Theo đài Sputnik (Nga), thị trường toàn cầu đã chứng kiến đợt bán tháo dường như không gì có thể ngăn nổi vào ngày 5/8 do lo ngại Mỹ có thể đang trên bờ vực suy thoái. Trong đó, thị trường chứng khoán Nhật Bản giảm xuống mức thấp nhất trong 37 năm, thị trường châu Âu lao dốc, các chỉ số tài chính ở Trung Đông cũng không thoát khỏi sự suy giảm trong bối cảnh căng thẳng Iran - Israel leo thang.
Bà Claudio Grass, chuyên gia kinh tế người Thụy Sĩ, nhận định: “Chúng ta có thể chứng kiến xu hướng rõ ràng, cụ thể là rủi ro hệ thống trong hệ thống tài chính và tiền tệ hiện tại đang gia tăng và kịch bản năm 2008 có thể lặp lại bất cứ lúc nào.Chúng ta đã chứng kiến sự suy giảm mạnh mẽ của tầng lớp trung lưu, đặc biệt là ở Mỹ và Đức trong 18 tháng qua”.
Giáo sư kinh tế Fabrizio Carmignani tại Đại học Nam Queensland của Australia chỉ ra rằng mặc dù dường như tình hình hiện tại không thể so sánh với các cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu trước đây, nhưng tình hình kinh tế toàn cầu nói chung đang suy yếu.
Bà Suranjali Tandon, trợ lý giáo sư tại Viện Chính sách và Tài chính Công Quốc gia Ấn Độ, đồng tình với quan điểm trên. Song bà cho rằng vẫn còn quá sớm để kết luận liệu suy thoái có đang diễn ra hay không.
“Mặc các dữ liệu này có thể làm giảm nhu cầu đối với cổ phiếu, nhưng nó có thể không gây ra khủng hoảng, trừ khi có sự đảo ngược lớn trong cổ phiếu của các công ty dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI)”, bà nói.
Người tiêu dùng mua hàng trong siêu thị tại Foster City, California, Mỹ ngày 11/1/2024. Ảnh: THX/TTXVN |
Cựu thống đốc Ngân hàng Trung ương Cyprus, ông Panicos Demetriades, giải thích rằng thị trường lao dốc một phần là do dữ liệu kinh tế tồi tệ hơn từ Mỹ.
“Những người tham gia thị trường lo ngại rằng các ngân hàng trung ương có thể một lần nữa đưa ra phản ứng. Họ đang quá chậm trong việc cắt giảm lãi suất trong bối cảnh điều kiện kinh tế suy yếu và bất ổn địa chính trị gia tăng”, ông Demetriades nói.
Khi được hỏi có phải thế giới đang đối mặt với suy thoái toàn cầu hay không, ông Marc Ostwald, nhà kinh tế trưởng tại ADM Investor Services International, trả lời: “Chúng ta luôn đối mặt với rủi ro lâu dài này từ căng thẳng thương mại , thực sự là từ căng thẳng địa chính trị trên hết là ở Trung Đông và cuộc xung đột Nga - Ukraine. Nhưng hiện tại, nếu chỉ nhìn nhận thuần túy từ chu kỳ kinh tế ở Mỹ, thì không phải”.
Khi thế giới có nguy cơ đối mặt với một cuộc khủng hoảng tài chính mới, các chuyên gia quốc tế đã đưa ra lời khuyên về cách đầu tư thông minh.
Vàng miếng tại sàn giao dịch ở Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap/TTXVN |
Ông Rodney Shakespeare, nhà kinh tế học nổi tiếng người Anh cho rằng: “Cố gắng trả nợ hiện tại. Đừng mắc thêm nợ. Hãy xé nát thẻ tín dụng. Có lẽ nên rút khỏi cổ phiếu và trái phiếu - Warren Buffet dường như đang ám chỉ rằng thị trường chứng khoán đã đạt đỉnh”.
Bà Tandon cảnh báo các nhà đầu tư nên thận trọng trong thị trường chứng khoán, cận thận ở những bước đầu để tránh các rắc rối sau này.
Nhà kinh tế Ostwald cho rằng không nên đầu tư vào công nghệ cao ngay lúc này. Các nhà đầu tư phải đảm bảo danh mục đầu tư cân bằng và hiện không đặt cược vào lĩnh vực công nghệ thông tin, được coi là được định giá quá cao với tỷ lệ giá trên thu nhập (P/E) gần 40.
Cố vấn kim loại quý người Thụy Sĩ Claudio Grass gợi ý nên chuyển một số tài sản sang hàng hoá và kim loại quý, hiện chiếm 2-3% tài sản toàn cầu.
“Bất kỳ người có tư duy độc lập nào cũng thấy rõ rằng các mặt hàng khan hiếm như vàng, bạc và hàng hóa đang bị định giá thấp nghiêm trọng. Ảo tưởng tài chính đang được đặt vào trái phiếu và cổ phiếu”, ông nói.
Mặc dù vàng luôn được coi là kênh đầu tư an toàn, song theo nhà kinh tế học Carmignani, đây không phải là khoản đầu tư dễ dàng tiếp cận với mọi người, đặc biệt là những người chỉ có những khoản tiết kiệm nhỏ.
“Nếu không thể mua vàng, hãy đầu tư dài hạn vào các công ty blue chip ( những cổ phiếu của các công ty lớn, các công ty đầu ngành, ổn định và có uy tín cao trên thị trường). Thị trường cuối cùng sẽ phục hồi. Biến động sẽ tiếp tục diễn ra. Nhưng về lâu dài, thị trường chứng khoán nói chung có xu hướng tích cực”, ông Carmignani kết luận.