Bộ Công Thương mới đây đã gửi văn bản góp ý, trả lời trước đề xuất cơ quan này sẽ quản lý giá mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi được Bộ Tài chính đưa ra.
Đây cũng không phải lần đầu tiên Bộ Tài chính "đẩy" trách nhiệm quản lý giá sữa sang Bộ Công Thương, và cũng giống như lần trước, ngành công thương một lần nữa lại chối từ.
Theo dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 177 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá và Điều 24 Luật phí và lệ phí, Bộ Tài chính đã kiến nghị đưa việc quản lý giá sữa sang Bộ Công Thương.
Cụ thể, Bộ Công Thương được kiến nghị tiếp nhận, rà soát Biểu mẫu đăng ký giá, hướng dẫn thực hiện đăng ký giá đối với sữa dành cho trẻ dưới 6 tuổi; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tham mưu đề xuất trình Chính phủ quyết định và hướng dẫn, tổ chức thực hiện đối với các biện pháp bình ổn giá như điều hòa cung cầu hàng hóa, kiểm soát hàng tồn kho...
Cơ quan này cũng được đề xuất chủ trì việc đăng ký giá, kiểm tra yếu tố hình thành và định giá tối đa, tối thiểu hoặc khung giá đối với sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi và cùng Bộ Tài chính quản lý, giám sát đối với danh mục các mặt hàng này.
Như vậy, theo đề xuất này, Bộ Công Thương sẽ quản lý toàn bộ các vấn đề liên quan đến giá sữa, từ kê khai cho đến xác định các yếu tố hình thành giá của các mặt hàng này.
Tuy nhiên, trong văn bản vừa được Bộ Công Thương gửi tới cơ quan ngành tài chính, một lần nữa bộ này đã chối từ đề xuất trên.
Dẫn một loạt quy định pháp luật hiện hành, văn bản của Bộ Công Thương do Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải ký cho rằng, theo quy định tại Luật Giá thì Bộ Tài chính mới là cơ quan chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh kiểm tra yếu tố hình thành giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá (trong đó có mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi).
"Luật Giá đã xác định rõ chức năng quản lý nhà nước của Bộ Tài chính về nội dung này, việc dự thảo Nghị định đề nghị giao cho Bộ Công Thương sẽ là trái luật", văn bản của Bộ Công Thương viết.
Về chức năng nhiệm vụ, ngành công thương cũng khẳng định, chỉ được giao quản lý về phát triển thương mại và thị trường trong nước, đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, điều tiết lưu thông hàng hóa trong từng thời kỳ...
"Để phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành và thực tế quản lý, Bộ Tài chính vẫn nên tiếp tục làm đầu mối chủ trì như hiện nay hoặc phối hợp với Bộ Y tế trong việc tiếp nhận văn bản kê khai, đăng ký giá và áp dụng các biện pháp bình ổn giá đối với các mặt hàng thực phẩm chức năng cho trẻ em dưới 6 tuổi và sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi", Bộ Công Thương nêu quan điểm.
Mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi được đưa vào danh mục hàng bình ổn và áp trần giá từ tháng 6/2014 sau loạt biện pháp quản lý khác như đăng ký, kê khai giá không hiệu quả. Theo đó, cơ quan chức năng công bố giá trần bán buôn với hơn 600 sản phẩm sữa bột, giá bán lẻ được quy định không được cao hơn quá 15% so với mức bán buôn này.
Hiện cả nước có khoảng 877 sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi được công bố giá tối đa, giá đăng ký, giá kê khai trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Tài chính và Sở Tài chính các địa phương.
Thống kê của Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho thấy, so với thời điểm trước khi áp trần, giá bán lẻ các sản phẩm sữa này giảm khoảng từ 0,1-34%. Trong khi người tiêu dùng vẫn cho rằng giá sữa còn cao thì các doanh nghiệp lại phản ánh, doanh số và lợi nhuận bị sụt giảm nghiêm trọng.