Cảm xúc chi phối hoạt động tiêu dùng
Đa số người tiêu dùng luôn cho rằng quyết định mua hàng của mình dựa trên các sự kiện và tính toán hợp lý. Thế nhưng, theo một nhóm các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Công nghệ Auckland và Đại học Thương Mại London, mọi hoạt động tiêu dùng của chúng ta đều chịu sự chi phối rất lớn đến từ cảm xúc. Ví dụ, khi chúng ta chi nhiều tiền cho một món ăn, quần áo hay các thiết bị điện tử, chúng ta không chỉ tính toán chi phí - lợi ích thiết thực, mà điều này còn phản ảnh những căng thẳng, thất vọng, sự phấn khích và niềm vui của ta trong chính khoảnh khắc đó.
Một câu hỏi tương tự đang được đặt ra đối với thị trường tài chính, rằng dù các lý thuyết đều thiên về việc giá cả là kết quả của sự tính toán hợp lý, nhưng các nhà đầu tư cũng là con người và con người thì thường bị cảm xúc áp chế.
Liệu những cảm xúc này có ảnh hưởng đến quyết định giao dịch, thậm chí giá cả trên thị trường cổ phiếu hay không?
Theo các nhà khoa học, trước đây, việc tìm ra câu trả lời chính xác cho vấn đề trên vẫn còn rất nhiều khó khăn. Bởi mặc dù cảm xúc cá nhân có khả năng dẫn đến những hành động có thể nhìn thấy được, nhưng không có cơ chế để quan sát quan hệ nhân quả trực tiếp này.
Giờ đây, với sự ra đời của dữ liệu lớn (big data), đặc biệt là dữ liệu âm nhạc của người dùng trên Spotify, việc đo lường tâm trạng trung bình của các cá nhân trong một quốc gia và liên kết chúng với những biến động trên thị trường cổ phiếu ngày một trở nên khả thi hơn.
Tâm lý của các nhà đầu tư có thể định nghĩa là tâm trạng trung bình của họ khi đối mặt với biến động thị trường hoặc một khối tài sản. Nói cách khác, đó là sự sẵn lòng mua hoặc bán mà không thể giải thích bằng những nguyên tắc cơ bản.
Một số lượng lớn các biện pháp đo đếm cảm xúc này đã từng xuất hiện. Tuy nhiên, biến số trong niềm tin của người tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng của một quốc gia, mức thất nghiệp, số người chết hoặc đại dịch đã ảnh hưởng trực tiếp và nổi cộm đến nền kinh tế, tất cả khiến cho việc xác định rõ ràng vai trò và các chỉ số của cảm xúc trở nên khó khăn hơn.
Giải pháp thay thế được đưa ra là nghiên cứu các yếu tố được cho là ảnh hưởng đến tâm trạng cá nhân, những không ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế của một quốc gia. Từ đó rút ra mối quan hệ giữa cảm xúc và thị trường tài chính.
Các công cụ đo lường được các nhà khoa học sử dụng chủ yếu có thể kể tới kết quả của các giải/trận đấu thể thao lớn hoặc chỉ số cảm xúc trung bình lấy từ dữ liệu Spotify. Họ nhận thấy rằng tính tích cực của con người sẽ tăng lên tự nhiên trong những ngày trời đẹp, khi đội tuyển của họ vừa giành chiến thắng hoặc các biện pháp hạn chế liên quan đến đại dịch được dỡ bỏ. Tương tự, dữ liệu Spotify có thể thể hiện trạng thái tâm trí trung bình của các cá nhân, và phản ánh trong các dự đoán về niềm tin của người tiêu dùng. Dữ liệu này được xem là chính xác hơn khảo sát người tiêu dùng.
Bằng cách nghiên cứu các mối quan hệ giữa thước đo cảm xúc dựa trên âm nhạc và thị trường chứng khoán, các nhà khoa học nhận thấy rằng sự cải thiện trong tâm lý nhà đầu tư có thể liên quan đáng kể đến hiệu suất tích cực của cổ phiếu trong một tuần.
Và sự gia tăng giá trị này kéo theo mức giảm tương tự vào tuần sau, điều này cho thấy phản ứng ban đầu của thị trường chứng khoán được thúc đẩy bởi cảm xúc chứ không phải bởi những thay đổi về nguyên tắc cơ bản.
Những kết quả trên mang ý nghĩa nhắc nhở các nhà đầu tư chú ý đến yếu tố cảm xúc khi đưa ra quyết định đầu tư hoặc tìm cách hiểu những thay đổi của giá cổ phiếu, đặc biệt là trong thời kỳ bong bóng đầu cơ.