn của các bậc phụ huynh. Mặc dù chưa ghi nhận trường hợp tử vong nào trong số khoảng 7.000 trường hợp trẻ em ăn phải những loại thực phẩm này trong giai đoạn nghiên cứu kéo dài 5 năm nói trên, nhưng khoảng 8% trong số trẻ này phải nhập viện chăm sóc tích cực và gần 15% phải nằm viện. Độ tuổi trung bình của những trẻ bị ảnh hưởng là 3 tuổi.
Triệu chứng của những trẻ ăn phải thực phẩm chứa cần sa bao gồm cả suy nhược hệ thần kinh trung ương như hôn mê, tim đập nhanh và nôn mửa. Các bệnh nhân được điều trị bằng cách truyền dịch tĩnh mạch.
Khi nghiên cứu trên bắt đầu được thực hiện năm 2017, việc sử dụng cần sa cho mục đích giải trí chỉ được coi là hợp pháp tại 8 bang của Mỹ, trong đó có bang Washington. Đến cuối tháng 5/2022, con số này tăng lên 18 bang.
Nhóm tác giả nghiên cứu cho rằng “sự gia tăng này được cho là liên quan tới việc có nhiều bang cho phép người lớn sử dụng cần sa để phục vụ giải trí”.
Hơn 90% số trẻ ăn phải những thực phẩm trên tại nhà, do đó, các nhà nghiên cứu kêu gọi giáo dục những người chăm sóc trẻ về sự cần thiết phải cất giữ những sản phẩm có chứa cần sa trong hộp khóa kín ở những nơi kín đáo để trẻ không lấy được.
Ngoài ra, cần phải có các nhãn hiệu cảnh báo rõ ràng trên sản phẩm khuyến cáo về việc sử dụng quá liều.
Một số bang của Mỹ, trong đó có California, đã thực hiện một số biện pháp trên, nhưng chưa có các quy định trên toàn nước Mỹ liên quan đến cách thức đóng gói sản phẩm chứa cần sa.