Các nhà hoạt động thế hệ Z lên tiếng vì biến đổi khí hậu

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Với lòng dũng cảm và tham vọng, những người sinh ra và lớn lên trong hiện trạng nóng lên toàn cầu đã đứng lên dẫn đầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), các nhà hoạt động trẻ trên khắp thế giới đã cùng góp tiếng nói đầy trách nhiệm và truyền cảm hứng.
22 nhà hoạt động khí hậu thanh niên: Vic Barrett, José Adolfo Quisocala, Anjali Sharma, Noga Levy-Rapoport, Ella Meek, Fionn Ferreira, Marinel Ubaldo, Aadya Joshi, Lesein Mutunkei, Isabel Wijsen, Scarlett Westbrook, Melati Wisjen, Amy Meek, Yusuf Baluch, Iris Duquesne, Hilda Flavia Nakabuye, Disha Ravi, Autumn Peltier, Jamie Margolin, Mya-Rose Craig, Jakob Blasel.
22 nhà hoạt động khí hậu thanh niên: Vic Barrett, José Adolfo Quisocala, Anjali Sharma, Noga Levy-Rapoport, Ella Meek, Fionn Ferreira, Marinel Ubaldo, Aadya Joshi, Lesein Mutunkei, Isabel Wijsen, Scarlett Westbrook, Melati Wisjen, Amy Meek, Yusuf Baluch, Iris Duquesne, Hilda Flavia Nakabuye, Disha Ravi, Autumn Peltier, Jamie Margolin, Mya-Rose Craig, Jakob Blasel.

Ngày càng có nhiều người hiểu và chấp nhận thực tế biến đổi khí hậu là do con người gây ra, nhưng chúng ta dường như tê liệt vì tuyệt vọng, bị cuốn vào một sức hút của quán tính và những thói quen gây hại.

Năm 2019, tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) ở Davos, Thụy Sĩ, Greta Tintin Eleonora Ernman Thunberg (sn 2003), nhà hoạt động môi trường trẻ tuổi Thụy Điển từng phát biểu:

Người lớn luôn nói rằng họ nợ thế hệ trẻ niềm hy vọng. Nhưng tôi không cần niềm hy vọng đó, tôi không muốn các người có hy vọng. Tôi muốn các người phải hoảng hốt, tôi muốn các người cảm nhận nỗi sợ hãi mà tôi cảm nhận mỗi ngày, và rồi hành động. Tôi muốn các người hành động như thể các người đang trong cơn khủng hoảng, tôi muốn các người hành động như thể nhà mình đang cháy, vì nó thực sự đang bốc cháy.

Trích diễn văn “Ngôi nhà của chúng ta đang bốc cháy” - Greta Thunberg

Dường như, thế hệ sinh ra trong thực trạng nóng lên toàn cầu đang mạnh mẽ từ chối đầu hàng và chấp nhận hiện trạng chết người này. Những lời chia sẻ của các nhà hoạt động thanh thiếu niên thế hệ Z thường rất khiêm tốn nhưng đầy hứa hẹn. Dù dự án của các bạn trẻ rất khác nhau, nhưng họ đều có một ý thức chung nổi bật về những gì cần phải thay đổi, từ giáo dục, đến tiền đề của tiếng nói bản địa, giúp nâng cao nhận thức về giá trị của thiên nhiên.

Hãy cùng lắng nghe một số chia sẻ từ những nhà hoạt động trẻ tuổi khắp toàn cầu:

Marinel Ubaldo, 24 tuổi, Philippines

Vào tháng 11/2013, một cơn bão đã được dự báo sẽ đổ bộ vào ngôi làng yên bình ở Đông Visayas (Philipines), nơi Marinel sống cùng gia đình. Ban đầu, cô không đặc biệt lo lắng: “Chúng tôi đã sống chung với bão cả đời - đây không phải là điều mới mẻ." Thế nhưng, cơn bão Haiyan đổ bộ vào Philippines với sức gió lên tới 195 dặm/giờ, chính là một trong những cơn bão mạnh nhất thế giới từ trước đến nay. Những tòa nhà mà Ubaldo từng nghĩ là vững chắc đã bị xé toạc chỉ trong vài giây. Hơn 7.360 người thiệt mạng hoặc mất tích, ít nhất 4 triệu người phải di dời. Thảm họa đã thay đổi đáng kể cách Ubaldo nhìn nhận hành tinh.

Các nhà hoạt động thế hệ Z lên tiếng vì biến đổi khí hậu ảnh 1

Ảnh: Sanjeev Thakur

Hai năm sau, Ubaldo giành được học bổng để theo học ngành công tác xã hội ở Tacloban, một thành phố bị tàn phá bởi cơn bão. Càng ngày, cô càng dành nhiều thời gian để đấu tranh với cuộc khủng hoảng khí hậu.

Ubaldo từng tham gia biểu tình tại trụ sở Shell của Manila, trước Wall Street Bull ở New York, và giúp tổ chức cuộc biểu tình đầu tiên của giới trẻ vì khí hậu ở Đông Visayas. Cô nói, khoảnh khắc đáng tự hào nhất của mình là làm nhân chứng cộng đồng cho Ủy ban Nhân quyền Philippines trong cuộc điều tra về trách nhiệm của 47 doanh nghiệp dầu mỏ, than đá, xi măng và khai thác mỏ lớn đối với biến đổi khí hậu.

Ubaldo hiện làm việc toàn thời gian về các vấn đề khí hậu, tập trung vào việc hỗ trợ các sáng kiến ​​cấp cơ sở. Cô là người đồng sáng lập Liên đoàn Lãnh đạo thanh niên hành động vì môi trường, là cố vấn thanh niên về công bằng khí hậu cho tổ chức Hòa bình xanh Philippines, và cũng đang hợp tác với Living Laudato Si ’Philippines, một phong trào liên tôn vận động thoái vốn than.

Nếu tôi không tiếp tục chiến đấu, tôi sẽ cảm thấy rằng mình đang phản bội những người đã chết vì thiên tai khí hậu.

Marinel Ubaldo

Công việc của Ubaldo được đánh giá là có mức rủi ro cao. Theo Global Witness, 29 nhà hoạt động đã bị giết vào năm ngoái ở Philippines. Các nhà hoạt động thường nhận được những lời đe dọa hoặc “gắn thẻ đỏ” - bị nhà nước gán cho là khủng bố. Năm ngoái, bốn nhà hoạt động và một nhà báo từ Tacloban đã bị bắt vì sở hữu súng sau một cuộc đột kích bất hợp pháp. Có lời đồn đoán rằng bằng chứng đã bị ngụy tạo và Tổ chức Ân xá Quốc tế đã kêu gọi một cuộc điều tra. Vào thời điểm xảy ra cuộc đột kích, Ubaldo nhận được một tin nhắn mật báo rằng cô cũng sẽ bị bắt và nên chuyển đến ở với một người bạn để đề phòng.

“Vấn đề là,” cô ấy nói, “họ không chỉ nhắm vào bạn, mà còn vào gia đình và bạn bè của bạn… Điều đó khiến tôi còn lo lắng hơn là sự an toàn của bản thân”. Ubaldo cũng tin rằng những lời đe dọa ít nhất là một dấu hiệu cho thấy giới cầm quyền đang nghe thấy tiếng nói của mình.

Aadya Joshi, 18 tuổi, Ấn Độ

Aadya Joshi luôn phải đi ngang qua một bãi phế liệu ở khu vực lân cận phía Nam Mumbai trên đường đến trường và trở về nhà. Bãi phế liệu này vốn là khu vườn của đồn cảnh sát địa phương, nhưng rồi đã trở thành mảnh đất cây cối um tùm, ngập tràn rác thải độc hại chất chứa của cả một thập kỷ - đang bốc mùi vì sức nóng. Vào tuổi 15, Joshi quyết định dành kỳ nghỉ hè của mình để làm điều gì đó cho khu đất. Cô bé đã đến đồn cảnh sát và hỏi: "Cháu có thể dọn dẹp khu vườn [của đồn] được không? ” Joshi đã phải mất ba hoặc bốn tuần để thuyết phục mỗi ngày, bất kể mưa nắng, rằng cô bé sẽ không bỏ dở giữa chừng và "thêm việc cho họ".

Các nhà hoạt động thế hệ Z lên tiếng vì biến đổi khí hậu ảnh 2

Ảnh: Saroyan Humphrey

Sau khi nhận được sự đồng ý, trong suốt bốn ngày chủ nhật của mùa hè, với sự giúp đỡ của cư dân địa phương, Joshi không những đã dọn dẹp lại được khu vườn, mà còn trồng được các loại cây và cây bản địa của Ấn Độ.

Đây thực sự là một công việc độc hại. Ngày đầu tiên dọn dẹp, em đã mắc lỗi không đeo găng tay và bị ốm trong hai tuần.

Aadya Joshi

Ý tưởng trồng rừng bản địa đến từ việc Joshi đang đọc về phương pháp trồng rừng của Miyawaki và công trình của nhà sinh thái học Douglas Tallamy, Đại học Delaware. Cả hai đều cho rằng trồng đúng cây có thể có tác động đáng kể đến việc khôi phục đa dạng sinh học côn trùng và động vật. Kết quả ở Mumbai tương đối tốt và gần như diễn ra ngay lập tức: những con khỉ bây giờ có thể đến dạo chơi ở đồn cảnh sát, bướm và chim cũng đã coi khu vườn thành "nhà".

Sau khi tạo ra khu vườn, Joshi đã phát triển cơ sở dữ liệu gồm 2.000 loài thực vật bản địa của tiểu lục địa Ấn Độ và năm ngoái đã được trao giải thưởng Khí hậu trẻ em bởi công ty năng lượng Thụy Điển Telge Energi. Joshi cũng bắt đầu lên kế hoạch cho các dự án lớn hơn, nhưng đã bị đại dịch COVID làm chậm tiến trình.

Hiện tại, Joshi đã trở thành sinh viên đại học Chương trình Hệ thống Trái đất tại Đại học Stanford. Lời khuyên của cô dành cho những thanh thiếu niên muốn đi con đường bảo vệ trái đất: Hãy bắt đầu từ những việc nhỏ. “Nếu làm những việc quá sức ngay từ đầu, các bạn có thể sẽ cảm thấy trì trệ và chán nản, mất động lực. Nhưng một dự án quy mô nhỏ, như đồn cảnh sát khu phố của bạn, thì khả thi và rất dễ quản lý."

Hilda Flavia Nakabuye, 24 tuổi, Uganda

Các nhà hoạt động thế hệ Z lên tiếng vì biến đổi khí hậu ảnh 3

Khi còn nhỏ, Nakabuye đã chứng kiến ​​những trận mưa bão và hạn hán dần dần tàn phá trang trại gia đình. Vườn sắn, vườn khoai tây khô héo, đàn gia súc chết đi, và cuối cùng cả nhà buộc phải bán đất.

Khi bước chân vào Đại học Kampala, cô đã có kết luận rằng sự đau khổ của gia đình chính là kết quả trực tiếp của sự nóng lên toàn cầu, Vào năm 2019, Nakabuye thành lập chiến dịch Fridays for Future của Uganda, hiện có 53.000 thành viên, và tất cả đều là thanh niên. Nakabuye chỉ trích gay gắt sự đại diện bất bình đẳng của các quốc gia từ phía nam toàn cầu trong việc ra quyết định. Cô ấy đang vận động cho sự tham gia bình đẳng của những người và khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất (Mapa) tại COP26.

Thế hệ của chúng tôi có nhiều nỗi lo sợ. Nhưng chúng tôi rất kiên trì. Và rất đoàn kết.

Hilda Flavia Nakabuye

Fridays for Future (Những thứ Sáu vì Tương lai) là phong trào khởi xướng bởi Greta Thunberg với hành động nghỉ học và biểu tình vì biến đổi khí hậu vào mỗi thứ Sáu. Phong trào đã vận động được hàng chục ngàn người trẻ khắp thế giới thành lập các tổ chức tương tự ở nhiều thành phố lớn. Ngày 15/3/2019, Fridays for Future đã làm nên lịch sử khi kêu gọi được hơn 2.000 cuộc tập trung xuống đường với sự tham gia của hơn 1 triệu người khắp toàn cầu. Fridays for Future đã trở thành phong trào lớn nhất trong lịch sử lên tiếng phản đối sự thờ ơ của giới cầm quyền trước những mối đe dọa mà biến đổi khí hậu gây ra, đòi hỏi hành động cụ thể vì một tương lai nhân loại và Trái đất.

José Adolfo Quisocala, 16 tuổi, Peru

Khi lên bảy, José Adolfo Quisocala đã tạo ra một ngân hàng dành cho các bạn học ở quê nhà Arequipa (Peru) để tiết kiệm tiền mua sách, văn phòng phẩm và đồng phục. Hiện tại, sau chín năm, Ngân hàng sinh viên Bartselana đã có 6.700 khách hàng, tất cả đều dưới 18 tuổi. Ngoài việc tiết kiệm, trẻ em có thể kiếm tiền bằng cách mang nhựa và giấy để tái chế đến - số tiền tự động được ghi có vào tài khoản ngân hàng của các em. Hàng tháng, ngân hàng tái chế từ 15 đến 16 tấn giấy và nhựa thông qua các công ty địa phương.

Ý tưởng đến với Quisocala khi cậu nhìn thấy những đứa trẻ ăn xin trên phố và tự hỏi làm thế nào cậu có thể giúp họ và gia đình kiếm tiền và tiết kiệm, cũng như tái chế rác gia đình thay vì để chúng tràn vào bãi rác. Quisocala đã bỏ học để theo đuổi ý tưởng của mình, nhưng điều này rất đáng giá, cậu tự hào: “Ở thị trấn của mình, tôi đã có thể giảm đáng kể mức độ nghèo và tỷ lệ bỏ học của trẻ em, cũng như nạn ô nhiễm môi trường”.

Các nhà hoạt động thế hệ Z lên tiếng vì biến đổi khí hậu ảnh 4

Ảnh: Leonardo Cuito

Quisocala cũng đã giúp thành lập Quỹ Bartselana, tổ chức chuyển đổi các khoản quyên góp từ rác thải có thể tái chế từ các công ty địa phương thành quỹ để chống lại nạn đói và cải thiện giáo dục cho trẻ.

Kể từ khi đại dịch bùng phát, quỹ này đã tạo ra các video giáo dục trực tuyến miễn phí - chẳng hạn như giải thích cách phân biệt các loại nhựa và giấy khác nhau để tái chế - phát trên các nền tảng mạng xã hội.

Năm nay, Quisocala (16 tuổi) dự định giao việc điều hành ngân hàng cho một CEO mới (cũng còn trẻ) để theo học đại học. Cậu có dự định sẽ hoạt động tích cực, làm việc với “các nhóm ít được ủng hộ nhất hoặc bị lãng quên ở Mỹ Latinh” và giúp họ thu lợi nhuận bằng cách thực hiện các dịch vụ môi trường.

Scarlett Westbrook, 17 tuổi, Vương quốc Anh

Từ năm 10 tuổi, Scarlett đã tham gia vào các cuộc tuần hành và vận động cho các cuộc bầu cử địa phương (vào thời điểm đó, Scarlett đã “thực sự quan tâm” đến các chính sách về khí hậu của Ed Miliband).

Ở tuổi 13, cô bé vượt qua chứng chỉ A-level về chính phủ và chính trị - người trẻ nhất từng đạt được thành tích này. Scarlett đã tự học trong bảy tháng, chuyên môn của cô là khí hậu và giáo dục. Sau này, Scarlett đã trở thành thành viên của Mạng lưới Khí hậu Sinh viên Vương quốc Anh (UKSCN). Cả cha mẹ và giáo viên của Scarlett đều cảm thấy "không tin được" khi cô bày tỏ nguyện vọng thi A-level. Scarlett đã gửi email cho hội đồng thi, trong đó có viết: “Tôi đã tiếp tục tranh luận cho đến khi tôi đạt được mục đích của mình!”

Scarlett Westbrook là một trong những nhà tổ chức hàng đầu của các cuộc biểu tình sinh viên ở Birmingham và là “người viết chính sách thường xuyên” trẻ nhất được biết đến trong lịch sử nghị viện. Scarlett từng đoạt giải Future Young Star năm 2020 và giải Diana năm nay vì những công việc nhân đạo.

Các nhà hoạt động thế hệ Z lên tiếng vì biến đổi khí hậu ảnh 5

Ảnh: Fabio De Paola

Hiện tại, cô trở thành người đứng đầu Teach the Future, một chiến dịch ấn tượng do học sinh lãnh đạo, thành lập bởi Joe Brindle, nhằm mục đích biến đổi hệ thống giáo dục Anh bằng cách đặt khí hậu làm trọng tâm. Cô lập luận rằng khí hậu nên được “dệt như một sợi chỉ vàng vào mọi chủ đề”. Nghiên cứu của Teach the Future cho thấy rằng “chỉ 4% sinh viên cảm thấy họ biết nhiều [liên quan đến tình trạng khẩn cấp về khí hậu]”. Tỷ lệ sinh viên cảm thấy lo lắng ở mức cao hơn nhiều (với 6/10 được cho là “cực kỳ lo lắng”) khi nhắc đến tương lai khí hậu.

Trong khi Scarlett tin vào tầm quan trọng của hành động cá nhân, cô muốn nhấn mạnh những con số gây sốc thể hiện trách nhiệm tập thể, hàng trăm công ty chịu trách nhiệm cho 71% lượng khí thải [toàn cầu]", trong khi “toàn bộ lục địa Châu Phi chỉ chịu trách nhiệm cho 2-3% lượng khí thải”, và 70% các chuyến bay được thực hiện bởi 15% dân số.

Fionn Ferreira, 20 tuổi, Ireland

Fionn Ferreira là người đã giành được giải thưởng toàn cầu hàng đầu tại Hội chợ Khoa học Google 2019. Khi chèo thuyền kayak quanh bờ biển West Cork, Ferreira đã nhận thức được vấn đề một cách nhạy bén - không chỉ là nhựa lớn nhấp nhô trên sóng mà còn là vi nhựa lan tỏa khắp mặt nước xung quanh mình.

Ở tuổi 15, cậu đã thiết kế quang phổ kế của riêng mình để đo lượng vi nhựa trong nước địa phương - kết quả đo cao đến mức ban đầu cậu nghĩ rằng chiếc máy này đã bị hỏng. Sau đó, Fionn bắt đầu tìm cách loại bỏ chúng. Bằng cách thêm magnetit vào dầu, cậu phát hiện ra rằng mình có thể hút các vi nhựa trong một mẫu nước và loại bỏ phần lớn chúng bằng một nam châm.

Các nhà hoạt động thế hệ Z lên tiếng vì biến đổi khí hậu ảnh 6

Giờ đây, cậu sinh viên tốt nghiệp ngành hóa học đã thành lập công ty khởi nghiệp của riêng mình, Fionn & Co, và đã nhận được tài trợ từ Robert Downey Jr’s Footprint Coalition để chế tạo một thiết bị nguyên mẫu có thể lọc hơn 90% vi nhựa từ nước máy. Fionn hy vọng có thể mở rộng công nghệ này để hoạt động trong các nhà máy xử lý nước thải và thậm chí tại các cửa sông, đồng thời cho phép trí óc sáng tạo của cậu được mở rộng hơn nữa.

Việc giành được giải thưởng và được ủng hộ khi còn trẻ như vậy đã cho Fionn ý thức rằng: tuổi trẻ không phải là rào cản để tạo ra sự thay đổi thực sự.

Tôi cảm thấy chúng ta cần [kêu gọi] nhiều người hơn tham gia vào công cuộc đổi mới và phát minh ở cấp độ nhỏ, bởi vì mọi ý tưởng đều có sức mạnh tạo ra sự khác biệt.

Chúng ta cần khiến mọi người yêu thích môi trường và thực sự tức giận về những gì đang xảy ra với môi trường đó. Bởi vì chỉ khi tất cả đều đồng lòng, làm theo những gì chúng ta thực sự muốn, chúng ta mới có thể tạo ra sự thay đổi.

Fionn Ferreira

Jakob Blasel, 21 tuổi, Đức

Các nhà hoạt động thế hệ Z lên tiếng vì biến đổi khí hậu ảnh 7

Ảnh: Steffen Roth

Jakob Blasel thường xuyên tham gia các cuộc biểu tình Fridays for Future ở Đức kể từ tháng 12/2018.

Ngay từ ngày đầu tiên, với tôi, các ngày thứ Sáu của Fridays for Future không chỉ đơn giản là tập hợp những đứa trẻ biết quan tâm đến các vấn đề môi trường. Đó là việc bắt đầu cuộc đối thoại với cả một thế hệ.

Jakob Blasel

Ba năm sau, Blasel gõ cửa Hạ viện ở Berlin với tư cách là ứng cử viên đảng Xanh tại khu vực bầu cử quê nhà ở Schleswig-Holstein, bang cực bắc của Đức, Blasel đã giành được 23.831 phiếu bầu tại cuộc bầu cử liên bang vào tháng 9, chỉ suýt chút nữa đã bỏ lỡ một ghế nghị sĩ.

Là anh cả trong gia đình có ba anh em, Blasel cho biết khi còn nhỏ bản thân đã nhận thức được rõ ràng về biến đổi khí hậu. Nhưng phải đến khi 15-16 tuổi, cuộc khủng hoảng khí hậu mới trở thành điều khiến Blasel trở nên dằn vặt. Năm 2017, Blasel đã xem một bộ phim tài liệu của Na Uy về ngành dệt may toàn cầu, bước ngoặt tạo nên sự thay đổi trong hành động của Blase. Cậu bắt đầu mặc nhiều quần áo cũ hơn, và thuyết phục cha mẹ chuyển sang lấy điện từ các nhà cung cấp năng lượng tái tạo.

Tôi đã tự hỏi bản thân mình rằng, làm sao tôi và các bạn cùng lứa tuổi thiếu niên lại có thể đang mặc quần áo được sản xuất trong những điều kiện vô nhân đạo ở phía nam toàn cầu? Từ đó, tôi chuyển sang suy nghĩ về việc làm thế nào để quần áo có thể được sản xuất theo cách không chỉ công bằng hơn về mặt xã hội mà còn bền vững hơn về môi trường.

Nhưng có một điểm mà cách tiếp cận đó đã đạt đến giới hạn: ngay cả khi tôi thay đổi hành vi của mình với tư cách là một người tiêu dùng, chúng tôi vẫn đang tiến tới một cuộc khủng hoảng sinh thái và xã hội. Nếu tôi thực sự quan tâm đến việc tạo ra sự khác biệt, tôi nhận ra rằng, tôi cần phải thực hiện một cách tiếp cận chính trị.

Bây giờ, tôi thấy rất nhiều chính trị gia nhận ra rằng chúng ta cần có những mục tiêu khí hậu tham vọng hơn. Nhưng họ vẫn đang kể những câu chuyện cổ tích về việc đạt được mục đích, rằng công nghệ sẽ giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu một cách kỳ diệu ra sao. Chúng ta đã có những công nghệ này, chúng ta chỉ cần sử dụng chúng. Nhưng tại thời điểm này, điều đó đang không diễn ra ở mức độ phù hợp.

Jakob Blasel

Blasel cho biết việc tranh cử Hạ viện đã giúp anh hiểu rõ hơn lý do tại sao cuộc tranh luận chính trị về cuộc khủng hoảng khí hậu lại trở nên bế tắc, và làm thế nào để bắt đầu hoạt động trở lại. “Trở thành một nhà hoạt động có nghĩa là liên tục đẩy lợi ích của bản thân lên hàng đầu, trong khi nghệ thuật trở thành một chính trị gia nằm ở việc dung hòa các lợi ích khác nhau. Tôi sẽ tiếp tục cố gắng hết sức để chống lại cuộc khủng hoảng khí hậu, bất kể tôi làm điều đó từ quốc hội hay với tư cách là một nhà hoạt động."

Disha Ravi, 22 tuổi, Ấn Độ

Disha Ravi đã trải qua biến đổi khí hậu khi lớn lên ở vùng nông thôn Ấn Độ rất lâu trước khi cô biết biến đổi khí hậu thực sự là gì. “Ông bà tôi là nông dân và phải đối mặt với tình trạng thiếu nước. Mẹ tôi đã phải gánh nước từ giếng chung trước khi bà đi học và không ai trong chúng tôi nhận ra rằng đây là kết quả của cuộc khủng hoảng khí hậu."

Ravi là người đồng sáng lập chi nhánh Ấn Độ của Fridays for Future vào năm 2019. Tổ chức của cô đã dành hai năm để tổ chức các hội thảo, dọn dẹp địa phương và trồng cây. Cô cũng là trụ cột gia đình, với công việc tại ở một công ty thực phẩm thuần chay ở Bengaluru, nơi cô sống cùng mẹ.

Các nhà hoạt động thế hệ Z lên tiếng vì biến đổi khí hậu ảnh 8

Disha Ravi, người đồng sáng lập tổ chức Fridays for Future Ấn Độ.

Tôi đã từng chứng kiến ​​ngôi nhà của mình ngập nước - trong một thành phố không giáp biển, cây cối bị chặt để tăng GDP, và chất thải độc hại thải ra sông trong khi các doanh nghiệp trốn tránh trách nhiệm. Tôi từ chối để điều này tiếp diễn đối với những người khác.

Disha Ravi

Lesein Mutunkei, 17 tuổi, Kenya

Các nhà hoạt động thế hệ Z lên tiếng vì biến đổi khí hậu ảnh 9

Năm 12 tuổi, Lesein quyết định rằng cứ mỗi bàn thắng ghi được, cậu sẽ trồng một cái cây. Cậu bé lúc đó nhận ra rằng ý tưởng có thể trở nên lớn lao, bởi “khủng hoảng khí hậu là một vấn đề chung và bóng đá là một trò chơi chung”. Lesein muốn sử dụng sức mạnh của bóng đá để giải quyết nạn phá rừng, nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu lớn thứ hai. Cậu đã đăng ký phong trào ở trường học của mình tại Nairobi với tên gọi "Trees for Goals".

Năm 2019, ở tuổi 14, cậu bé được làm việc với Bộ Môi trường Kenya, và phong trào này đã chính thức trở thành một chương trình quốc gia. Năm nay, Leisen trở thành người lọt vào vòng chung kết giải Khí hậu dành cho trẻ em.

Amy và Ella Meek, 18 và 16 tuổi, Vương quốc Anh

Các nhà hoạt động thế hệ Z lên tiếng vì biến đổi khí hậu ảnh 10

Ảnh: Gary Calton

Amy và Ella Meek thành lập Kids Against Plastic (Trẻ em chống Rác thải nhựa) vào năm 2016 sau khi lần đầu tiên phát hiện ra tác hại của ô nhiễm nhựa. Cha mẹ của cả hai là giáo viên, đã gợi ý cả hai nên tìm hiểu về các mục tiêu bền vững toàn cầu SGDs của Liên hợp quốc. Mục tiêu thu hút sự quan tâm của họ là số 14: Sự sống dưới nước.

Chúng em tìm kiếm tất cả hình ảnh về những sinh vật biển bị quấn vào rác thả nhựa. Những hình ảnh đó thật sự gây shock và đau lòng.

Amy, 18 tuổi

Chúng em hoàn toàn không biết về việc nhựa mà chúng tôi đang sử dụng và vứt bỏ lại có tác động tiêu cực đến mức nào. Và có lẽ nhiều người cũng không biết, vậy nên chúng em quyết định hành động.

Ella, 16 tuổi

Chiến dịch chống rác thải nhựa của họ bắt đầu từ những việc nhỏ như nhặt rác. Trong 5 năm, hai chị em đã nhặt được một lượng lớn 96.685 miếng nhựa dùng một lần. Mục tiêu của họ là 100.000, vì đó là số lượng sinh vật biển có vú chết mỗi năm do bị mắc kẹt trong nhựa hoặc ăn phải nhựa.

Cả hai cũng đã tổ chức hàng trăm buổi nói chuyện tại các trường học và lễ hội, triển khai các kế hoạch “Người làm sạch nhựa” trên toàn quốc để giúp các trường học, nhà hàng, doanh nghiệp, lễ hội và hội đồng của Vương quốc Anh giảm lượng nhựa sử dụng một lần.

Theo The Guardian, The Conversation
Tổ chức Liên hoan Múa rối quốc tế - 2024 tại Hà Nội
Tổ chức Liên hoan Múa rối quốc tế - 2024 tại Hà Nội
(Ngày Nay) - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã giao Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp với Cục Hợp tác quốc tế, Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội, Nhà hát Múa rối Việt Nam và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Liên hoan Múa rối quốc tế - 2024, dự kiến diễn vào tháng 10/2024, tại Hà Nội.
Bảo đảm môi trường du lịch an toàn cho du khách dịp nghỉ lễ
Bảo đảm môi trường du lịch an toàn cho du khách dịp nghỉ lễ
(Ngày Nay) - Trước nhu cầu du lịch dự báo sẽ tăng cao trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, Sở Du lịch Hà Nội đã có công văn gửi các sở, ngành, quận, huyện, thị xã, tổ chức, cá nhân quản lý khu, điểm du lịch trên địa bàn đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch và giữ gìn môi trường du lịch Thủ đô.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Tổng thống Pháp: Châu Âu cần bớt lệ thuộc vào Mỹ
(Ngày Nay) - Tổng thống Pháp cho rằng châu Âu cần cần thay đổi quy mô phòng thủ giúp châu lục này thiết lập đối thoại với các nước thứ ba, bớt lệ thuộc vào Mỹ và có khả năng đương đầu tốt hơn với các mối đe dọa.
UBND tỉnh Quảng Trị, T&T Group và Công ty năng lượng SK E&S ký kết hợp tác đầu tư, thương mại, chuyển đổi năng lượng và tăng trưởng xanh
Tỉnh Quảng Trị và T&T Group hợp tác chuyển đổi năng lượng - tăng trưởng xanh với Tập đoàn SK
Ngày 24/4, tại Seoul (Hàn Quốc), với mục tiêu nhằm củng cố và tăng cường quan hệ hợp tác về đầu tư, thương mại và tăng trưởng xanh tại tỉnh Quảng Trị, UBND tỉnh Quảng Trị, Tập đoàn T&T Group và SK E&S (Hàn Quốc) đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác về đầu tư, thương mại, chuyển đổi năng lượng và tăng trưởng xanh.
Phó Thủ tướng yêu cầu rà soát điều chỉnh dự án thu hồi đất sân bay Long Thành
Phó Thủ tướng yêu cầu rà soát điều chỉnh dự án thu hồi đất sân bay Long Thành
Văn phòng Chính phủ vừa có Văn bản số 2705/VPCP-CN, truyền đạt ý kiến Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai rà soát, hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành theo hướng xác định chính xác diện tích đất sử dụng cho sân bay và diện tích đất tái định cư cho dự án xây dựng sân bay Long Thành, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định bổ sung, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
WHO: Các loại vaccine cứu 154 triệu mạng người trong 50 năm
WHO: Các loại vaccine cứu 154 triệu mạng người trong 50 năm
Các nỗ lực tiêm chủng trên toàn cầu đã giúp cứu được 154 triệu mạng sống trong 50 năm qua. Đáng chú ý, phần lớn những người được hưởng lợi là trẻ sơ sinh. Đây là kết quả mới được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố ngày 24/4, phản ánh hiệu quả của các chiến dịch tiêm chủng trên toàn cầu trong nhiều thập niên qua.
Du lịch Thái Lan bội thu từ lễ hội Songkran
Du lịch Thái Lan bội thu từ lễ hội Songkran
Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan cho biết việc kéo dài lễ hội Songkran trong vòng 3 tuần đã giúp tạo ra khoản doanh thu lên tới 140 tỷ baht (3,7 tỷ USD) cho ngành du lịch nước này, thu hút 1,9 triệu khách du lịch nước ngoài đến thăm trong thời gian diễn ra lễ hội.
Hang Táu (Mộc Châu) đem đến hình ảnh một ngôi làng nguyên thủy.
Công nhận Mộc Châu là Khu du lịch quốc gia
(Ngày Nay) - Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) đã ký Quyết định số 1077/QĐ-BVHTTDL về việc công nhận Khu du lịch Mộc Châu, tỉnh Sơn La là Khu du lịch quốc gia.