Đây là chương trình được Thành phố Hà Nội tổ chức hàng năm với mục đích quảng bá và phát triển thị trường cho hàng đặc sản từ khắp các vùng miền của cả nước. Các sản phẩm trưng bày, giới thiệu phần lớn là sản phẩm sạch, có nguồn gốc rõ ràng, được chọn lọc khá khắt khe. Đây cũng là những sản phẩm được chỉ dẫn địa lý, các sản phẩm được chứng nhận thương hiệu, các sản phẩm đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.
Hội chợ Đặc sản vùng miền Việt Nam 2016 tại Hà Nội lần này là một sự kiện rất đặc biệt, quy tụ các sản phẩm đặc sắc, tinh túy từ khắp mọi miền đất nước nên chắc chắn thu hút đông đảo khách hàng đến thưởng thức và mua sắm. Các sản phẩm nổi tiếng như: bưởi Năm Roi, nước mắm Phú Quốc, mắm chua Huế, tiêu Tiên Phước, chè Tân Cương, giò chả Ước Lễ, bánh chưng Tranh Khúc...
Đặc biệt, nhiều gian hàng trưng bày các sản phẩm của nông dân nghèo được sản xuất nhờ vốn viện trợ phi lợi nhuận, trưng bày các sản phẩm: gạo, gừng, cà phê, thịt lợn, thịt gà và rau... như gian hàng của nông dân huyện Hướng Hóa và Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Gần 1,500 người nông dân ở 2 huyện Hướng Hóa và Triệu Phong của tỉnh Quảng Trị đã học và thực hành phương pháp canh tác tự nhiên nghiêm ngặt, đòi hỏi tuân thủ chính xác các yêu cầu kỹ thuật, đặc biệt là loại bỏ các sản phẩm hóa chất như thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, phân bón hóa học và chất bảo quản trong quy trình sản xuất. Những sản phẩm nông sản mang ra Thủ đô lần này đều nói không với thuốc trừ sâu hay chất bảo quản.
Chị Nguyễn Thị Lan, một nông dân ở huyện Triệu Phong cho biết: “Sản xuất theo phương pháp canh tác tự nhiên này, tôi chỉ được phép sử dụng phân bón hữu cơ tự ủ bằng cách thu gom các phế phẩm nông nghiệp và phân chuồng, quá trình chăm sóc thì sử dụng chế phẩm dinh dưỡng, phòng và trị sâu bệnh bằng nước gừng, ớt, tỏi. Mặc dù mất công từ 7 - 10 ngày phải phun chế phẩm một lần nhưng không ảnh hưởng đến sức khỏe".
Trong khuôn khổ hội chợ, còn có các chương trình giao thương kết nối giữa các doanh nghiệp, tổ chức tham dự hội chợ và đại diện các kênh phân phối lớn tại Hà Nội như: Trung tâm thương mại, siêu thị, nhà hàng, chợ đầu mối….
Việc đưa các đặc sản vùng miền về Hà Nội cũng như kết nối cung cầu hàng hoá với các thị trường khác được nhiều chuyên gia nhận định là hướng đi đúng đắn, giúp Hà Nội có lượng hàng đầy đủ, bảo đảm nguồn cung cho nhu cầu tiêu dùng của Thành phố. Nguồn cung hàng hoá của các địa phương hiện nay rất dồi dào, việc kết nối giao thương hàng hoá giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố quan trọng nhất là bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, giá cả hợp lý.