Nhưng cuối tuần qua, nhà hàng Beachwood BBQ đã phải đóng cửa vĩnh viễn, gia nhập danh sách các nạn nhân của làn sóng dịch bệnh COVID-19 tại nước Mỹ.
"Nhà hàng này đã đem đến mọi thứ cho chúng tôi và cho phép chúng tôi có một cuộc sống tốt đẹp", Gabriel chia sẻ. "Cảm giác thật đau lòng khi phải khai tử giấc mơ của mình".
Theo Hiệp hội Nhà hàng Mỹ (NRA), ngành công nghiệp dịch vụ ăn uống là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch, với thiệt hại dự kiến lên tới 240 tỷ đô la vào cuối năm nay.
"Khoảng thời gian này không khác gì tận thế đối với ngành kinh doanh ăn uống", Sean Kennedy, phó chủ tịch điều hành NRA, nhận định. "Chúng tôi là ngành công nghiệp đầu tiên đóng cửa và chúng tôi sẽ là người cuối cùng phục hồi sau đại dịch này."
Tính đến ngày 10/7, đã có 26.160 nhà hàng đóng cửa trên khắp nước Mỹ, trong đó 60% (15.770 cơ sở) đã phải ngừng hoạt động vĩnh viễn.
Tác động của dịch bệnh có thể được cảm nhận rõ rệt tại các thành phố lớn hoặc các địa điểm du lịch nổi tiếng, những nhà hàng còn trụ lại cũng đang chật vật tìm cách duy trì hoạt động cho tới hết năm nay.
Giống như mất thành viên gia đình
"Các thành phố như Los Angeles ... phụ thuộc vào khách du lịch, hội nghị", ông Kennedy nói. "Cho đến khi các hãng hàng không hoạt động trở lại, các khách sạn bắt đầu đón khách thì khi đó mới tới lượt chúng tôi".
Sharokina Shams - phó chủ tịch Hiệp hội Nhà hàng California, cho biết đã có khoảng 1,4 triệu người làm việc trong ngành nhà hàng trước đại dịch, và trong 4 tháng qua, khoảng 1 triệu lao động đã rơi vào cảnh mất việc làm.
"Chúng tôi dự đoán rằng 30% các nhà hàng ở California sẽ đóng cửa vĩnh viễn do hậu quả của đại dịch", ông Shams nói. "Quy mô của cuộc khủng hoảng này có thể ngang bằng với cuộc suy thoái kinh tế năm 2008 và vài năm sau vụ khủng bố 11/9".
Một trong những lý do khiến ngành dịch vụ ăn uống của Mỹ rơi vào khó khăn do các nhà hàng thường hoạt động với tỷ suất lợi nhuận rất thấp và dự trữ tiền mặt rất mỏng.
Dù chính quyền Tổng thống Donald Trump đã tung các gói cứu trợ khẩn cấp cho những doanh nghiệp chịu thiệt hại do dịch bệnh, nhưng nhiều người cho rằng các khoản tiền này "chẳng thấm vào đâu" so với phí họ phải bỏ ra để duy trì hoạt động.
"Trung bình một nhà hàng kiếm được lợi nhuận từ 5-7% và có khoảng 16 ngày nắm giữ tiền mặt", ông Kennedy nói. "Và đột nhiên đại dịch ập tới, chính phủ buộc họ đóng cửa trong thời gian dài, trong khi còn các khoản tiền mặt bằng, tiền lương thì vẫn phải chi trả".
Bà Madelyn Alfano, chủ sở hữu của Maria's Italian Kitchen, một chuỗi nhà hàng ở khu vực Los Angeles, đã buộc phải đóng cửa 2 cơ sở của mình và đang cố gắng duy trì hoạt động cho các nhà hàng còn lại.
"Nó giống như mất đi một thành viên trong gia đình, Maria's Italian Kitchen không chỉ là sinh kế của tôi, mà còn là niềm đam mê", bà Alfano chia sẻ. "Nó giống như việc khi ai đó bị hoại tử ngón chân, không còn lựa chọn khác ngoài việc cắt bỏ nó để cứu sống toàn bộ cơ thể".
Khi dịch bệnh bùng phát, công việc kinh doanh của bà Alfano giảm 50% chỉ sau một đêm, buộc người phụ nữ 62 tuổi tìm cách "sống chung với lũ".
Đối với Gabriel Gordon, một khía cạnh khác mà dịch bệnh đem tới đó là khoảng thời gian giúp họ tĩnh tâm suy nghĩ về những gì cần phải thay đổi đối với ngành nhà hàng.
"Rất nhiều người trong chúng tôi đang nghĩ tới việc liệu có cần thiết phải mở cửa trong 6-7 ngày một tuần hay không? Điều này đã khiến chúng tôi suy nghĩ lại về toàn bộ mô hình kinh doanh của mình trong thời gian qua".