Cụ thể, bà Kim Yo-jong vẫn là thành viên của Ủy ban Trung ương nhưng không có tên trong danh sách của Bộ chính trị, dù trước đó đã có nhiều động thái cho thấy "công chúa" Triều Tiên có thể vươn lên trở thành nhân vật số hai của đất nước.
Tại đại hội đảng Lao động Triều Tiên, bà Kim Yo-jong lần đầu tiên lên bục lãnh đạo cùng với 38 vị quan chức cấp cao khác khi đại hội khai mạc.
Ảnh hưởng của bà Kim đã gia tăng đáng kể trong những năm gần đây, khởi đầu là thư ký riêng của nhà lãnh đạo trẻ tuổi Kim Jong-un, sau đó là đặc phái viên của anh trai tại Hàn Quốc và phụ trách công tác tuyên truyền của đảng.
Năm 2017, bà trở thành người phụ nữ thứ hai ở Triều Tiên gia nhập Bộ chính trị, sau người cô Kim Kyong-hui.
Lim Eul-chul, giáo sư nghiên cứu về Triều Tiên tại Đại học Kyungnam (Hàn Quốc), cho biết: “Còn quá sớm để đưa ra bất kỳ kết luận nào về tình trạng của Kim Yo-jong, vì bà ấy vẫn là Ủy viên Trung ương đảng và có khả năng cô ấy đã đảm nhận các chức vụ quan trọng khác”.
Tổng Bí thư Kim Jong-un
Tại đại hội lần này, ông Kim Jong-un đã được bầu vào vị trí Tổng Bí thư đảng Lao động Triều Tiên, qua đó tiếp quả vị trí của người cha quá cố và củng cố thêm quyền lực của mình.
Hãng thông tấn KCNA cho biết, đại hội đã “hoàn toàn chấp thuận” một đề xuất thăng chức cho ông Kim, miêu tả nhà lãnh đạo trẻ tuổi là “người đứng đầu cuộc cách mạng và trung tâm của sự thống nhất”.
Ông Kim Jong-un đã nắm giữ quyền lực gần như tuyệt đối trong chính trường Triều Tiên kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2011. Tại một hội nghị vào năm 2012, đảng Lao động Triều Tiên đã truy tặng cố Chủ tịch Kim Jong-il chức danh “Tổng Bí thư vĩnh cửu”, còn ông Kim Jong-un giữ chức danh “Bí thư thứ nhất”.
Yang Moo-jin, giáo sư tại Đại học Nghiên cứu Bắc Triều Tiên ở Seoul, cho biết: “Sự tiếp quản của Kim Jong-un cho thấy giờ đây ông ấy đã chính thức đứng vào hàng ngũ của cha và ông mình”.