Sáng ngày 23/4/2021, với sự hỗ trợ của Chương trình Australia Hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform), Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã tổ chức Hội thảo “Nghiên cứu các vấn đề về giới trong di cư trong nước và tái cơ cấu kinh tế ở Việt Nam” do Phó Viện trưởng Nguyễn Hoa Cương chủ trì. Nghiên cứu ra đời với mục tiêu hướng đến bình đẳng giới, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau, đặc biệt là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương như nữ giới.
Nghiên cứu này tập trung vào các nội dung chính: (i) Tổng quan các vấn đề về giới trong di cư nội địa với tái cơ cấu nền kinh tế; (ii) Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về di cư nội địa dưới góc độ giới; (iii) Khái quát về di cư nội địa trong quá trình tái cơ cấu kinh tế ở Việt Nam trong thời gian qua; (iv) Vấn đề cơ cấu lao động, thu nhập và các vấn đề xã hội của lao động di cư nội địa trong tái cơ cấu kinh tế dưới góc độ giới ở Việt Nam; (v) Đề xuất giải pháp lồng ghép các yếu tố giới trong tái cơ cấu nền kinh tế đảm bảo quyền của phụ nữ di cư.
Trong bối cảnh phát triển kinh tế với sự đẩy nhanh quá trình đô thị hoá, công nghiệp hoá, chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế diễn ra nhanh chóng dẫn tới sự gia tăng nhanh chóng của di cư nội địa. Đối với những địa phương chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang công nghiệp và dịch vụ, nhu cầu lao động rất lớn tạo ra lực hút nguồn di cư lao động từ các địa phương khác tới sinh sống và làm việc, đặc biệt là dòng di cư nữ đã diễn ra mạnh mẽ ở những địa phương phát triển các khu công nghiệp, điều này dẫn đến tỷ suất di cư thuần dương. Ngược lại, những địa phương có quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm, đặc biệt là cơ cấu nông nghiệp còn lớn, xu hướng lao động xuất cư nhiều hơn lao động nhập cư đến, dẫn đến tỷ suất di cư thuần âm.
Theo TS. Hồ Công Hòa, Phó trưởng Ban Nghiên cứu các vấn đề xã hội, CIEM, mặc dù dân số Việt Nam liên tục tăng, nhưng lao động di cư có dấu hiệu giảm cả về số lượng và tỷ lệ. Xu hướng và phân bố người di cư ở độ tuổi lao động (trên 15 tuổi) không đều theo vùng miền, giới tính và độ tuổi.
TS. Hồ Công Hòa phát biểu tại Hội thảo. |
Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, nữ hóa lao động di cư vẫn tiếp tục duy trì, nhưng có xu hướng giảm và tỷ trọng tham gia lực lượng lao động của nữ di cư được ghi nhận thấp hơn nam. Việc “nữ hóa” di cư làm phát sinh những vấn đề xã hội như vấn đề nhà ở, vấn đề tiếp cận các dịch vụ công, vấn đề an ninh, y tế, vui chơi giải trí, phục hồi sức lao động, vấn đề trường lớp cho con cái... Nữ di cư từ nông thôn ra đô thị chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số lao động di cư nội địa toàn quốc và ngày càng gia tăng về số lượng, nhưng do các đặc điểm đặc thù, nhóm người này là đối tượng chịu nhiều rủi ro vì thiếu các chính sách hỗ trợ đặc thù về an sinh xã hội. Theo báo cáo, lao động nữ di cư từng được lồng ghép vào kế hoạch phát triển bền vững của quốc gia trong Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030, tuy nhiên mới chỉ dừng ở việc đảm bảo môi trường làm việc an toàn thông qua giảm số người bị chết, bị thương do tai nạn lao động. Còn khá nhiều khoảng trống trong chính sách hỗ trợ lao động di cư đến các khu công nghiệp, khu đô thị, đặc biệt cho đối tượng nữ giới. Nhận thức của các cấp chính quyền ở một số địa phương về công tác binh đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ chưa tòan diện.
Hội thảo “Nghiên cứu các vấn đề về giới trong di cư trong nước và tái cơ cấu kinh tế ở Việt Nam” nhấn mạnh lại thông điệp rằng các địa phương cần lồng ghép yếu tố giới nói chung, giới trong lao động di cư nói riêng vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của từng địa phương.
Toàn cảnh hội thảo “Nghiên cứu các vấn đề về giới trong di cư trong nước và tái cơ cấu kinh tế ở Việt Nam”. |
Đối với địa phương “nhập siêu lao động”: Cần đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển các ngành, lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao, ít sử dụng lao động, đồng thời đẩy mạnh các phương án quy hoạch cơ sở hạ tầng cứng và mềm cho lao động di cư. Đặc biệt cần có các kế hoạch phân bổ nguồn thu có được phân bổ trở lại đầu tư vào cơ sở hạ tầng cho người di cư để đảm bảo tính bền vững của phát triển. Lồng ghép các mục tiêu bình đẳng giới vào trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, trong các chính sách di cư theo trung hạn và hàng năm của địa phương.
Đối với các địa phương “xuất siêu lao động”: Cần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang công nghiệp và dịch vụ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, đặc biệt là giúp tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương. Trước mắt cần chú trọng lập kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng mềm bao gồm các cơ chế, chính sách và kế hoạch thực hiện hướng tới bảo vệ và chăm sóc trẻ em, người già, người cô đơn và xây dựng tốt hành trang cho người di cư để không ai bị bỏ lại phía sau. Về lâu dài, cần đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển các ngành, lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao, năng suất lao động cao để cải thiện điều kiện kinh tế của địa phương, theo đó mới cải thiện được tỷ lệ xuất siêu lao động. Đi đôi với phát triển hạ tầng mềm, địa phương cũng cần có các giải pháp phát triển cơ sở hạ tầng cứng phục vụ cho việc thu hút nhà đầu tư.
Việc bảo vệ, hỗ trợ và thúc đẩy hòa nhập cộng đồng cho nhóm lao động nữ di cư thông qua phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ công, tiếp cận đào tạo và cơ hội việc làm,... là nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết hiện tại. Cần thiết tiến hành điều tra xã hội học về tâm lý và tình hình chăm sóc trẻ em và người già ở nơi đi và nơi đến, tình trạng xâm hại tình dục trẻ em, tỷ lệ ly hôn của gia đình có người di cư.
Báo cáo do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương và nhóm tư vấn thực hiện dưới sự chỉ đạo của Viện trưởng TS. Trần Thị Hồng Minh. Nhóm soạn thảo gồm TS. Hồ Công Hòa, ThS. Lưu Đức Khải, ThS. Nguyễn Thị Huy, TS. Đinh Khánh Lê, ThS. Hoàng Văn Cương, ThS. Nguyễn Thị Thu Huyền và CN Nguyễn Hoàng Anh. Các tư vấn đóng góp báo cáo chuyên đề gồm PGS.TS. Hoàng Thúy Hằng, PGS.TS. Nguyễn Xuân Toản và TS. Trần Kim Hào.
Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform) do Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT) tài trợ sẽ hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thực hiện các mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng nâng cao năng suất lao động, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế hướng tới phát triển nhanh, bền vững. Chương trình hoạt động trong thời gian 4 năm, từ 2017 đến 2021.