Ngày 23/12, báo “Bình luận quân sự” của Nga đã đăng bảng xếp hạng những hạm đội mạnh nhất trên thế giới hiện nay; trong đó đứng ở top 6 lần lượt gồm các hạm đội Mỹ, Anh, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Nga.
Bảng xếp hạng này được đưa ra trên cơ sở những phân tích và so sánh các nguồn tin công khai về các hạm đội hàng đầu thế giới. Tiêu chí chính xếp hạng là số lượng tàu chiến chủ lực có tính đến các đặc tính và khả năng đặc biệt mà chúng “cống hiến” cho hạm đội của mình.
Ngoài ra, khi so sánh tác giả còn xét đến những lực lượng khác nhau của hạm đội (ví dụ như không quân hải quân) cũng như các khái niệm khó đánh giá (như kinh nghiệm tác chiến, chất lượng đào tạo thủy thủ).
Tuy nhiên, trong bảng xếp hạng này không tính đến các chiến hạm cỡ nhỏ và các chiếm hạm được đóng từ những năm 1960-1970.
1. Hải quân Mỹ
Ngôi vị đứng đầu của Hải quân Mỹ là không thể bàn cãi. Mỹ có số chiến hạm nhiều hơn tất cả các nước trên thế giới cộng lại. Hải quân Mỹ đang có trong biên chế 10 tàu sân bay nguyên tử, 9 tàu chở trực thăng, 72 tàu ngầm nguyên tử, 85 tàu tuần tra và khu trục, hơn 3.000 đơn vị thiết bị kỹ thuật hàng không.
Chất lượng của tàu chiến Mỹ luôn thể hiện sự vượt trội so với các chiến hạm của các quốc gia khác. Ngoài ra, Hải quân Mỹ còn sở hữu các sân bay nổi khổng lồ, hệ thống Aegis, máy bay không người lái tuần thám biển, chiến hạm LCS...
2. Hải quân Anh
Hải quân Anh có kinh nghiệm hải chiến ở cự ly 12.000 km xa bờ. Các thủy thủ của Anh là những người đầu tiên (duy nhất) có thể đánh chặn tên lửa đối hạm trong thực chiến. Hải quân Anh sở hữu 1 tàu chở trực thăng, 6 khu trục hạm phòng không, 10 tàu ngầm nguyên tử, 13 tàu tên lửa đa năng và 12 tàu yểm trợ.
Theo kế hoạch, trong 5-10 năm tới, trong thành phần của Hải quân Hoàng gia Anh cần 2 tàu sân bay cỡ lớn (Queen Elizabeth, 60.000 tấn), 5 tàu ngầm nguyên tử Estyut và 8 chiến hạm tương tự khu trục hạm được đóng theo chương trình “Tàu chiến toàn cầu”.
3. Hải quân Nhật Bản
Mặc dù tồn tại nhiều hạn chế (ví dụ, cấm các tên lửa hành trình tầm xa và đóng tàu ngầm nguyên tử), Hải quân Nhật Bản vẫn được đánh giá có sức mạnh vượt trội.
Ngoài Mỹ và Trung Quốc, Nhật Bản là quốc gia thứ ba trên thế giới có khả năng đóng nhiều tàu khu trục với giá thành đắt dỏ, kết cấu phức tạp và được trang bị các hệ thống phòng không hiện đại.
Năm 2015, Hải quân Nhật Bản có 3 tàu sân bay và 24 tàu khu trục tên lửa hiện đại. Hạm đội tàu ngầm Nhật Bản gồm 17 chiếc tàu ngầm diezel – điện. Lực lượng không quân hải quân sở hữu 100 máy bay tuần tra và săn ngầm.
4. Hải quân Trung Quốc
Từ đầu thế kỷ 21, Hải quân Trung Quốc đã sở hữu 1 tàu sân bay cỡ lớn Liêu Ninh (Varyag cũ mua của Ukraine), 4 tàu đổ bộ đa năng, 20 khu trục hạm và nhiều tàu chiến trang bị tên lửa.
Thật ấn tượng khi Trung Quốc đứng ở vị trí thứ 4 trong bảng xếp hạng bởi thực chất Bắc Kinh không tự sáng chế ra bất kỳ tàu chiến nào của riêng mình.
Tất cả các loại vũ khí hải quân của Trung Quốc có được đều do sao chép lại từ Nga và phương Tây. Tuy nhiên, các đặc tính của các loại vũ khí mà Trung Quốc “ăn cắp” luôn thua kém các nguyên mẫu. Đặc biệt, điều đáng nói là kinh nghiệm tác chiến của Hải quân Trung Quốc hoàn toàn không có.
5. Hải quân Ấn Độ
Người Hindu thật thông minh và họ chỉ mất đúng 1 thập kỷ để biến “đội tàu han rỉ” của mình thành một trong những lực lượng hải quân mạnh nhất thế giới. Tàu sân bay, tên lửa chống hạm siêu âm và tàu ngầm – tất cả họ đều có.
Trong thập kỷ qua, Ấn Độ đã nhận được từ Nga 1 tàu sân bay, 6 tàu tên lửa và 1 tàu ngầm nguyên tử đa năng Chakra (tàu K-152 “Seal” cũ).
Ngoài ra, trên cơ sở tên lửa Onyx của Nga, Ấn Độ đã sản xuất và đưa vào trang bị tên lửa chống hạm BrahMos, đồng thời tiến hành hiện đại hóa tất cả các tàu ngầm do Liên Xô sản xuất với việc trang bị tổ hợp tên lửa Club-S (phiên bản xuất khẩu Caliber).
6. Hải quân Nga
Hải quân Nga trong những năm gần đây đã tạo những bức đột phá đáng kể. Lực lượng này đã đưa vào trang bị 1 tàu ngầm nguyên tử đa năng và 3 tàu ngầm nguyên tử chiến lược.
Đồng thời, nâng cấp sức mạnh cho lực lượng không quân hải quân (trang bị máy bay tiêm kích đa năng Su-30MK và IL-38N “Novella” cải tiến).
Bên cạnh đó, Hải quân Nga còn đưa vào biên chế các tên lửa hành trình Calibre…
Nguyễn Hoàng