“Chúng tôi không chắc liệu đây có phải bước đi đúng trong việc hướng tới hợp tác chống đại địch COVID-19 hay không”, đài Sputnik dẫn lời của người phát ngôn Zakharova.
Đề cập đến Mỹ, bà Zakharova nhấn mạnh động cơ Mỹ trừng phạt các thực thể của Nga tất cả là vì “lợi ích quảng bá công ty của chính họ, hiện tại là các công ty dược phẩm, tương tự trường hợp quảng bá khí đốt Mỹ trên thị trường châu Âu”.
Phát ngôn của bà Zakharova được đưa ra một ngày sau khi người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov chỉ ra lệnh trừng phạt mới nhất của Washington nhằm vào các viện nghiên cứu với lý do các trung tâm này đang phát triển vũ khí sinh học và hóa học là vô lý.
"Đây là chuỗi tiếp nối của một dạng ‘nghiện’ các biện pháp trừng phạt. Tất nhiên, chúng tôi kiên quyết bác bỏ bất kỳ tuyên bố nào cáo buộc một số tổ chức của chúng tôi có liên quan hoặc tham gia vào việc phát triển vũ khí hóa học và sinh học. Đây là điều hoàn toàn vô lý", ông Peskov phát biểu trước phóng viên ngày 27/8, cho rằng việc Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt là “một ví dụ khác về việc cạnh tranh không công bằng và thiếu kiềm chế".
Người phát ngôn Peskov cho rằng Mỹ “không thể sống mà không trừng phạt, không thể có một ngày mà không tuyên bố trừng phạt hay cấm đoán bất kỳ ai”.
Trước đó, ngày 26/8, Mỹ liệt 5 viện nghiên cứu của Nga vào danh sách trừng phạt, trong đó có Viện Nghiên cứu Trung ương 48 thuộc Bộ Quốc phòng tham gia thử nghiệm vaccine Sputnik V.
Hồi tháng 6, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố Viện Nghiên cứu Khoa học Trung ương 48 chịu trách nhiệm thử nghiệm độ an toàn và tính hiệu quả của vaccine ngừa COVID-19 mới nước này. Bên cạnh đó, Mỹ cũng áp lệnh trừng phạt đối với Viện Thử nghiệm và Nghiên cứu Trung ương 33 và Viện Nghiên cứu Công nghệ và Hóa học Hữu cơ Nhà nước. Cả hai đơn vị này đều thuộc quản lý của Bộ Quốc phòng Nga. Viện Thử nghiệm và Nghiên cứu Trung ương 33 là cơ sở hàng đầu trong lĩnh vực bảo vệ bức xạ, hóa học và sinh học.
Sau khi hoàn tất thử nghiệm lâm sàng đối với 76 tình nguyện viên, vaccine Sputnik V đã được Nga đăng ký vào ngày 11/8 vừa qua. Giai đoạn 3 thử nghiệm lâm sàng của loại vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên này của Nga đang được thực hiện với sự tham gia của 2.000 người khác. Quan chức Nga cho biết đã nhận được yêu cầu đặt hàng từ trên 20 quốc gia sau khi điều chế thành công vaccine chống COVID-19 đầu tiên.