Cuộc đua bầu cử và khủng hoảng kép ở Mỹ

Nước Mỹ đang cùng lúc phải đối mặt với quá nhiều vấn đề từ dịch Covid-19, kinh tế suy giảm cho đến làn sóng biểu tình phản đối phân biệt chủng tộc.
Tổng thống Trump và cựu Phó Tổng thống Biden. Ảnh: NBC News
Tổng thống Trump và cựu Phó Tổng thống Biden. Ảnh: NBC News

Trong các cuộc bầu cử sơ bộ tại hàng loạt bang, cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden - ứng cử viên sáng giá nhất của đảng Dân chủ, tiếp tục giành được thêm sự ủng hộ của các cử tri. Theo kết quả cuộc thăm dò mới về sự ủng hộ của cử tri của Washington Post-ABC News, ứng cử viên Joe Biden, đã tạo ra một sự cách biệt lên tới hai con số so với Tổng thống Donald Trump.

Biden đang chiếm ưu thế?

Theo kết quả thăm dò ý kiến cử tri do Washington Post và ABC News tiến hành từ ngày 25-28/5, cho thấy ông Joe Biden đang dẫn trước ông Donald Trump tới 10 điểm. Tuy nhiên, đây chỉ là lợi thế tạm thời và chưa có gì đảm bảo là ông Biden có thể giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng.

Lý do là bởi, một mặt ông Trump vẫn duy trì được sự ủng hộ của những cử tri trung thành, mặt khác 87% cử tri nghiêng về ông Trump khẳng định sẽ bỏ phiếu cho ứng cử viên của đảng Cộng hòa, trong khi nhóm cử tri tương tự sẽ bỏ phiếu cho ông Biden là 68%.

Theo kết quả thăm dò cập nhật đến ngày 3/6 của hãng CNBC tại 6 “bang chiến trường”, gồm Florida, Pennsylvania, Michigan, Wisconsin, Arizona và North Carolina, tỉ lệ ủng hộ dành cho ông Biden và ông Trump chỉ chênh nhau tối đa 4% và thậm chí là cân bằng. Trong khi kết quả thống kê trung bình các cuộc thăm dò dư luận trên toàn quốc của Real Clear Politics, cho thấy tỉ lệ ủng hộ dành cho hai ứng cử viên là 49,3% và 41,3%, tức ông Biden đang dẫn trước ông Trump 8 điểm.

Tuy nhiên, tỉ lệ ủng hộ dành cho hai ứng cử viên chắc chắn sẽ còn thay đổi theo từng tuần, từng tháng. Ứng cử viên nào giành chiến thắng tại 6 bang chiến trường nêu trên sẽ quyết định “tấm vé” trở thành chủ nhân Nhà Trắng vào ngày 20/1/2021.

Tác động của Covid-19 và biểu tình tới cuộc đua bầu cử Mỹ

Thời điểm này, nước Mỹ đang cùng lúc phải đối mặt với quá nhiều vấn đề từ dịch Covid-19, kinh tế suy giảm cho đến làn sóng biểu tình phản đối phân biệt chủng tộc. 

Đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại Mỹ từ nửa cuối tháng 3 đã gây ra một cuộc khủng hoảng y tế công cộng nghiêm trọng nhất kể từ dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918. Đại dịch Covid-19 đã khiến mọi hoạt động kinh tế-thương mại, chính trị-xã hội, đời sống của người dân Mỹ gần như đình trệ toàn hoàn và chưa biết đến khi nào mới có thể khôi phục lại như trước khi xảy ra khủng hoảng y tế. Vì thế, chiến dịch vận động tranh cử của cả hai ứng cử viên Donald Trump và Joe Biden cũng không thể thực hiện được. 

Các cuộc mít tinh vận động tranh cử đã được lên kế hoạch ở khắp các vùng miền trên cả nước nhằm lắng nghe ý kiến của người dân và thuyết phục những cử tri còn do dự bỏ phiếu cho mình của cả hai ứng cử viên đều không thể thực hiện được. Thay vào đó là các hình thức vận động trực tuyến và quảng cáo trên các phương tiện truyền thông, song không thể mang lại hiệu ứng mong muốn như các cuộc vận động trực tiếp.

Khi dịch bệnh Covid-19 vừa bắt đầu suy giảm và các bang dần dần mở cửa lại, cái chết của người đàn ông da màu George Floyd ở thành phố Minneapolis, bang Minnesota, đã châm ngòi cho các cuộc biểu tình bạo lực xảy ra trên khắp cả nước trong suốt 8 ngày vừa qua.

Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng y tế công cộng vẫn chưa biết khi nào chấm dứt, bất ổn xã hội leo thang sau cái chết của ông Floyd càng đẩy nước Mỹ lún sâu vào khủng hoảng, thậm chí không ít người còn cảnh báo đang xảy ra một cuộc khủng hoảng kép. Chừng nào tình trạng rối loạn xã hội hiện tại chưa được hóa giải, đại dịch Covid-19 vẫn gây tổn thất lớn về sinh mạng, tiếp tục tác động tiêu cực lên nền kinh tế và cuộc sống của người dân Mỹ, chiến lược tranh cử của cả hai ứng cử viên sẽ vẫn dậm chân tại chỗ.

Chiến lược của Tổng thống Trump

Hiện còn đúng 5 tháng nữa sẽ diễn ra bầu tổng thống Mỹ theo luật định. Bối cảnh kinh tế, chính trị và xã hội đang gây bất lợi cho ông Trump trong chặng đua nước rút. Tuy nhiên, khoảng thời gian đó vẫn đủ để đội ngũ vận động tranh cử của ông Trump có thể xoay chuyển tình thế và theo tôi cá nhân ông Trump đang theo đuổi đồng thời ba chiến lược.

Thứ nhất, nỗ lực khôi phục nền kinh tế và thị trường tài chính. Bất chấp dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, kể từ nửa cuối tháng 4 ông Trump bằng cách này, cách khác đã gây sức ép với chính quyền các bang, địa phương từng bước mở cửa lại nền kinh tế của mình. Dù vẫn có phiên trồi sụt thời gian qua song thị trường chứng khoán Mỹ đã có bước hồi phục khá “ngoạn mục”. Chốt phiên giao dịch ngày 3/6, chỉ số Dow Johns đã tăng lên mức xấp xỉ 26.270 điểm, chỉ số S&P 500 lên mức hơn 3.120 điểm và chỉ số Nasdaq lên mức hơn 9.680 điểm. Nền kinh tế dần hồi phục và thị trường chứng khoán tiếp tục xu hướng tăng điểm, sẽ là yếu tác động rất lớn tới quyết định bầu cho ai của cử tri Mỹ vào ngày 3/11.

Thứ hai, đẩy mạnh công kích Chính quyền Barack Obama và trực tiếp khiến đối thủ Biden mất điểm. Ông Trump đã tận dụng tối đa mạng xã hội Twitter và các màn “độc diễn” trong cuộc họp báo hàng hàng tại Nhà Trắng từ cuối tháng 3 đến cuối tháng 4 để xoáy sâu vào những điểm mà ông cho là sai lần của chính quyền tiền nhiệm. Ông Trump còn cáo buộc Chính quyền Obama đã tận dụng những tuần cuối trong nhiệm kỳ của mình để chống phá chính quyền mới của mình. Ông Trump cũng đang tập trung công kích, gây sức ép với chính quyền các bang có thống đốc là người của đảng Dân chủ và ảnh hưởng lớn tới kết quả cuộc bầu cử sắp tới như New York, Michigan, Pennsylvania,…

Thứ ba, khai thác triệt để lá bài “Trung Quốc” vốn đang được sự ủng hộ của đông đảo cử tri Mỹ, không chỉ đảng Cộng hòa mà cả đảng Dân chủ và có quan điểm trung lập. Căng thẳng, đối đầu Mỹ-Trung hiện không chỉ dừng lại ở cuộc chiến thương mại, mà còn bị đẩy sang cuộc chiến công nghệ, truyền thông, vấn đề Hong Kong, Đài Loan và mới nhất là lĩnh vực hàng không. Hiện chưa thể biết đâu sẽ là điểm dừng./.

Theo VOV
TIN LIÊN QUAN
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.