Tối 30/8, ông Trương Văn Bình (47 tuổi, người đồng bào Khmer, sống tại tổ 3, ấp 1, xã Sông Trầu) gọi điện cho phóng viên Ngày Nay cầu cứu vì bị lực lượng kiểm soát dịch tại Chốt kiểm tra Phòng chống dịch Covid-19 đánh hội đồng gây thương tích.
Ông Bình thuật lại, tối hôm xảy ra vụ việc, ông đang ăn cơm tối tại nhà và có uống mấy ly rượu. Lúc này, đứa con nhỏ 9 tuổi cầm điện thoại chơi game trước nhà. Thấy vậy, ông Bình gọi con vào kẻo bị phạt vì đã qua 18 giờ tối. Do con không nghe lời nên ông đi ra la và đánh con, sau đó vào nhà tiếp tục ăn cơm. Lúc này, 2 người thuộc lực lượng kiểm soát dịch đi ngang qua gọi ông Bình ra ngoài, bảo lên xe rồi chở đến chốt kiểm soát dịch.
“Họ không nói gì, chỉ lấy cây đánh liên tục vào chân tôi. Tôi quỳ xuống thì một người đá vào ngực tôi. Tôi không biết họ đánh vì lỗi gì. Nhóm đánh tôi khoảng 5-6 người, tôi bị đánh tới tấp nên không phân biệt được dân phòng, dân quân, chỉ biết là không có công an. Tôi quỳ xuống xin tha và khi về đến nhà thì ngất xỉu”, ông Bình giọng yếu ớt nói.
Vợ ông Bình kể lại: “Lúc anh ấy về nhà thì nằm gục xuống đất nên tôi vội chạy đến chốt kêu cứu. Họ cho 2 người đến chở anh ấy ra Bệnh viện Trảng Bom khám xong về. Ông nằm kêu đau cả đêm, sáng nay tôi gọi kêu cứu và có một công an đến hỏi sự việc rồi ra về, đến bây giờ không có ai đến hỏi thăm sự vụ”.
Để có thông tin khách quan, phóng viên Ngày Nay đã nhiều lần gọi điện thoại cho ông Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch UBND xã Sông Trầu nhưng không có phản hồi.
Trao đổi với phóng viên sáng 31/8, ông Lê Ngọc Tiên - Phó Chủ tịch UBND huyện Trảng Bom cho biết: “Ngay khi nhận tin, tôi đã báo cho Lãnh đạo huyện Trảng Bom và UBND huyện đã có văn bản yêu cầu công an huyện báo cáo cụ thể vụ việc rồi”.
Ông Lê Tuấn Anh - Bí thư huyện uỷ Trảng Bom cho hay: “Tôi đã yêu cầu công an điều tra vụ việc từ hôm qua, chúng tôi phải làm rõ những vấn đề này”.
Vết thương của ông Bình |
Phải khởi tố vụ việc
Một Luật sư ở Thị trấn Trảng Bom xin giấu tên sau khi xem xét sự vụ cho hay: “Các chốt phòng chống dịch bệnh hiện nay rất cần sự đồng thuận và nghiêm minh trước pháp luật. Các hành động lạm quyền và đánh người dân sẽ ảnh hưởng xấu đến tình hình và mục tiêu của việc lập chốt. Vụ việc này, lãnh đạo huyện đã giao công an điều tra, nhưng nếu liên quan đến chốt do dân quân thì Huyện đội hay ít nhất là Xã đội phải đến thăm hỏi người bị đánh hiện đang bị thương tích.
Còn những người buộc ông Bình đi đến chốt kiểm soát sau 18 giờ thì chính người trực chốt đã sai quy định cấm ra khỏi nhà sau 18 giờ. Lãnh đạo xã và nhất là Uỷ ban Dân tôc của địa phương phải đến ghi nhận, xem xét chứ sao thiếu trách nhiệm vậy, họ là đồng bào dân tộc tiểu số mà. Nếu thấy sức khoẻ không ổn định thì đưa đi khám, chữa trị.”
Trong khi đó, Luật sư Lâm Văn Giả (Công ty Luật Sài Gòn tại TP Long Khánh) thuộc Đoàn Luật sư TP.HCM phân tích: “Dân quân, dân phòng trực chốt hay cả công an cũng nghiêm cấm việc đánh người. Họ đến buộc người dân đi đến chốt và đánh hội đồng như vậy là có dấu hiệu của việc bắt người trái pháp luật để đánh tập thể, phải khởi tố vụ việc dù người dân sai hay đúng”.
Khi được hỏi về lãnh đạo xã và huyện chưa đến nhà người bị đánh để thể hiện quan tâm của chính quyền với dân khi có tố cáo lạm quyền sai phạm của chốt kiểm dịch, Luật sư Giả nói: “Trong tình hình hiện nay cần người dân đồng lòng trong các quyết định gây khó khăn cho dân để phòng chống dịch bệnh. Lãnh đạo xã, huyện và nhất là xã phải trực tiếp đến xem xét và thăm hỏi người dân, tránh việc các chốt bị tố lạm quyền, ảnh hưởng xấu đến tình hình hiện nay”.
Ngày Nay sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.