Báo nước ngoài đánh giá về chuyến đi Mỹ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

(Ngày Nay) - Cuộc gặp giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Mỹ Trump tuần trước nhấn mạnh mối quan hệ quan trọng mà hai cựu thù có được dưới thời ông Trump. 
    Báo nước ngoài đánh giá về chuyến đi Mỹ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

    Mối quan hệ này có tầm chiến lược trong bối cảnh Đông Á hiện nay, dù sự gia tăng thâm hụt thương mại làm nản lòng một số quan chức "diều hâu" Mỹ, hãng tin Reuters viết. Trong số các lãnh đạo châu Á, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Mỹ chỉ sau các nước Nhật Bản và Trung Quốc.

    Nhằm bảo toàn các  lợi ích an ninh và kinh doanh từng đạt được dưới thời chính quyền Obama, Việt Nam đã vận động tích cực ngay khi ông Trump đắc cử. "Chúng tôi đã tính toán các phương án", ông Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Học viện Ngoại giao, cho biết.

    Việt Nam đã sắp xếp cuộc điện đàm giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Mỹ Trump hơn một tháng trước khi ông Trump nhậm chức.

    Hỗ trợ thúc đẩy các liên lạc là đại sứ Việt Nam tại Washington, Phạm Quang Vinh, nhà ngoại giao kỳ cựu với nỗ lực thành công dưới thời chính quyền Obama nhằm dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Ông Vinh cũng là người có đóng góp quan trọng đối với đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

    Cả Bộ Ngoại giao và Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam đã tới Washington. Cũng đóng góp vào nỗ lực còn có các nghị sĩ, học giả Mỹ có quan hệ tốt với Việt Nam và cả doanh nghiệp Mỹ và Việt Nam, theo các nhà ngoại giao và chuyên gia.

    Thông điệp của Việt Nam được gửi đến Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, đặc biệt là đến Matt Pottinger, người đặc trách Đông Á, và văn phòng của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cũng như Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Mỹ.

    Ngoài ra, Việt Nam còn có lợi thế là đại sứ Mỹ ở Việt Nam là nhà ngoại giao chuyên nghiệp (tự thăng tiến trong Bộ Ngoại giao Mỹ) chứ không phải bổ nhiệm chính trị (được tổng thống, phó tổng thống hay người đứng đầu cơ quan đích thân đề cử). Ông Ted Osius không nằm trong số những nhà ngoại giao phải rời ghế dưới thời ông Trump.

    "Họ thực sự đã dành rất nhiều nỗ lực và cải thiện mối quan hệ một cách toàn diện", chuyên gia Carl Thayer, thuộc Học viện Quốc phòng Australia, đánh giá.

    "Sẽ còn nhiều vấn đề phải cân nhắc, nhưng hiện tại, đây có vẻ là thành công từ biện pháp ngoại giao chủ động của Hà Nội", ông nói thêm.

    Tổng thống Mỹ Trump dường như thoải mái khi tiếp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hơn khi gặp các lãnh đạo phương Tây, Reuters nhận xét. Tuyên bố chung có mức độ ủng hộ đối với Việt Nam ngang bằng tuyên bố năm ngoái, đặc biệt là về vấn đề Biển Đông. Không chỉ vậy, hai nhà lãnh đạo đã trao đổi về khả năng tàu sân bay Mỹ thăm cảng Việt Nam cùng các biện pháp tăng cường hợp tác giữa các lực lượng hải quân hai nước

    Ông Trump sẽ có mặt tại Việt Nam vào tháng 11 để tham dự Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC).

    Thương mại

    Vấn đề trong mắt ông Trump là thâm hụt thương mại với Việt Nam. Mức này năm ngoái là 32 tỷ USD, đứng thứ 6 trong số các thâm hụt thương mại của Mỹ. Trong 4 tháng đầu năm 2017, xuất khẩu từ Việt Nam vào Mỹ đã tăng hơn 400 triệu USD so với hàng Mỹ nhập khẩu vào Việt Nam.

    Quyết định của ông Trump rút Mỹ khỏi TPP là động thái không chỉ bất lợi cho Việt Nam. James Fatheree, giám đốc điều hành châu Á của Phòng Thương mại Mỹ, nói với Reuters rằng: "Cam kết của Việt Nam trong khuôn khổ TPP sẽ mở ra nhiều thị trường mới cho các nhà xuất khẩu Mỹ".

    Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói với Tổng thống Mỹ Trump rằng ông sẽ tiếp tục cam kết cải thiện quyền sở hữu trí tuệ và luật lao động. Nhưng nếu không có các quy định của TPP, đôi bên sẽ còn nhiều điều cần thảo luận.

    Những người chăn nuôi lợn ở Mỹ muốn Việt Nam mở cửa thị trường thịt lợn lớn thứ hai ở châu Á. Các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử Mỹ lo ngại việc buộc phải chuyển thanh toán thông qua độc quyền nhà nước tại Việt Nam. Doanh nghiệp Mỹ cũng lo ngại về các hạn chế cản trở sự phát triển của quảng cáo trực tuyến hay các trở ngại trong mua sắm công.

    Các tuyên bố của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Mỹ Trump đã cho thấy dấu hiệu các vấn đề phức tạp trong lĩnh vực quảng cáo, dịch vụ tài chính, các sản phẩm bảo mật thông tin, ngũ cốc, cá da trơn, tôm, xoài...

    "Mỹ cố gắng cân bằng cán cân thương mại,tuy nhiên quan hệ giữa hai nước không chỉ là về vấn đề này", Jonathan London, chuyên gia về Việt Nam của Đại học Leiden nhận xét. "Nó là về trật tự kinh tế và an ninh trong tương lai ở khu vực châu Á".

    Theo Vnexpress
    Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
    Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
    (Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
    Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
    Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
    (Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.