Đại học Thủ Dầu Một: Ngoài thu sai 37 tỷ học phí, hai Quỹ của trường từng âm hơn 100 tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Kiểm toán Nhà nước phát hiện hàng loạt vấn đề thu chi, sử dụng ngân sách, tài sản nhà nước, nguồn cải cách tiền lương… tại Trường Đại học Thủ Dầu Một (trực thuộc UBND tỉnh Bình Dương) với tổng số tiền lên đến gần 150 tỷ đồng.

Trả lại hơn 37 tỷ đồng học phí cho sinh viên

Trường Đại học Thủ Dầu Một (TDMU) được thành lập năm 2009, định hướng đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực từ trình độ đại học đến sau đại học. Trường hiện có 47 ngành đào tạo đại học chính quy, 11 ngành đào tạo thạc sĩ và 1 ngành đào tạo tiến sĩ. Ngoài ra, Trường còn đào tạo hệ vừa học vừa làm, văn bằng 2, liên thông từ trung cấp, cao đẳng lên đại học…

Đại học Thủ Dầu Một: Ngoài thu sai 37 tỷ học phí, hai Quỹ của trường từng âm hơn 100 tỷ đồng ảnh 1

Trường Đại học Thủ Dầu Một (TDMU) được thành lập năm 2009.

Năm 2022, Kiểm toán Nhà nước tiến hành kiểm toán, báo cáo quyết toán tình hình quản lý, sử dụng các khoản thu chi ngân sách, tiền và tài sản nhà nước… tại tỉnh Bình Dương. Kết quả kiểm toán cho thấy Trường Đại học Thủ Dầu Một tồn tại nhiều vấn đề liên quan đến sử dụng, quản lý tài chính.

Trong hai năm học 2020-2021 và 2021-2022, Trường Đại học Thủ Dầu Một thu học phí hệ đại học chính quy, hệ đại học theo phương pháp giáo dục thường xuyên, hệ đào tạo thạc sỹ và tiến sỹ cao hơn quy định với số tiền lên đến hơn 37 tỷ đồng của khoảng 20.000 sinh viên và người học.

Nghị định của Chính phủ và Quyết định do tỉnh Bình Dương ban hành, một tín chỉ nhóm ngành khoa học xã hội, kinh tế là 327.000 đồng; nhóm ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật là 390.000 đồng. Trường Đại học Thủ Dầu Một giải thích cơ cấu học phần được áp dụng có lý thuyết là 40% và 60% thực hành nên Ban Giám hiệu báo cáo đề xuất và thống nhất với Hội đồng trường thu một tín chỉ thực hành gấp 1,5 lần tín chỉ lý thuyết.

Cụ thể, nhóm ngành khoa học xã hội, kinh tế tăng lên 490.500 đồng/tín chỉ; còn khối ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật tăng thành 585.000 đồng/tín chỉ. Sau kết luận kiểm toán, Lãnh đạo trường thừa nhận nguyên nhân là do chưa hiểu và vận dụng đúng các quy định của Nhà nước vào tính đơn giá thu học phí. Trường xin khắc phục theo kết luận, tổ chức kiểm điểm và rút kinh nghiệm.

Kiểm toán Nhà nước khi đó yêu cầu trường trả lại tiền cho sinh viên, nếu không trả lại được thì nộp vào ngân sách nhà nước và Trường Đại học Thủ Dầu Một chọn phương án thứ hai. Trước phản ứng của dư luận, ông Nguyễn Quốc Cường - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Thủ Dầu Một trong buổi họp báo của UBND Bình Dương sáng 22/10 cho biết, tỉnh đã đồng ý cho phép trường tiến hành các thủ tục để hoàn trả số tiền 37 tỷ đồng cho sinh viên.

“Do số lượng sinh viên rất đông nên việc rà soát và xác minh thông tin đang gặp một số khó khăn, cần ​phải được thực hiện cẩn trọng. Tuy nhiên, với tinh thần đảm bảo quyền lợi cho sinh viên, Nhà trường đang nỗ lực để hoàn tất quá trình này trong thời gian sớm nhất. Nhà trường sẽ thực hiện việc hoàn trả học phí cho sinh viên một cách minh bạch, công khai và hiệu quả”, ông Nguyễn Quốc Cường nói.

Đại học Thủ Dầu Một: Ngoài thu sai 37 tỷ học phí, hai Quỹ của trường từng âm hơn 100 tỷ đồng ảnh 2

Tổng số tiền mà Trường Đại học Thủ Dầu Một cần khắc phục, xử lý, hoàn trả khoảng 150 tỷ đồng.

Hai Quỹ âm hơn 100 tỷ đồng

Ngoài số tiền 37 tỷ đồng học phí thu sai kể trên, Kiểm toán Nhà nước còn chỉ ra nhiều vấn đề liên quan đến tài chính khác tại ngôi trường này với số tiền hơn 107 tỷ đồng. Tổng số tiền mà Trường Đại học Thủ Dầu Một cần khắc phục, xử lý, hoàn trả khoảng 150 tỷ đồng.

Theo tài liệu mà phóng viên thu thập được, kết luận kiểm toán cho thấy nguồn Quỹ phát triển sự nghiệp của trường âm hơn 51 tỷ đồng, nguồn Quỹ bổ sung thu nhập tăng thêm âm trên 53 tỷ đồng.

Báo cáo của Sở Tài chính tỉnh Bình Dương vào tháng 7/2023 thông tin, trong năm 2022, trường đã hoàn trả Quỹ phát triển sự nghiệp hơn 38 tỷ đồng; trả Quỹ bổ sung thu nhập trên 22 tỷ đồng. Tổng tiền hoàn trả nguồn cải cách tiền lương năm 2022 là hơn 60 tỷ đồng. Số còn lại khoảng 44 tỷ đồng trường sẽ cân đối nguồn thu chi để trả hết trong năm 2023.

Bên cạnh đó, Kiểm toán Nhà nước còn đề nghị Trường có biện pháp xử lý thu hồi tạm ứng của các Chủ nhiệm đề tài đã nhiều năm chưa thực hiện số tiền 757 triệu đồng; Thu hồi trả lại nguồn Quỹ phát triển sự nghiệp do đã sử dụng quỹ chi đào tạo con của cán bộ, giảng viên đi học trong và ngoài nước trái quy định số tiền 975 triệu đồng;

Kiểm tra làm rõ chênh lệch hơn 7 tỷ đồng (sổ phụ tiền gửi ngân hàng nhiều hơn sổ sách kế toán của Trường) hiện đang tồn trên số dư tài khoản để xử lý theo quy định.

Trao đổi với phóng viên, phía Trường Đại học Thủ Dầu Một cho biết đã tiếp nhận thông tin và sẽ trả lời cụ thể từng vấn đề. Ngày Nay sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc ngay khi nhận được phản hồi.

Tiêm vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ. Ảnh: THX/TTXVN
WHO phê duyệt vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ thứ hai
(Ngày Nay) - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố việc cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine LC16m8 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận vaccine kịp thời tại các cộng đồng đang bùng phát dịch đậu mùa khỉ.
Bão Beryl là cơn bão cấp 5 đầu tiên hình thành vào tháng 6 khi bắt đầu mùa bão Đại Tây Dương. Ảnh: Nasa
Nguyên nhân đẩy nhanh tốc độ gió bão Đại Tây Dương năm 2024
(Ngày Nay) - Viện nghiên cứu Climate Central công bố một công trình cho thấy nhiệt độ đại dương ấm lên do con người gây ra đã làm tăng tốc độ gió tối đa của mọi cơn bão Đại Tây Dương trong năm 2024. Điều này phản ánh cách thức mà biến đổi khí hậu đang khuếch đại sức mạnh hủy diệt của các cơn bão.
Núi lửa Lewotobi Laki-Laki ở Đông Flores, tỉnh Đông Nusa Tenggara, Indonesia, phun trào ngày 8/11/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Indonesia cảnh báo nguy cơ lũ dung nham lạnh gần núi lửa Lewotobi
(Ngày Nay) - Ngày 20/11, giới chức Indonesia cho biết núi lửa Lewotobi Laki-laki tiếp tục hoạt động mạnh khiến 3 ngôi làng trong khu vực Đông Flores, tỉnh Đông Nusa Tenggara có nguy cơ cao phải hứng chịu lũ dung nham lạnh từ các con sông bắt nguồn từ đỉnh núi trên. Các ngôi làng này nằm trong bán kính 7 km tính từ miệng núi lửa.