Tổng thống Mỹ Joe Biden đang kêu gọi tất cả các nước còn lại đạt mục tiêu tiêm chủng cho 70% dân số toàn cầu vào tháng 9 tới. Tuy nhiên, đây có vẻ là một mục tiêu xa vời. Theo Our World In Data, tính đến ngày 15/9, vẫn còn 58,2% dân số thế giới vẫn chưa được tiêm vaccine COVID-19 dù chỉ một mũi.
Thiếu hụt vaccine
Thiếu hụt vaccine là vấn đề quan trọng nhất làm chậm hoạt động tiêm chủng toàn cầu. Dự kiến vào cuối năm 2021, Mỹ, Nga, Trung Quốc và các nước châu Âu sẽ sản xuất tổng cộng 12 tỷ liều vaccine cho thế giới. Nhưng đến nay, mới chỉ có 5,79 tỷ liều vaccine được phân phối.
Tháng 6, Mỹ tuyên bố sẽ mở rộng năng lực sản xuất vaccine, để cung cấp cho thế giới hơn 20 triệu liều. Nhưng một phân tích của nhóm vận động phòng chống AIDS PrEP4All cho thấy, tính tới tháng 8/2021, chính quyền ông Biden mới chỉ chi chưa đến 1% số tiền mà Quốc hội Mỹ phân bổ cho mục đích đó.
Vaccine phòng COVID-19 của Pfizer-BioNtech. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
"Không thực hiện triệt để chiến dịch tiêm chủng toàn cầu sẽ là một trong những sai lầm lớn nhất trong cuộc chiến với đại dịch COVID-19," Raja Krishnamoorthi, một thành viên của Đảng Dân chủ bang Illinois trả lời New York Times.
Nhưng thế giới có thể sớm đạt được mục tiêu tiêm chủng đầy đủ mà không cần sự can thiệp của Mỹ.
Sau khởi đầu chậm chạp, hiện đã có khoảng 1,5 tỷ liều vaccine được sản xuất mỗi tháng, theo Liên đoàn Quốc tế các Nhà sản xuất và Hiệp hội Dược phẩm. Tổ chức này ước tính, vào tháng 1 năm sau, sẽ có đủ vaccine cho toàn bộ người trưởng thành trên thế giới.
"Tới đầu năm 2022, sự thiếu hụt vaccine có thể sẽ không còn. Vì vậy, những tháng cuối năm 2021 là khoảng thời gian khó khăn nhất mà chúng ta phải vượt qua," Ruth R. Faden, một giáo sư tại trường Đại học Johns Hopkins (Mỹ) cho biết.
Những bất cập trong phân phối, lưu trữ và bảo quản vaccine
Ngay cả khi có đủ vaccine cho toàn bộ người dân, chưa thể đảm bảo số vaccine đó sẽ được phân phối đúng nơi cần thiết. Hằng năm, lượng lương thực thế giới sản xuất được nhiều hơn nhu cầu của dân số toàn cầu, nhưng vẫn có hàng triệu người đói do bất bình đẳng về quyền tiếp cận lương thực.
Nhà máy của AstraZeneca ở Thụy Điển. (Ảnh: Getty Images) |
Việc phân phối vaccine COVID-19 cũng đang trải qua sự bất bình đẳng tương tự: trong 5,76 tỷ liều được phân phối trên toàn cầu, các nước thu nhập cao và trung bình cao được nhận tới 80%, trong khi đó các nước thu nhập thấp chỉ nhận được 0,4%.
"Ít nhất một nửa dân số đã được tiêm chủng đầy đủ ở các quốc gia có thu nhập cao," Tiến sĩ Krishna Udayakumar, Giám đốc sáng lập Trung tâm Đổi mới Y tế Toàn cầu của Đại học Duke cho biết, "còn ở những nước thu nhập thấp, cứ 100 người thì thường chỉ có 2 người được tiêm 2 mũi."
Theo New York Times, trong số 600 triệu liều vaccine mà Mỹ hứa cung cấp cho thế giới, mới có 115 triệu liều được phân phối.
Tổng thống Biden trong chuyến thị sát nhà máy Pfizer ở Kalamazoo hồi tháng 2. (Ảnh: New York Times) |
COVAX, cơ chế được thiết lập nhằm đảm bảo các quốc gia được tiếp cận công bằng với vaccine COVID-19, từng hứa sẽ cung cấp 2 tỷ liều vaccine cho thế giới vào cuối năm 2021. Tuy nhiên, tính đến nay, mới chỉ có khoảng 272 triệu liều vaccine được phân phối qua COVAX. Theo báo cáo của Benjamin Mueller và Daniel E. Slotnik - 2 phóng viên của New York Times, nhiều nước giàu đã mua số vaccine nhiều hơn nhu cầu thực tế để tích trữ, gây khó khăn cho hoạt động của COVAX.
Hiện tại, một số nước còn xem xét bắt đầu tiêm mũi bổ sung (mũi thứ 3), khiến nguy cơ COVAX bị cắt giảm nguồn cung vaccine lại càng cao hơn. Ngay cả khi đã tiêm đầy đủ mũi bổ sung, Mỹ, Anh và các quốc gia châu Âu khác vẫn sẽ dư thừa khoảng 1,2 tỷ liều vaccine vào cuối năm nay.
Ở một số nước nghèo, vấn đề về lưu trữ và bảo quản vaccine cũng làm giảm những nỗ lực của COVAX. Ví dụ, trong số 100.000 liều vaccine Pfizer được COVAX chuyển tới Chad vào tháng 6, chỉ 6.000 liều được tiêm trong 5 tuần sau đó, bởi khả năng lưu trữ và bảo quản vaccine ở nước này rất hạn chế.
Kho lạnh bảo quản vaccine COVID-19 ở Abuja, Nigeria. (Ảnh: Reuters) |
"Việc không đáp ứng được điều kiện lưu trữ và bảo quản dẫn đến vaccine hết hạn ở một số nước nghèo, là một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất mà COVAX phải đối mặt," Benjamin Mueller và Daniel E. Slotnik kết luận.
Giải pháp
Theo Seth Berkley, Giám đốc điều hành của tổ chức phi lợi nhuận điều hành COVAX, Mỹ và những quốc gia giàu có khác phải làm 4 bước sau, để nhanh chóng hoàn thành chiến dịch tiêm chủng toàn cầu.
Đẩy nhanh tốc độ phân phối vaccine: Trong số 600 triệu liều Mỹ cam kết phân phối cho COVAX cho đến nay, chỉ có 100 triệu liều đã được chuyển giao. "Mỹ cần phải chuyển số vaccine còn thiếu càng sớm càng tốt," Seth Berkley nói.
Minh bạch trong phân phối: các nhà sản xuất đã cam kết cung cấp cho COVAX hơn 4 tỷ liều vaccine, nhưng thường "cao su" - nhiều khả năng do họ đang ưu tiên cho các quốc gia đã ký thỏa thuận mua riêng.
Việc dân số toàn cầu được tiếp cận với vaccine phải là ưu tiên hàng đầu: những nước đã đặt hàng vaccine nhưng chưa thật sự cần số vaccine đó, nên nhường cho cơ chế COVAX được tiếp cận trước.
Hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật: những nước phát triển cần giúp đỡ những nước nghèo phát triển hệ thống y tế quốc gia, để tăng cường khả năng lưu trữ, bảo quản vaccine.
Khi nguồn cung vắc xin toàn cầu tăng lên trong những tháng tới, Tiến sĩ Udayakumar tin rằng hỗ trợ về tài chính & kỹ thuật cho các nước nghèo là bước khó khăn nhất.
"Hầu như tất cả các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình đều không đáp ứng đủ điều kiện để lưu trữ & bảo quản số vaccine họ được nhận. Họ cần phải được hỗ trợ nhiều hơn về mặt này," Tiến sĩ Udayakumar khẳng định.