Cuộc chiến khí đốt của châu Âu

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Trước khi Tổng thống Vladimir Putin phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine, phương Tây đã công bố các biện pháp trừng phạt kinh tế nghiêm ngặt đối với Nga, bao gồm cả lĩnh vực năng lượng của nước này.
Cuộc chiến khí đốt của châu Âu

Về phần mình, Đức đã chính thức đình chỉ việc phê duyệt đường ống khí đốt Nord Stream 2 mới, thuộc sở hữu của công ty khí đốt quốc doanh của Nga, được thiết kế để cung cấp khí đốt của Nga cho Đức. Câu hỏi bây giờ là liệu Moscow sẽ đáp trả như thế nào và bằng cách nào. Trên khắp cựu lục địa, có một nỗi lo sợ ngày càng tăng về việc Nga có thể tấn công lại châu Âu, bằng cách đơn giản nhất: cắt đứt nguồn cung khí đốt tự nhiên.

Đối với nhiều quốc gia châu Âu, việc không có khí đốt của Nga tương tự như một thảm họa an ninh lương thực. Châu Âu nhập khẩu 40% khí đốt tự nhiên từ Nga, và nhiều quốc gia có tiếp xúc thương mại và đầu tư đáng kể với các thị trường Nga. Mỗi quốc gia châu Âu lại có mối quan hệ kinh tế và năng lượng với Nga khác nhau. Điện Kremlin chắc chắn sẽ cố gắng khai thác những khác biệt này để gây mất đoàn kết trong nội bộ Liên minh châu Âu (EU).

Chẳng hạn, nếu Nga có thể sử dụng đòn bẩy năng lượng của mình để thuyết phục Đức hoặc Ý từ bỏ ủng hộ các biện pháp trừng phạt cứng rắn nhất, thì Moscow có thể giảm tải ít nhiều những tác động của làn sóng trừng phạt kinh tế.

Nhưng sự thành công của chiến lược này không được định trước. Với ý định buộc Moscow phải chịu trách nhiệm về việc đưa quân sang Ukrainie, các quốc gia châu Âu cần thống nhất tư tưởng với nhau. Để làm được như vậy, EU sẽ phải củng cố những thành viên dễ bị Nga dụ dỗ nhất và có khả năng suy nghĩ lại về cấu trúc của các thị trường năng lượng châu Âu.

Chia để trị

Về lý thuyết, EU có lợi thế đáng kể trong mối quan hệ kinh tế với Nga. Một nửa hoạt động xuất khẩu của Nga phụ thuộc vào các thị trường châu Âu, trong khi tỉ trọng của Liên minh châu Âu chỉ là 5%. Sự chênh lệch này phản ánh sự khác biệt về quy mô, nền kinh tế của Liên minh Châu Âu lớn hơn gấp 10 lần so với Nga, và sự khác biệt về mức độ tiếp xúc với thương mại quốc tế.

Nga không hội nhập tốt với nền kinh tế toàn cầu và mặc dù có dư luận xung quanh mối quan hệ ngày càng gia tăng giữa Bắc Kinh và Moscow, nước này sẽ gặp khó khăn trong việc thay thế doanh thu xuất khẩu bị mất của EU bằng doanh thu từ thị trường Trung Quốc.

Ngược lại, không quốc gia EU nào xuất khẩu hơn 20% hàng hóa của mình sang Nga. Mặc dù Bulgaria, Estonia và Lithuania chịu nhiều cú sốc thương mại nhất, nhưng xuất khẩu của 3 quốc gia này sang Nga chỉ chiếm lần lượt 3 và 6% GDP. Nga thậm chí còn ít quan trọng hơn đối với các nền kinh tế lớn như Pháp, Đức và Ý, thị trường vốn chỉ chiếm từ 1-2% tổng kim ngạch xuất khẩu của 3 nước. Do đó, bất kỳ biện pháp đáp trả nào của Nga nhắm vào hàng nhập khẩu của EU sẽ chỉ có tác động nhẹ.

Tuy nhiên, năng lượng là một câu chuyện khác. Khí đốt tự nhiên từ lâu đã được công nhận là đòn bẩy kinh tế mạnh mẽ nhất của Nga ở châu Âu, bất chấp những nỗ lực của EU nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung của Nga. Khả năng của Moscow trong việc khai thác sự phụ thuộc đó có thể tình hình trầm trọng hơn do sự chênh lệch lớn giữa các nhu cầu của các quốc gia thành viên EU.

Bỉ, Pháp và Hà Lan nhập khẩu ít hơn 10% lượng khí đốt tự nhiên của họ từ Nga, trong khi Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha không nhập khẩu. Ngược lại, một nửa lượng khí đốt tự nhiên nhập khẩu của Đức phụ thuộc vào Nga, trong khi con số này của Ý là khoảng 40%. Đối với Áo, Hungary, Slovenia và Slovakia, con số này là khoảng 60% và đối với Ba Lan là 80%. Bulgaria hoàn toàn dựa vào Nga để cung cấp toàn bộ khí đốt tự nhiên.

Sự chênh lệch về mức tiêu thụ năng lượng này thể hiện một lợi thế khổng lồ cho Tổng thống Putin, vì các nước EU phụ thuộc nhiều vào khí đốt của Nga có thể không muốn ủng hộ các biện pháp trừng phạt chống Nga mạnh mẽ hơn, vì lo ngại rằng Moscow có thể làm gián đoạn hoặc cắt nguồn cung cấp khí đốt của họ để trả đũa. Chẳng hạn, những lo ngại này có thể giải thích cho sự phản đối ban đầu của Đức và Ý đối với việc đình chỉ quyền truy cập của Nga vào hệ thống thanh toán liên ngân hàng toàn cầu SWIFT.

Tuy nhiên, ngay cả những nước châu Âu tiếp xúc nhiều nhất cũng có những lựa chọn thay thế cho nguồn cung cấp năng lượng của Nga. Nếu Nga ngắt đường ống khí đốt, EU có thể cùng nhau đối phó - ít nhất là trong một thời gian.

Dự trữ khí đốt thương mại của Ccâu Âu đã đầy khoảng 30% và một số nước cũng có trữ lượng khí đốt chiến lược. Thông qua việc tăng nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng và cắt giảm khí công nghiệp, hầu hết các nước châu Âu có thể bám trụ đến mùa thu năm 2022 mà không rơi vào cảnh thiếu hụt nghiêm trọng. Nhưng các quốc gia như Bulgaria và Ba Lan vốn phụ thuộc nhiều vào khí đốt của Nga và kết nối kém với các nước láng giềng phía tây của họ sẽ cần phải giảm đáng kể nhu cầu khí đốt để kiểm soát tình hình.

Tuy nhiên, những biện pháp chữa cháy như vậy sẽ khiến giá năng lượng ở châu Âu tăng vọt, làm trầm trọng thêm một cuộc khủng hoảng vốn đã đang diễn ra. Chỉ riêng vào ngày 24/2, khi quân đội Nga vượt qua biên giới Ukraine, giá khí đốt trên toàn lục địa đã tăng 60%. Các nước châu Âu có thể nhanh chóng chứng kiến ​​đà phục hồi kinh tế sau COVID-19 của họ bị trật bánh khi giá khí đốt tăng cao dẫn đến chi phí điện tăng, qua đó thúc đẩy lạm phát và làm xói mòn sức mua hộ gia đình và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, vượt qua mùa đông hiện tại mà không cần nhập khẩu khí đốt của Nga là một chuyện. Sẽ khó khăn hơn nhiều để điều hành nền kinh tế châu Âu trong vài năm mà không có khí đốt của Nga.

Về nguồn cung, một số quốc gia có thể tăng khả năng nhập khẩu dự phòng từ Qatar và Mỹ. Các đồng minh như Nhật Bản và Hàn Quốc cũng có thể chia sẻ cho châu Âu. Nhưng việc thay thế hoàn toàn khí đốt của Nga sẽ rất tốn kém và gần như là nhiệm vụ bất khả thi. Các thị trường khí đốt toàn cầu và các nhà cung cấp đường ống khác của châu Âu như Algeria và Na Uy đã và đang sản xuất và xuất khẩu hết công suất. Hơn nữa, các hợp đồng dài hạn có khả năng hạn chế khối lượng khí đốt mà các công ty có thể chuyển hướng sang châu Âu, ngay cả khi giá cả tại châu Âu tăng.

Chủ động đối phó với những thách thức này phải là ưu tiên hàng đầu của châu Âu nếu muốn duy trì các biện pháp trừng phạt lâu dài đối với Nga. Để trừng phạt Nga, các nước EU sẽ phải hy sinh một loạt các lĩnh vực như chính trị, môi trường và xã hội. Ví dụ, ở Hà Lan, sản lượng khí đốt tự nhiên tăng sẽ gây ra sự gia tăng hoạt động địa chấn xung quanh mỏ khí đốt lớn nhất của nước này, một yếu tố từng khiến chính quyền Amsterdam hạn chế sản lượng. Liệu các hộ gia đình Hà Lan có chấp nhận điều đó như một hệ quả của việc tiếp cận nhiều hơn với khí đốt?

Đức có nên vận hành các nhà máy hạt nhân lâu hơn và thậm chí khởi động lại một số nhà máy than non vốn gây ô nhiễm? Điều gì sẽ xảy ra để Pháp chấp nhận các đường dẫn điện và khí đốt hơn qua dãy núi Pyrenees, giúp phần còn lại của châu Âu tiếp cận với nguồn cung từ Tây Ban Nha? Và người dân Ý hoặc Đông Âu sẽ phải xoay sở thế nào khi hóa đơn tiền điện và khí đốt tăng phi mã?

Một cuộc chiến trường kỳ

Nếu EU hy vọng duy trì các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ và sâu rộng khi đối mặt với các biện pháp đối phó kinh tế của Nga, thì họ cần chuẩn bị cho một cuộc chiến lâu dài. Rốt cuộc, để các lệnh trừng phạt Nga đạt được hiệu quả, châu Âu sẽ phải giữ chúng trong vài năm. Các biện pháp giới hạn thời gian có thể gây tổn thất cho một số bộ phận trong xã hội Nga ,nhưng không có khả năng thay đổi cơ bản tính toán của chính quyền Moscow.

Châu Âu và Mỹ không nên đánh giá thấp thách thức của việc duy trì các biện pháp trừng phạt trên diện rộng như vậy. Mặc dù sự ủng hộ chính trị sẽ tăng cao ngay sau chiến dịch quân sự của Nga, nhưng việc đóng băng tài sản, loại trừ Nga khỏi hệ thống tài chính phương Tây trong thời gian dài và bất kỳ biện pháp đối phó nào từ Moscow cuối cùng đều sẽ ảnh hưởng đến các lợi ích cụ thể trên toàn châu Âu.

Ngoài tác động kinh tế tức thì đối với các cá nhân, thì những doanh nghiệp xuất khẩu sang Nga sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, cũng như các ngân hàng có liên hệ sâu rộng với với thị trường tài chính Nga. Việc áp dụng các lệnh trừng phạt mới càng sâu rộng và kéo dài càng lâu thì cơ hội thành công của chiến lược chia để trị của Nga càng lớn.

Để tránh rủi ro này và đảm bảo rằng EU duy trì sự thống nhất của mình, châu Âu cần áp dụng một chiến lược năng lượng toàn diện. Phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich gần đây, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cho biết Berlin sẽ sẵn sàng trả một "cái giá kinh tế cao" cho hòa bình ở Ukraine, quan điểm này được đón nhận tích cực, nhưng vẫn là chưa đủ.

Thay vào đó, Brussels cần một cách tiếp cận có hệ thống để đảm bảo rằng tất cả các nhu cầu năng lượng của các quốc gia thành viên có thể được đáp ứng, bao gồm cả những quốc gia đã bày tỏ lo ngại về các lệnh trừng phạt, để đổi lấy sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho các phản ứng chung của EU đối với Nga.

Trên hết, EU trước tiên cần tiến hành đánh giá chi tiết về mức độ dễ bị tổn thương của các quốc gia thành viên và các công ty trước sức ép của Nga. Đặc biệt, các chính phủ nên lập danh mục các lựa chọn có sẵn để giảm sự phụ thuộc của họ vào khí đốt của Nga và sự tiếp xúc của khu vực tư nhân với thị trường Nga.

Bằng cách đó, các chính phủ cũng như EU có thể bắt đầu hiểu được các điểm yếu mà Nga có thể tận dụng để làm suy yếu làn sóng trừng phạt. Các chính phủ cần một bức tranh chi tiết về lợi ích của họ để bảo vệ chúng một cách thích hợp.

Mặc dù nói thì dễ hơn làm, các chính phủ châu Âu cũng cần giảm sự phụ thuộc năng lượng vào Nga. Trước mắt, điều đó có nghĩa là các nước có nhiều khí đốt hơn như Pháp hay Hà Lan phải chia sẻ với các nước đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt như Áo và Đức.

Các quốc gia cũng nên tìm hiểu các hợp đồng dài hạn mới với các nhà cung cấp khí đốt để tăng thêm sự linh hoạt cho thị trường châu Âu. Các chính phủ cũng sẽ cần khuyến khích các công ty khí đốt nạp lại các cơ sở lưu trữ của họ trong những tháng mùa xuân và mùa hè, bất chấp giá cao.

Các quốc gia có thể khuyến khích dự trữ thông qua các quy định và cuối cùng là hỗ trợ tài chính. Về dài hạn, cuộc khủng hoảng hiện tại sẽ thúc đẩy các quốc gia châu Âu tăng tốc đầu tư vào năng lượng tái tạo và các kỹ thuật cách nhiệt tốt hơn. Mặc dù những biện pháp này sẽ không thay thế được khí đốt của Nga trong thời gian tới, nhưng chúng có thể mang lại những kết quả quan trọng trong 5 đến 10 năm.

Để hoàn thành bất kỳ mục tiêu nào trong số này, EU sẽ cần phát triển một định dạng mang tính xây dựng để quyết định cách mỗi quốc gia phải đóng góp như thế nào. Các chính phủ châu Âu sẽ phải đối mặt với một loạt thách thức chính trị khó khăn trong vài tháng tới, và hỗ trợ lẫn nhau là cách duy nhất để vượt qua cuộc khủng hoảng. Một lựa chọn khả dĩ là tổ chức cuộc họp hội đồng thường kỳ gồm các bộ trưởng năng lượng để quyết định các phản ứng tức thì đối với tình trạng thiếu năng lượng tiềm ẩn.

Cuối cùng, EU nên thành lập một quỹ chuyên dụng để bồi thường cho các quốc gia, khu vực hoặc lĩnh vực cụ thể hứng chịu những thiệt hại tài chính do các lệnh trừng phạt Nga gây ra. Một cơ chế tài chính như vậy sẽ xóa bỏ các điểm yếu của từng quốc gia và giúp châu Âu duy trì sự thống nhất về chính trị của mình.

Các nhà lãnh đạo châu Âu biết rằng Nga sẽ cố gắng chia rẽ và làm suy yếu phản ứng của EU đối với chiến dịch quân sự tại Ukraine. Châu Âu phải đương đầu với thách thức và đưa ra câu trả lời rõ ràng cho chiến lược chia để trị của Moscow.

Với những bước đi đúng đắn, Brussels có thể thực hiện một chiến lược như vậy một cách nhanh chóng và khả thi về mặt kinh tế. Nhưng nó sẽ cần phải hành động nhanh chóng. Nếu không làm được như vậy, EU có thể đối mặt với một cuộc khủng hoảng năng lượng ngày càng gia tăng, khiến Moscow có thêm động lực để đe dọa các nguồn cung cấp năng lượng của thế giới.

Theo Foreign Affairs
Nhóm nhạc BTS tích cực quảng bá văn hóa Hàn Quốc. Ảnh: Bighit Entertainment
Giới trẻ châu Á kể chuyện văn hóa dân tộc
(Ngày Nay) - Người trẻ châu Á ngày nay không chỉ năng động, sáng tạo mà còn luôn ý thức gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Họ đang thổi bùng sức sống mới cho văn hóa truyền thống bằng những cách thức độc đáo và đầy cảm hứng.
Ảnh minh họa
Công an Hà Nội cảnh báo 24 thủ đoạn sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm tài sản
(Ngày Nay) - Theo Công an TP Hà Nội, tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản vẫn diễn biến phức tạp, các đối tượng thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn hoạt động, lợi dụng không gian mạng để thực hiện hành vi phạm tội, gây thiệt hại đặc biệt lớn về kinh tế-xã hội.
Tầng lớp tỷ phú, giàu có tìm nơi tận hưởng cuộc sống “xa xỉ thầm lặng”
Tầng lớp tỷ phú, giàu có tìm nơi tận hưởng cuộc sống “xa xỉ thầm lặng”
(Ngày Nay) -  “Quiet luxury” - sự xa xỉ thầm lặng đang phát triển thành xu hướng sống, phong cách tận hưởng mới của giới thượng lưu. Bắt nguồn từ thời trang, xu hướng này “lấn sân” sang lĩnh vực bất động sản và được giới nhà giàu ưa chuộng. Điều này lý giải vì sao phân khu The Miyabi (thuộc Thành phố đảo Hoàng Gia - Vinhomes Royal Island) được săn đón ngay khi vừa ra mắt .
Ảnh minh họa
WHO ra mắt mạng lưới toàn cầu mới giám sát virus corona
(Ngày Nay) -  Ngày 27/3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ra mắt mạng lưới toàn cầu mới về virus corona CoViNet để phát hiện, theo dõi và đánh giá sớm cũng như chính xác các virus SARS-CoV-2, MERS-CoV và các chủng virus corona mới đe dọa nghiêm trọng sức khỏe cộng đồng.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng
Việt Nam hoan nghênh Nghị quyết về việc ngừng bắn tại Dải Gaza
(Ngày Nay) - Ngày 27/3, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết 2728 về việc ngừng bắn tại Dải Gaza, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng khẳng định: