Dấu chấm hết cho cuộc chiến 'mơ hồ' tại Afghanistan

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Bốn ngày sau khi phát động cuộc chiến tại Afghanistan, Tổng thống George W. Bush đã tổ chức một cuộc họp báo tại Nhà Trắng trong bối cảnh cả nước Mỹ chưa hết bàng hoàng về vụ tấn công ngày 11/9.
Tổng thống George W. Bush ngồi trong Nhà Trắng sau khi thông báo rằng Mỹ và Anh đã bắt đầu ném bom Afghanistan vào ngày 7/10 năm 2001, đánh dấu sự khởi đầu của cuộc chiến dài nhất trong lịch sử nước Mỹ. Ảnh: Reuters
Tổng thống George W. Bush ngồi trong Nhà Trắng sau khi thông báo rằng Mỹ và Anh đã bắt đầu ném bom Afghanistan vào ngày 7/10 năm 2001, đánh dấu sự khởi đầu của cuộc chiến dài nhất trong lịch sử nước Mỹ. Ảnh: Reuters

Mặc dù vào thời điểm đó, hầu hết người Mỹ đều ủng hộ quyết định tham chiến của Tổng thống Bush, nhưng vẫn tồn tại những nghi ngờ rằng liệu cuộc chiến này sẽ diễn ra như thế nào và nó có thể kéo dài bao lâu.

Ông Bush, khi đó 55 tuổi, mới nhậm chức tổng thống Mỹ chưa đầy 9 tháng. Tối ngày 11/10/2001, ông đã tìm cách trấn an người dân Mỹ rằng chính quyền nhận thức được những bài học từ quá khứ và họ quyết tâm không để Mỹ tiếp tục sa lầy vào một cuộc chiến phi nghĩa ở châu Á.

“Chúng tôi đã học được một số bài học rất quan trọng ở Việt Nam", ông Bush khẳng định. "Đây là một cuộc chiến khác, đòi hỏi một cách tiếp cận khác và một tinh thần hoàn toàn khác".

Dù không đảm bảo cuộc chiến sẽ kéo dài bao lâu, nhưng ông Bush đã đưa ra lời hứa chắc chắn rằng nước Mỹ sẽ giành chiến thắng.

“Trận chiến này sẽ kéo dài cho đến khi tổ chức khủng bố al-Qaeda được đem ra trước công lý", ông tuyên bố. “Nó có thể xảy ra vào ngày mai, một tháng tới đây, hay mất một hoặc thậm chí hai năm, nhưng chúng ta sẽ chiến thắng cuộc chiến này".

Nhưng ngay từ khi bắt đầu, chính phủ Mỹ dường như đã không xác định được cái đích để đạt được “chiến thắng”. Hôm thứ Tư tuần này, Tổng thống Mỹ đương nhiệm Joe Biden tuyên bố sẽ rút toàn bộ lực lượng quân đội nước này tại Afghanistan vào thời hạn 11/9 tới đây.

Dấu chấm hết cho cuộc chiến 'mơ hồ' tại Afghanistan ảnh 1

Các binh sĩ Mỹ thuộc Sư đoàn Dù 101 chở một người đàn ông Afghanistan bị thương về phía trực thăng UH-60 Black Hawk ở tỉnh Kandahar vào ngày 23/10 năm 2010. Vào thời điểm đó, khoảng 150.000 binh sĩ Mỹ và quốc tế đã được triển khai đến Afghanistan. Ảnh: AFP

Quyết định này vẫn chưa giải đáp được một câu hỏi luôn thường trực rằng ba người tiền nhiệm của ông đã hy vọng hay hình dung ra một kết quả như thế nào cho cuộc chiến mà họ luôn tuyên bố nước Mỹ sẽ giành chiến thắng.

Lúc đầu, mục tiêu của cuộc chiến này là tiêu diệt tổ chức al-Qaeda và đảm bảo rằng nhóm khủng bố này không thể lợi dụng Afghanistan làm căn cứ để tiến hành bất kì một cuộc tấn công khủng bố nào khác nhằm vào Mỹ. Chỉ trong 6 tháng, mục tiêu đó đã được hoàn thành. Các thủ lĩnh của al-Qaeda hoặc đã bị tiêu diệt, bị bắt giữ hoặc đã bỏ trốn khỏi Afghanistan.

Tuy nhiên, thay vì tuyên bố kết thúc chiến tranh, ông Bush lúc bấy giờ đã đặt ra những “sứ mệnh” mới cho cuộc chiến này. Vào tháng 4/2002, ông công bố các mục tiêu quân sự và chính trị mới.

Ông tuyên bố rằng Mỹ sẽ giúp các đồng minh của mình tại Afghanistan xây dựng một quốc gia ngày càng trở nên hiện đại hóa với một nền dân chủ ổn định, một lực lượng quân đội hùng mạnh, các cơ sở chăm sóc y tế tốt hơn và một hệ thống giáo dục công lập cho trẻ em.

“Chúng tôi hiểu được rằng hòa bình chỉ thực sự có được khi người dân Afghanistan có được tiềm lực để giành được những mong muốn, ước nguyện của chính họ”, ông nói trong một bài phát biểu tại Học viện Quân sự Virginia.

Mặc dù đưa ra các mục tiêu hết sức cao cả và đáng trân trọng, nhưng cựu Tổng thống Bush khi đó không hề đưa ra những tiêu chuẩn cụ thể để đạt được chúng và không đưa ra bất cứ thông tin nào về việc quân đội Mỹ sẽ phải ở lại đó trong bao lâu. Ông trả lời một cách chung chung rằng: “Chúng ta sẽ ở lại cho đến khi nhiệm vụ hoàn thành”.

Giống như cựu Tổng thống Bush, hai vị lãnh đạo kế nhiệm là Barack Obama và Donald Trump, đều tự đặt mình vào một sự ràng buộc vô hình khi thề rằng sẽ giành chiến thắng ở Afghanistan, nâng cao kỳ vọng vào một thắng lợi về mặt quân sự của cuộc chiến này.

Tướng Dan McNeill, người đã phục vụ hai nhiệm kỳ với tư cách chỉ huy quân đội Mỹ ở Afghanistan trong dưới thời chính quyền Tổng thống Bush, lại cho biết cái kết luôn “mờ mịt, tối tăm”.

Ông McNeill sau đó đã chia sẻ rằng: "Một số người đã nghĩ về nền dân chủ Jeffersonian (theo tư tưởng của cố Tổng thống Thomas Jefferson), nhưng điều đó sẽ không xảy ra ở Afghanistan".

Trong một bản báo cáo bí mật được gửi cho các quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc vào tháng 10 năm 2003, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Donald Rumsfeld cũng bày tỏ sự hoài nghi: "Chúng ta liệu đang thắng hay đang thua trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu?".

Đến năm 2006, khi lực lượng phiến quân Taliban dần lấy lại sức mạnh và leo thang các cuộc tấn công, những nghi ngờ trên ngày càng trở nên phổ biến hơn.

Ngày 29/8 năm 2006, cựu đại sứ Mỹ Ronald Neumann tại Afghanistan đã từng gửi cảnh báo về Washington, trong đó ông khẳng định: "Chúng ta sẽ không thể chiến thắng tại Afghanistan".

Tuy nhiên, trước công chúng, chính phủ Mỹ tiếp tục tuyên bố điều ngược lại.

“Chúng ta đang chiến thắng”, Tướng Karl Eikenberry, cựu chỉ huy lực lượng Mỹ ở Afghanistan, khẳng định với ABC News chỉ hai tuần sau khi ông Neumann đưa ra cảnh báo trên. Khi được hỏi liệu Mỹ có thua trong cuộc chiến này hay không, ông Eikenberry trả lời dứt khoát: "Chiến bại không phải là một lựa chọn trong cuộc chiến ở Afghanistan".

Hai năm sau, các chỉ huy chiến trường của Mỹ tại Afghanistan đã phải xin Lầu Năm Góc gửi quân tiếp viện vì họ đang thất thế khi lực lượng Taliban đã gia tăng số quân từ 7.000-11.000 tay súng. Giới tướng lĩnh Mỹ đã rất khó khăn để điều động thêm quân số, song vẫn liên tục tuyên bố về một chiến thắng “vô hình”.

Vào tháng 9 năm 2008, Tướng Lục quân Mỹ Jeffrey Schloesser, cựu chỉ huy lực lượng Mỹ ở miền đông Afghanistan, sau nhiều lần bị phóng viên gặng hỏi về việc liệu ông có nghĩ rằng binh lính Mỹ vẫn đang giành chiến chiến thắng hay không, đã đưa ra bình luận: “Tôi xin nói rằng chúng ta sẽ không thua bất kì cuộc chiến nào, bằng bất cứ giá nào. Đây chỉ là một chiến thắng cần nhiều thời gian hơn, tôi đoán vậy.”

Vào thời điểm ông Obama nhậm chức năm 2009, các quan chức quân đội Mỹ thừa nhận rằng họ đang phải đối mặt với một cuộc nổi dậy tồi tệ. Khi đó ông Obama đã công bố một chiến lược mở rộng nhằm cử thêm hàng nghìn binh sĩ tới Afghanistan và chi hàng chục tỷ USD để tái thiết chính quyền Kabul.

Dấu chấm hết cho cuộc chiến 'mơ hồ' tại Afghanistan ảnh 2

Tổng thống Barack Obama bàn luận với Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates (trái), và Tướng David Petraeus tại Phòng Bầu dục vào ngày 14/3 năm 2011. Ảnh: Nhà Trắng

“Đối với những kẻ khủng bố chống lại nước Mỹ, thông điệp nhất quán của tôi là: Mỹ sẽ đánh bại mọi thế lực thù địch", cựu Tổng thống Obama tuyên bố vào tháng 3 năm 2009.

Tuy nhiên, một lần nữa, không ai trong chính quyền của ông Obama có thể nói kết quả của chiến thắng đó là gì.

“Làm sao chúng ta biết được khi nào chuyện này kết thúc? Và nó sẽ kết thúc như thế nào?”, Thượng nghị sĩ James Webb thuộc đảng Dân chủ đặt câu hỏi cho bà Michèle Flournoy, nguyên Thứ trưởng Quốc phòng dưới thời Tổng thống Obama và Tướng David Petraeus tại một phiên điều trần quốc hội vào tháng 4/2009.

Các quan chức của chính quyền Obama dần dần trở nên mâu thuẫn trong những bước đi sau đó. Một mặt, họ bắt đầu thừa nhận rằng một chiến thắng quân sự hoàn toàn khó có thể xảy ra và cách duy nhất để chấm dứt xung đột là các bên tham chiến tại Afghanistan đạt được “một giải pháp chính trị”.

Mặt khác, khi quân số Mỹ lên tới 100.000 người, các tướng lĩnh dưới thời chính quyền Obama lại tiếp tục những cuộc tấn công vào lực lượng Taliban thay vì sử dụng các biện pháp ngoại giao.

Trước công chúng, một số quan chức của chính quyền Obama bắt đầu né tránh khi bị đặt câu hỏi về cuộc chiến này.

Tại một cuộc điều trần trước quốc hội vào tháng 6/2011, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates đã được hỏi liệu Mỹ đang thắng hay thua ở Afghanistan, ông đáp: “Tôi tin rằng chúng ta đang thành công trong việc thực hiện chiến lược của Tổng thống".

Một tuần sau, tại một phiên điều trần khác, cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton cũng không hề thẳng thắn bình luận mà chỉ nói rằng: “Tôi không nghĩ đó là vấn đề thắng thua”.

Xuyên suốt nhiệm kỳ, chính quyền Tổng thống Obama đã lên kế hoạch đào tạo và trang bị cho lực lượng an ninh Afghanistan gồm 352.000 binh sĩ và cảnh sát bán quân sự với niềm tin rằng các lực lượng đồng minh này sẽ giành áp đảo Taliban nhờ sự hậu thuẫn của Mỹ.

Cựu Tổng thống Obama đã từng cam kết rút tất cả các lực lượng quân đội Mỹ khỏi Afghanistan vào cuối nhiệm kỳ thứ hai của mình. Nhưng ông đã tự rút lời và ra lệnh cho khoảng 8.400 binh lính ở lại khi thấy rằng lực lượng an ninh Afghanistan không có khả năng tự vệ trước những cuộc tấn công của Taliban.

Vào thời điểm ông Donald Trump nhậm chức vào năm 2017, mọi thứ diễn ra khá ảm đạm. Taliban đã phát triển mạnh hơn trong 8 năm cầm quyền của ông Obama, gia tăng thêm được khoảng 60.000 lính chiến đấu. Quân đội và cảnh sát Afghanistan đang hứng chịu nhiều tổn thất đến nỗi chính phủ Kabul phải giữ bí mật về con số thương vong để tránh làm suy yếu tinh thần.

Dấu chấm hết cho cuộc chiến 'mơ hồ' tại Afghanistan ảnh 3

Lực lượng đặc biệt trong Quân đội Quốc gia Afghanistan huấn luyện tại một căn cứ gần Kabul vào ngày 5/3 năm 2020. Biệt kích Afghanistan thường thực hiện các nhiệm vụ cùng với quân đội Mỹ. Ảnh: Washington Post

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis thừa nhận với Ủy ban Thượng viện Mỹ về Dịch vụ Vũ trang vào tháng 6/2017: “Hiện tại, chúng ta đang không giành ưu thế tại Afghanistan”.

Tới tháng 8/2017, cựu Tổng thống Donald Trump đã công bố chiến lược mới cho cuộc chiến. Trong một bài phát biểu tại căn cứ Fort Myer, ông cam kết sẽ chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 16 năm tại Afghanistan, đồng thời tuyên bố giúp Mỹ giành lại thắng lợi một cách toàn diện.

“Quân đội của chúng ta sẽ chiến đấu để giành chiến thắng”, ông Trump tuyên bố. “Kể từ giờ, chiến thắng sẽ được định nghĩa rõ ràng: tấn công kẻ thù của chúng ta, tiêu diệt ISIS, triệt hạ al-Qaeda, ngăn chặn Taliban chiếm Afghanistan và ngăn chặn các cuộc tấn công khủng bố hàng loạt nổi dậy”.

Cuộc chiến tại Afghanistan dưới thời Trump ngày càng nóng bỏng khi quân số Mỹ đã lên tới 14.000 người. Chính quyền Washington cũng ra lệnh cho một loạt các chiến dịch không kích quyết liệt, với số lượng bom và tên lửa lớn nhất kể từ khi cuộc chiến nổ ra.

Theo chiến lược mà cựu Tổng thống Donald Trump đề ra, quân đội Mỹ chỉ đơn giản là cố gắng làm suy yếu lực lượng Taliban để đạt được đòn bẩy chính trị cho các cuộc đàm phán hòa bình. Vào tháng 2/2020, chính quyền Trump đã đạt được một thỏa thuận với Taliban, tạo tiền đề cho việc rút dần tất cả quân đội Mỹ khỏi đất nước Tây Á.

Đến ngày 14/04/2021, Tổng thống Joe Biden đã chính thức công bố kế hoạch rút toàn bộ lực lượng quân đội Mỹ khỏi Afghanistan kể từ ngày 1/5 và kết thúc vào ngày 11/9.

Đây sẽ là dấu chấm hết cho những lời hứa về một chiến thắng “mơ hồ” và kết thúc cuộc chiến kéo dài suốt hai thập kỷ, trải suốt 4 đời Tổng thống và là cuộc chiến dài nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Theo Washington Post
Tảng băng lớn nhất thế giới thoát khỏi Nam Cực
Tảng băng lớn nhất thế giới thoát khỏi Nam Cực
(Ngày Nay) - Các hình ảnh vệ tinh mới nhất từ Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cho thấy tảng băng khổng lồ A-23A - hiện là tảng băng lớn nhất thế giới - đã thoát khỏi vòng xoáy đại dương phía bắc quần đảo Nam Orkney và đang trôi dạt về phía đông bắc, hướng tới đảo Nam Georgia, nơi nó được dự đoán sẽ tan vỡ và biến mất hoàn toàn.
Phòng bệnh truyền nhiễm mùa lạnh
Phòng bệnh truyền nhiễm mùa lạnh
(Ngày Nay) - Thời tiết lạnh khiến mọi người, đặc biệt là trẻ nhỏ và các nhóm có nguy cơ cao như người trên 65 tuổi và phụ nữ có thai dễ mắc các bệnh truyền nhiễm. Để chủ động phòng chống các bệnh truyền nhiễm, người dân cần chú ý: che miệng, mũi khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với nước sạch và xà phòng hoặc dung dịch có cồn; giữ ấm cơ thể…
Hàng nghìn người tham dự đêm nhạc “Bài ca không quên”
Hàng nghìn người tham dự đêm nhạc “Bài ca không quên”
(Ngày Nay) - Tối 22/12, Hòa nhạc và biểu diễn nghệ thuật đặc biệt Bài ca không quên diễn ra tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM) với nhiều cảm xúc, đưa khán giả trở về những khoảnh khắc lịch sử hào hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024
Những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024
(Ngày Nay) -  Dịch sởi bùng phát tại TP Hồ Chí Minh, Thực hiện thành công kỹ thuật can thiệp thông tim bào thai, Triển khai Sổ sức khỏe điện tử tích hợp trên ứng dụng VneID thay cho sổ khám bệnh… là những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024 được Sở Y tế Thành phố công bố chiều 22/12.
Bức tranh đa sắc trong nội các của chính quyền Trump 2.0
Bức tranh đa sắc trong nội các của chính quyền Trump 2.0
(Ngày Nay) -  Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump gây bất ngờ với danh sách nội các mới đa dạng chưa từng có, từ cựu đảng viên Dân chủ đến các nhà tài phiệt, hé lộ một chiến lược táo bạo cho nhiệm kỳ thứ hai của ông.
Từ năm 2025, trường học được xây cao nhất là 5 tầng
Từ năm 2025, trường học được xây cao nhất là 5 tầng
(Ngày Nay) -  Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư mới bổ sung và điều chỉnh linh hoạt các tiêu chuẩn về diện tích đất, quy mô trường học và tiêu chuẩn cơ sở vật chất tối thiểu, theo hướng phù hợp với thực tế triển khai tại các địa phương.
Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình chúc mừng Giáng sinh các tổ chức tôn giáo
Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình chúc mừng Giáng sinh các tổ chức tôn giáo
(Ngày Nay) -  Trong không khí vui tươi, ấm áp dịp Lễ Giáng sinh 2024 và đón chào năm mới 2025, chiều 22/12, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đã đến chúc mừng tại Tòa Tổng Giám mục Hà Nội, Tổng hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Bắc) và Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam.