Nhiều điều đã được thảo luận trong chính phủ Liên Xô khi họ cạnh tranh với Mỹ để trở thành quốc gia đầu tiên đem mẫu đất của Mặt trăng trở lại Trái đất vào năm 1969, nhưng theo các tài liệu mới được giải mật, một trong những chủ đề quan trọng là liệu dự án trạm Mặt trăng E-8 -5 sẽ sẵn sàng để khởi động vào lúc đó hay không.
Bản ghi các cuộc thảo luận giữa những kỹ sư chủ chốt trong ngành vũ trụ của Liên Xô và Bộ trưởng Bộ Kỹ thuật Tổng hợp Sergey Afanasyev, đã tiết lộ mối lo ngại rằng dự án có thể không đạt yêu cầu và gây tổn hại đến danh tiếng của Liên Xô.
Moscow thậm chí đã tính đến việc hủy bỏ toàn bộ dự án, nhưng kỹ sư trưởng Georgy Babakin của Phòng thiết kế Lavochkin, một công ty đang nghiên cứu các chương trình liên quan đến không gian của Liên Xô, đã ra sức can ngăn.
"Nếu người Mỹ với tàu Apollo 11 của họ hạ cánh trên Mặt Trăng vào ngày 17/6 và gửi cho chúng ta các mẫu đất, thì điều gì sẽ xảy ra? Điều gì sẽ xảy ra nếu vụ phóng trạm Mặt trăng E-8 -5 sẽ không thành công? Nếu hóa ra chiếc máy hạ cánh thành công nhưng lại bắt đầu thu thập không khí Mặt Trăng thay vì đất, thì thật là xấu hổ!”, Bộ trưởng Afanasyev lập luận.
Kỹ sư Babakin sau đó thuyết phục vị Bộ trưởng rằng Liên Xô dù sao cũng nên tiến hành vụ phóng và sẽ không thành vấn đề nếu Liên Xô thu thập được mẫu đất muộn hơn Mỹ. Vị kỹ sư này nhắc nhở ông Afanasyev rằng Liên Xô đã chọn một con đường khác trong việc thăm dò Mặt trăng - thông qua việc sử dụng máy móc tự động thay vì các chuyến bay có người lái.
Lo ngại của Bộ trưởng Liên Xô đã trở thành sự thật khi tên lửa Proton-K không thể đưa trạm E-8-5 lên Mặt Trăng vì sự cố vào ngày 14/6 năm 1969. Vụ phóng trạm Mặt Trăng tiếp theo, Luna-15, đã thành công, nhưng tàu đổ bộ đã bị rơi trên Mặt trăng.
Điều này xảy ra ngay khi các phi hành gia người Mỹ đầu tiên thăm Mặt Trăng, thu thập thành công và mang về nhà hơn 20 kg đất từ vệ tinh tự nhiên của Trái đất. Trong 6 năm tiếp theo, Liên Xô đã phóng thêm 3 trạm Mặt Trăng, chúng đã thành công trong sứ mệnh đưa các mẫu đất trở về Trái đất mà không cần sử dụng các phi hành gia.