Đoàn kết để đập tan âm mưu khủng bố lan tràn
Bóng đen của chủ nghĩa khủng bố đang bao trùm lên nước Pháp, châu Âu và cả thế giới sau 2 vụ tấn công khủng bố tuần qua tại Pháp, khiến 17 người thiệt mạng. Sự việc khiến các nước châu Âu xích lại gần nhau hơn trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề trong việc đối phó với nguy cơ khủng bố luôn rình rập, đặc biệt khi giới chức an ninh châu Âu tin rằng các mục tiêu tại Pháp vừa qua chỉ là khởi đầu.
Người dân Pháp tưởng nhớ các nạn nhân vụ xả súng |
Ngay lập tức, hàng loạt các nước châu Âu siết chặt an ninh ở mức cao nhất để đề phòng những sự việc tương tự, đồng thời triển khai kế hoạch an ninh đặc biệt với các biện pháp khẩn cấp.
Tổng thống Pháp Francois Hollande đã kêu gọi “một câu trả lời chung và mạnh mẽ” trước chủ nghĩa khủng bố. Theo ông Hollande, không chỉ người dân Pháp hay châu Âu, mà người dân thế giới cần phải đoàn kết chống lại mối nguy cơ chung này, để những kẻ cực đoan không có cơ hội kích động hận thù tôn giáo, sắc tộc.
“Chúng ta là một dân tộc, một nước Pháp cởi mở với tất cả các tôn giáo và tín ngưỡng. Một nước Pháp sẽ phản ứng mạnh mẽ trước những kẻ tìm cách kích động một cuộc chiến tranh tôn giáo. Tôi kêu gọi tất cả công dân Pháp, không phân biệt giới tính, tôn giáo thể hiện cam kết mạnh mẽ đối với cộng đồng quốc gia của chúng ta. Bởi không có cộng động nào lớn mạnh hơn cộng đồng quốc gia”, ông Hollande tuyên bố.
Lãnh đạo các nước về Paris tưởng nhớ nạn nhân |
Liên Hợp Quốc cho biết trong 10 năm qua số nạn nhân của những kẻ khủng bố đã tăng lên gấp 10 lần so với trước thăm 2001, thời điểm xảy ra vụ tấn công khủng bố tại Mỹ và cũng là thời điểm quốc tế bắt đầu cuộc chiến chống khủng bố.
Hơn lúc nào hết, người châu Âu cần phải đoàn kết, tăng cường hiệu quả hợp tác trong cuộc chiến chống khủng bố. Họ cần phải hiểu rằng, nếu thiết lập được một mạng lưới đối tác tốt, thì hoạt động trao đổi thông tin cũng sẽ được cải thiện và qua đó cuộc chiến chống khủng bố sẽ trở nên hiệu quả hơn.
Bởi một thực tế không thể phủ nhận là cuộc chiến chống khủng bố hiện nay mới chỉ tập trung vào việc tiêu diệt các hành động khủng bố, mà chưa thực sự hướng tới việc chấm dứt những tư tưởng khủng bố.
Các nước châu Âu vào cuộc
Tại Pháp, nguy cơ khủng bố vẫn hiện hữu khi Thủ tướng Manuel Valls khẳng định Kế hoạch chống khủng bố sẽ tiếp tục được thực hiện ở cấp độ cao nhất. Pháp sẽ huy động quân số lớn nhất để bảo vệ các tòa soạn, các tổ chức và cơ quan của nhà nước, các nhà thờ Do Thái và Hồi giáo, các trường tôn giáo, những nơi có thể là mục tiêu tấn công của bọn khủng bố.
Hơn lúc nào hết châu Âu cần đoàn kết để chống khủng bố |
Tại Bỉ, chính phủ nước này đã nâng cảnh báo an ninh lên mức “nghiêm trọng”, mức cao thứ 3 trong thang cảnh báo an ninh 4 mức, đồng thời thông qua gói biện pháp tăng cường an ninh, trong đó có đề xuất tước quốc tịch của công dân Bỉ từng tham chiến cùng với các chiến binh Hồi giáo, cách ly các tù nhân có thể tuyên truyền tư tưởng cực đoan cũng như phát hiện các phần tử cực đoan qua các mạng xã hội và mạng điện thoại máy tính.
Tại Anh, Thủ tướng David Cameron yêu cầu lực lượng cảnh sát và các đơn vị liên quan sẵn sàng ứng phó trong trường hợp xảy ra các vụ khủng bố liên tiếp tại nhiều địa điểm và kéo dài trong nhiều ngày. Ông cũng đề nghị lực lượng cảnh sát và quân đội tiếp tục phối hợp chặt chẽ để đảm bảo rằng cảnh sát có thể nhận được sự hỗ trợ hiệu quả của quân đội khi cần thiết. Thủ tướng Cameron cam kết sẽ trao cho các cơ quan tình báo quyền hạn "toàn diện hơn" để theo dõi và giám sát các đối tượng tình nghi khủng bố tại Anh.
Cảnh sát được bố trí khắp nơi nhằm ngăn chặn nguy cơ khủng bố |
Bên cạnh việc nâng mức báo động nguy cơ tấn công khủng bố cảnh sát từ "đáng kể" lên "nghiêm trọng", mức cao thứ tư trong thang 5 điểm, giới chức cảnh sát Anh cũng đang cân nhắc mở rộng việc trang bị súng bắn điện Taser nhằm tăng khả năng tự vệ và trấn áp tội phạm của cảnh sát. Không giống như các đồng nghiệp ở Pháp và Bỉ, cảnh sát Anh phần lớn không có vũ trang và vũ khí hiếm khi được sử dụng trên các đường phố.
Trong khi đó, Thủ tướng CH Liên bang Đức Angela Merkel kêu gọi các cơ quan tình báo quốc tế hợp tác chặt chẽ hơn để trao đổi thông tin trên toàn châu Âu cũng như thế giới. Bà cũng cho biết hệ thống an ninh ở Đức luôn phải điều chỉnh cho phù hợp và cần phải mở rộng đầu tư cho hệ thống này cũng như tăng cường ngân sách cho lực lượng cảnh sát liên bang.
Dự kiến Bộ Tư pháp Đức trình Chính phủ một bộ luật mới ngay trong tháng 1 này, trong đó có những biện pháp cứng rắn ngăn chặn việc ủng hộ, tài trợ cho các tổ chức khủng bố cũng như việc di chuyển của những người Hồi giáo tới các khu vực chiến sự.
Italy cũng đã nâng mức độ cảnh báo nguy cơ khủng bố. Thủ tướng Italy Matteo Renzi còn đề xuất thành lập một cơ quan tình báo chung của các nước EU vì ngoài việc sử dụng đồng tiền chung, EU cần phải đoàn kết, phải có một chính sách ngoại giao thống nhất.
Tình hình an ninh tại Thụy Điển và Tây Ban Nha cũng bị đẩy lên mức báo động cao, sau khi một quả bom và một bưu kiện lạ được tìm thấy tại nơi công cộng ở hai nước, khiến toàn bộ người dân quanh khu vực nguy hiểm phải sơ tán.
Đây có thể xem là cam kết mạnh mẽ nhất về một sự hợp tác sâu rộng chống những kẻ khủng bố trong bóng tối và giờ là lúc phát huy tinh thần này.