Truyền thông Nhật hôm qua đưa tin công chúa Mako, 25 tuổi, con gái đầu lòng của Thái tử Akishino, sẽ đính hôn với luật sư bằng tuổi Kei Komuro và kết hôn vào năm sau.
Tin tức về lễ đính hôn làm dấy lên câu hỏi về địa vị của phụ nữ trong hoàng gia Nhật. Theo luật của nước này, phụ nữ không được phép thừa kế ngai vàng, họ cũng phải từ bỏ thân phận hoàng gia khi kết hôn. Vì vậy, công chúa Mako sẽ trở thành thường dân sau khi cử hành đám cưới.
Nội các Nhật Bản dự kiến đưa ra dự luật mới vào ngày 19/5 để cho phép Nhật hoàng Akihito, 83 tuổi, thoái vị sau khi ông công bố ý nguyện vào tháng 8 với lý do tuổi tác. Dự luật này sẽ cần được Quốc hội Nhật thông qua.
Trong bối cảnh đó, nhiều người Nhật cũng gợi ý đã đến lúc xem xét lại luật để cho phép phụ nữ và con của phụ nữ hoàng tộc được thừa kế ngai vàng, theo NYTimes.
Hoàng gia Nhật chỉ có 5 nam giới, tính cả Nhật hoàng và em trai Nhật hoàng. Với số thành viên nam giới nhỏ như vậy, họ đang dần phải đối mặt với cuộc khủng hoảng người kế vị và sự thu nhỏ của hoàng tộc.
Công chúng Nhật nhìn chung ủng hộ việc cho phép phụ nữ kế vị. Trong một cuộc thăm dò của Kyodo News vào tháng này, 86% số người được hỏi nói rằng họ chấp nhận thay đổi đó. Gần hai phần ba số người được hỏi cho rằng con trai hay con gái của phụ nữ hoàng gia cũng nên được nằm trong danh sách kế vị.
Theo pháp luật hiện hành, ngay cả khi công chúa được phép giữ thân phận sau khi kết hôn thì con của cô, kể cả con trai, cũng sẽ không nằm trong danh sách kế vị.
Hiện chỉ có ba người nằm trong danh sách nối ngôi Nhật hoàng là Thái tử Naruhito, 57 tuổi, sau ông là em trai, Hoàng tử Akishino, 51 tuổi (vì Thái tử không có con trai) và tiếp đến là con của Hoàng tử Akishino - Hoàng tử Hisahito, 10 tuổi. Hoàng tử Hisahito là cậu bé duy nhất trong hoàng gia Nhật Bản.
Gia đình hoàng tộc Nhật Bản. Ảnh: Reuters |
Các nhà quan sát hoàng tộc Nhật Bản nói rằng cần cải cách luật để cho phép có nhiều người được quyền kế vị hơn.
"Chúng ta đều biết rằng với việc Công chúa Mako đính hôn, hoàng gia sẽ mất đi một người", Isao Tokoro, giáo sư danh dự về lịch sử pháp lý tại Đại học Kyoto Sangyo, nói. "Việc cấp bách bây giờ là cải cách hệ thống để thành viên nữ vẫn được giữ thân phận. Nếu không, chúng ta sẽ mất ngày càng nhiều thành viên hoàng gia hơn".
Hidehiko Kasahara, giáo sư Đại học Keio, cho rằng nếu giữ nguyên hệ thống hiện nay, hoàng gia Nhật Bản đến lúc nào đó có thể phải đối mặt với rủi ro là Hoàng tử Hisahito sẽ là người duy nhất có thể kế vị.
12 năm trước, Công chúa Sayako, hiện 48 tuổi, con gái duy nhất của Nhật hoàng Akihito, đã kết hôn với một thường dân và rời khỏi hoàng gia. Bà cũng từ bỏ trợ cấp hoàng gia nhưng được quyền bỏ phiếu và phải đóng thuế. Công chúa Mako, người có bằng thạc sĩ từ Đại học Leicester ở Anh, cũng sẽ có những quyền đó khi kết hôn với Komuro.
Những người ủng hộ bảo thủ của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe kiên quyết phản đối việc cho phép phụ nữ thừa kế ngai vàng. Trong khi đó, đảng Dân chủ đối lập có ý kiến trái ngược và kêu gọi cải cách luật.
Các nhà phân tích nói rằng sự im lặng của ông Abe đối với vấn đề nữ giới trong hoàng gia là đáng chú ý vì ông vốn là người thúc đẩy bình đẳng cho phụ nữ.
"Ông Abe đã cố gắng thể hiện mình là người thúc đẩy việc trao quyền cho phụ nữ", Jeff Kingston, giám đốc nghiên cứu châu Á tại Đại học Temple ở Tokyo, nói. "Đây là cơ hội để ông ấy tiếp tục thúc đẩy điều đó nhưng thay vì làm vậy, ông lại tránh đưa ra quyết định. Ông ấy cảm thấy rằng đây là một bước quá xa, vì vậy, rõ ràng là có rào cản vô hình khi xem xét các vấn đề của hoàng tộc".