Cuộc đàm phán bí mật trao trả Hong Kong cho Trung Quốc

(Ngày Nay) - London đã đàm phán bí mật trong hai năm với Bắc Kinh để quyết định tương lai của Hong Kong khi thỏa thuận thuê đất hết hạn. 
Cuộc đàm phán bí mật trao trả Hong Kong cho Trung Quốc

Ngày 19/12/1984, những người đứng sau Thủ tướng Anh Margaret Thatcher và Thủ tướng Trung Quốc Triệu Tử Dương đồng loạt vỗ tay khi hai nhà lãnh đạo ký vào văn kiện lớn bọc bìa đỏ và bắt tay nhau qua chiếc bàn phủ lụa xanh, theo CNN.

Văn kiện mang tên Tuyên bố chung Trung - Anh đó chấm dứt hơn 150 năm người Anh cai trị Hong Kong, vạch ra lộ trình để Trung Quốc tiếp quản thành phố này từ ngày 1/7/1997. Đây là kết quả của một loạt cuộc đàm phán bí mật có ảnh hưởng sâu sắc đến tương lai Hong Kong.

Lãnh thổ theo hiệp ước

Việc triều đình Mãn Thanh phản đối hoạt động tự do buôn bán thuốc phiện của thực dân Anh từ Ấn Độ sang Trung Quốc đã châm ngòi cho cuộc chiến tranh thuốc phiện giữa hai bên. Sau khi thực dân Anh đánh bại triều đình nhà Thanh trong chiến tranh thuốc phiện lần thứ nhất và thứ hai năm 1842 và 1860, lãnh thổ Hong Kong và Cửu Long được trao cho người Anh cai quản theo điều ước Nam Kinh và điều ước Bắc Kinh.

Đến năm 1898, London ký hiệp định về mở rộng chỉ giới Hong Kong với nhà Thanh, cho phép họ thuê lại đảo Lạn Đầu và các vùng lãnh thổ xung quanh, tạo thành Tân Giới rộng lớn hơn đặt dưới sự cai trị của người Anh, đồng thời cam kết sẽ trao trả lại cho Trung Quốc sau 99 năm. Thỏa thuận thuê lãnh thổ này hết hạn vào ngày 30/6/1997.

"Trong bất cứ trường hợp nào, chúng ta chỉ có thể duy trì quyền chủ quyền đối với Tân Giới tới năm 1997 và lãnh thổ này không thể có chủ quyền của riêng mình", Bộ Ngoại giao Anh cảnh báo Thủ tướng Thatcher trong một bản ghi nhớ năm 1982.

Theo các hiệp ước này, Anh chỉ phải trả lại khu Tân Giới cho Trung Quốc sau 99 năm, còn đảo Hong Kong và bán đảo Cửu Long vẫn thuộc về Anh. Tuy nhiên, sau hàng thập kỷ phát triển, Hong Kong, Cửu Long và Tân Giới gần như đã hợp thành một, đặc biệt là về mặt kinh tế với các dự án đầu tư đan xen giữa ba khu vực. Việc chia cắt Tân Giới ra khỏi hai khu vực còn lại không hề có tính thực tiễn. 

Trong hồi ký của mình, David Akers-Jones, toàn quyền Hong Kong giai đoạn 1985-1987, viết rằng sau Thế chiến II, khi Đế quốc Anh dần sụp đổ, "người Hong Kong nhận ra rằng tương lai của họ sẽ tiếp tục bất định cho đến khi biết được điều gì sẽ xảy ra khi thỏa thuận thuê đất của thuộc địa Tân Giới hết hạn".

Khi đó, Hong Kong chắc chắn sẽ không được độc lập như phần lớn các thuộc địa Anh khác. Sau khi tham gia Liên Hợp Quốc vào năm 1971, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã thành công trong việc vận động đưa Hong Kong cùng Macau ra khỏi danh sách các lãnh thổ "không tự trị", vốn là điều kiện để họ có thể hưởng độc lập hoàn toàn.

Đàm phán bí mật

Năm 1982, bà Thatcher trở thành thủ tướng Anh đầu tiên tới thăm Trung Quốc và chính thức khởi động các cuộc đàm phán về tương lai của Hong Kong. Ban đầu, London hy vọng có thể duy trì quyền kiểm soát đáng kể đối với thành phố, ngay cả khi trả lại chủ quyền hợp pháp cho Trung Quốc.

Trong các cuộc thảo luận bí mật trong nội các của bà Thatcher, có một số ý kiến cho rằng thỏa thuận thuê Tân Giới có thể được chuyển đổi thành hiệp định vô thời hạn nhằm "tạo điều kiện cho chính quyền Anh tiếp tục sau năm 1997 nếu người Trung Quốc mong muốn", nhưng đề xuất này bị phía Bắc Kinh coi là "không cần thiết và không phù hợp".

Khi bà Thatcher chuẩn bị tới Bắc Kinh 3 năm sau đó, một tài liệu được chuẩn bị cho bà có đoạn "có sự kỳ vọng rất lớn rằng tương lai của Hong Kong sẽ được thảo luận, nếu chưa được quyết định" trong chuyến thăm này.

Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Anh vẫn giữ quan điểm rằng chính quyền Anh sẽ vẫn tiếp tục được duy trì ở Hong Kong. "Lòng tin ở lãnh thổ này, đặc biệt là của các nhà đầu tư, chỉ được duy trì nếu quyền tự trị được đảm bảo bởi một chính quyền tiếp tục chính sách tương tự, chẳng hạn như thông qua người Anh", một bản ghi nhớ tháng 3/1982 có đoạn.

Trong các cuộc thảo luận này, mối quan tâm lớn nhất là duy trì "lòng tin" của thị trường ở Hong Kong và tránh tình cảnh như ở quần đảo Falklands, nơi chiến tranh đã nổ ra giữa Anh và Argentina năm 1982.

Emily Lau, cựu chủ tịch đảng Dân chủ Hong Kong, nói rằng người dân thành phố này nhận ra "tất cả những gì người Anh quan tâm chỉ là thương mại, quyền lợi của người Hong Kong chỉ là thứ yếu".

Lau cho rằng người Hong Kong "không được đóng vai trò gì" trong quá trình đàm phán chuyển giao vùng lãnh thổ, tất cả những gì họ có thể làm là thảo ra Luật Cơ bản, đóng vai trò như một "tiểu hiến pháp" của Hong Kong sau khi quá trình chuyển giao hoàn tất.

"Chính phủ Anh và Trung Quốc đã cùng quyết định áp đặt thỏa thuận của họ lên lãnh thổ này và không muốn sửa đổi nó", sử gia Ian Scott cho biết. Những nỗ lực cuối cùng của các nghị sĩ Hong Kong năm 1983 nhằm thể hiện quan điểm của mình đối với quá trình chuyển giao này không thu được bất cứ kết quả nào.

Cả Trung Quốc và Anh đều mời người dân Hong Kong thể hiện quan điểm về thỏa thuận chuyển giao, thế nhưng tất cả những gì diễn ra trên bàn đàm phán đều được giữ bí mật. "Người dân làm sao có thể trình bày ý kiến khi họ biết rất ít hoặc không biết gì về những điều đang diễn ra", nghị sĩ Wong Lam đặt câu hỏi trong phiên họp nghị viện Hong Kong tháng 3/1984.

Cuộc đàm phán bí mật trao trả Hong Kong cho Trung Quốc ảnh 1 Quá trình mở rộng của Hong Kong qua các thời kỳ. Đồ họa: CNN.

Tuy nhiên, các tài liệu giải mật cho thấy một số quan chức Anh đã tìm cách trao nhiều quyền hơn cho Hong Kong trong quá trình đàm phán nhưng không thành.

Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai từng nói với các quan chức Anh năm 1958 rằng việc cho phép người dân Hong Kong tự quản sẽ là "hành động rất không thiện chí". 

Một đất nước, hai chế độ

Đến tháng 4/1982, địa vị pháp lý tương lai của Hong Kong bắt đầu được định hình. Trong cuộc gặp giữa cựu tướng Anh Edward Heath và nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình, ông Đặng nói rằng hiến pháp mới của Trung Quốc sẽ "cho phép tạo ra các đặc khu hành chính" nơi hệ thống kinh tế và luật pháp khác biệt được áp dụng.

"Ông Heath nói rằng người Anh không nhận được gì từ Hong Kong và đề nghị rằng Anh quản lý Hong Kong vì lợi ích của Trung Quốc và nhân loại", đại sứ Anh tại Trung Quốc Percy Cradock viết trong bản ghi nhớ bí mật gửi cho bà Thatcher.

Cũng trong khoảng thời gian này, ông Đặng đưa ra nguyên tắc quản lý Hong Kong theo mô hình "một đất nước, hai chế độ", trong đó Hong Kong được phép duy trì nền kinh tế "tư bản" và những quyền tự do dân chủ có giới hạn, nhưng chủ quyền của thành phố sẽ thuộc về Trung Quốc.

Cuộc đàm phán bí mật trao trả Hong Kong cho Trung Quốc ảnh 2 Quan chức Anh và Trung Quốc trong lễ trao trả Hong Kong năm 1997. Ảnh: CNN.

Ngày 23/9/1982, bà Thatcher gặp ông Triệu Tử Dương tại Đại Lễ đường Nhân dân Bắc Kinh, trong đó ông Triệu nói rằng nếu phải lựa chọn giữa chủ quyền và sự thịnh vượng của Hong Kong, "Trung Quốc sẽ đặt chủ quyền lên trên thịnh vượng và ổn định".

Khi gặp bà Thatcher vào ngày hôm sau, ông Đặng Tiểu Bình cảnh báo rằng "trong chưa đầy một hoặc hai năm tới, chính phủ Trung Quốc sẽ chính thức tuyên bố quyết định thu hồi Hong Kong".

Các cuộc đàm phán vẫn tiếp diễn sau khi bà Thatcher rời Bắc Kinh với kết quả là Tuyên bố chung Trung – Anh được lãnh đạo hai nước ký vào ngày 19/12/1984. Theo thỏa thuận này, đặc khu hành chính Hong Kong trong 50 năm sau ngày trao trả vẫn được hưởng quyền tự trị cao, gồm quyền có hệ thống tư pháp riêng, duy trì nhiều đảng phái chính trị cũng như quyền tự do ngôn luận và lập hội, tuy nhiên các vấn đề đối ngoại và quốc phòng phải do Trung Quốc định đoạt.

Thỏa thuận này sẽ hết hiệu lực vào năm 2047. Trong khi một số nhà quan sát kỳ vọng rằng Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục duy trì tình trạng tự trị và Luật Cơ bản hiện nay cho Hong Kong, nhiều người dự đoán đặc khu hành chính này sẽ mất địa vị đặc biệt của mình và trở thành một tỉnh bình thường của Trung Quốc khi thỏa thuận hết hạn.

Theo Vnexpress
Ảnh minh họa
Hành trình “Theo dấu chân Người” ý nghĩa trong tháng 5
(Ngày Nay) -  “Theo dấu chân Người” là chủ đề chuỗi hoạt động tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam trong tháng 5/2024, hướng tới kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890- 19/5/2024); 70 năm Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024); 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh, Ngày Truyền thống bộ đội Trường Sơn (19/5/1959-19/5/2024).
Bệnh viện Chợ Rẫy cảnh báo chiêu dùng thuốc an thần để chiếm đoạt tài sản
Bệnh viện Chợ Rẫy cảnh báo chiêu dùng thuốc an thần để chiếm đoạt tài sản
(Ngày Nay) - Mới đây, Bệnh viện Chợ Rẫy phối hợp với Công an Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh bắt giữ một trường hợp có hành vi chiếm đoạt tài sản của thân nhân, bệnh nhân đi khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Chiêu thức của đối tượng phạm tội là mời nạn nhân sử dụng nước uống, thức ăn có chứa thuốc an thần.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson phát biểu bên ngoài Đại học Columbia.
Hạ viện Mỹ thông qua dự luật chống bài Do Thái
(Ngày Nay) - Với 320 phiếu thuận và 91 phiếu chống, Hạ viện Mỹ ngày 2/5 đã thông qua dự luật chống bài Do Thái trong bối cảnh xảy ra làn sóng biểu tình bất ổn tại nhiều trường đại học trên khắp nước Mỹ.
Vẻ đẹp diệu kỳ của hoa diên vĩ trong nghệ thuật kính màu Tiffany. Ảnh: The Lamps of Louis Comfort Tiffany
Vẻ đẹp diệu kỳ của hoa diên vĩ trong nghệ thuật kính màu Tiffany
(Ngày Nay) - Đèn lồng Iris là một kiệt tác nghệ thuật đèn kính màu Tiffany, ẩn chứa trong mình vẻ đẹp tinh tế và bí ẩn. Nổi bật với hình ảnh hoa diên vĩ rực rỡ trên nền trời xanh, tác phẩm này thu hút sự chú ý của nhiều người yêu thích nghệ thuật trang trí trên toàn thế giới.
VIB bị tố làm giả hồ sơ vay?
VIB bị tố làm giả hồ sơ vay?
(Ngày Nay) - Ông Trần Vũ Xuân Lâm (SN 1984, ở Q.Bình Thạnh) thế chấp giấy tờ nhà vay hai khoản tổng cộng 4,475 tỷ đồng tại Ngân hàng Quốc tế VIB. Nhiều lần nhận thấy bất thường trong cách thu nợ tự động nên ông đề nghị cung cấp sổ sách chi tiết tín dụng để đối chiếu và tất toán nhận lại sổ đỏ nhưng không được đáp ứng dẫn đến nợ xấu và phát sinh nhiều vấn đề.
Ảnh minh họa
Khu vực Hà Nội, ngày có mưa vài nơi
(Ngày Nay) -  Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hiện qua phân tích trên ảnh mây vệ tinh, ảnh rada thời tiết và số liệu định vị sét cho thấy vùng mây đối lưu đang phát triển và gây mưa cho các quận, huyện: Chương Mỹ, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Thường Tín, Thanh Oai.
Ảnh minh họa
Thí sinh chính thức đăng ký dự thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2024 từ ngày 2/5
(Ngày Nay) - Từ ngày mai (2/5), các thí sinh đang học lớp 12 sẽ bắt đầu đăng ký dự thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2024 theo hình thức trực tuyến. Thí sinh tự do đăng ký thi bằng hình thức trực tiếp tại các đơn vị do Sở Giáo dục và Đào tạo quy định. Thời gian đăng ký dự thi đến 17 giờ ngày 10/5/2024.
Ảnh minh họa
Các cơ sở y tế khám, cấp cứu gần 964.700 bệnh nhân trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5
(Ngày Nay) - Chiều 1/5, thông tin từ Bộ Y tế cho biết, theo số liệu tổng hợp từ báo cáo của các cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế, 63 Sở Y tế các tỉnh, thành phố và y tế ngành trên toàn quốc trong kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 (từ ngày 27/4 đến ngày 1/5), tổng số bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh là 251.089 người.