Chiều ngày 5/12, ông Lê Đắc Lâm, Giám đốc điều hành Vntrip.vn, start-up về du lịch, chuyên hỗ trợ khách hàng đặt phòng khách sạn tại Việt Nam, tổ chức gặp gỡ báo chí tuyên bố khởi kiện Agoda. Vị này cho rằng Agoda trốn thuế tại Việt Nam.
Cụ thể, ông Lâm phân tích khách hàng Việt trả 100 USD tiền phòng cho Agoda, doanh nghiệp này trả lại 80 USD cho khách sạn tại Việt Nam và thu về 20 USD tiền phí (hoa hồng). Số tiền này được chuyển thẳng về công ty Agoda tại Singapore và Việt Nam không thu được đồng thuế nào.
“Nếu cứ tiếp diễn tình trạng này, thì đến năm 2020, chỉ cần 50% doanh thu đến từ nội địa cũng đủ đóng góp 5,25 tỷ USD tiền phòng cho toàn ngành du lịch và nếu không có chế tài kiểm soát Agoda, Việt Nam có thể thất thoát 5.000 - 10.000 tỷ đồng tiền thuế”, ông Lê Đắc Lâm nhấn mạnh.
Trao đổi với Zing.vn về việc này, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) Phạm Đình Thi cho rằng Agoda là một trang thương mại điện tử, tất nhiên phải đóng thuế.
“Vấn đề là phải xem nó nằm ở đâu. Nếu trụ sở Agoda ở nước ngoài thì họ hoạt động theo luật pháp nước ngoài còn nếu họ có chi nhánh tại Việt Nam lại là câu chuyện khác”, ông Thi nói.
Vị này cho biết thêm về nguyên tắc nếu tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài “thò tay” vào Việt Nam lấy tiền từ đây đi thông qua việc cung cấp dịch vụ, hàng hóa ở ta thì gọi là tổ chức hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, nhưng không hiện diện. Theo Luật Đầu tư, cơ quan thuế có trách nhiệm khấu trừ thuế nhà thầu.
“Còn với Agoda, dịch vụ của họ phát sinh hoàn toàn ở nước ngoài thì làm sao thu thuế được? Họ hoạt động ở đâu thì chỉ phải tuân thủ theo quy định của nước đó và phải kê khai, nộp thuế tại đó thôi”, ông Thi nói.
Đồng quan điểm, một vị đại diện của Tổng cục Thuế cho hay Agoda cũng giống như các trang thương mại điện tử khác, “tất nhiên Tổng cục cũng phải xem xét vấn đề thuế của họ”.
Từ chối bình luận thêm, vị này cho biết thời gian tới Tổng cục Thuế sẽ có văn bản cho ý kiến về việc này.
Theo tìm hiểu của Zing.vn, Agoda.com là trang thương mại điện tử về du lịch được điều hành bởi công ty TNHH Agoda Company Pte, trụ sở chính ở Singapore. Doanh nghiệp có khoảng 2.000 chuyên gia du lịch, đại diện cho hơn 20 quốc gia. Thị trường hoạt động chủ yếu ở Singapore, Bangkok (Thái Lan), Kuala Lumpur (Malaysia), Tokyo (Nhật Bản), Sydney (Australia), Hồng Kông và Budapest (Hungary).
Ngoài ra, Agoda còn có đối tác ở các thành phố lớn trên khắp châu Á, châu Phi, Trung Đông, Châu Âu và châu Mỹ. Điểm mạnh của trang thương mại điện tử này là cung cấp dịch vụ bằng 38 ngôn ngữ khác nhau.
Tuy nhiên, Agoda chưa có chi nhánh tại Việt Nam. Hiện có một vài trung tâm đặt phòng khách sạn “ăn theo” thương hiệu này khiến nhiều người lầm tưởng đó là chi nhánh của Agoda tại Việt Nam. Đại diện của Trung tâm hỗ trợ Agoda Việt Nam có trụ sở ở Tôn Đức Thắng (Đống Đa, Hà Nội) và Hai Bà Trưng (quận 3, TP.HCM) thừa nhận họ không phải là chi nhánh của Agoda.
Trong khi đó, CEO Vntrip.vn cho biết đơn vị này thuộc một công ty ở Hồng Kông, nhưng “chủ” là người Việt, có pháp nhân và trụ sở ở Việt Nam. Đó là sự khác nhau lớn nhất giữa Agoda và Vntrip.vn dẫn tới việc Vntrip.vn phải đóng thuế như tất cả các doanh nghiệp Việt khác còn Agoda thì không.
Luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhận định: “Không phải Agoda trốn thuế mà Việt Nam chưa có cơ chế, quy định pháp luật cụ thể để thu thuế với những trường hợp cung cấp dịch vụ kiểu này. Trường hợp Agoda không khác nào Google, Yahoo hay Facebook cả”.