Truyền thông Triều Tiên cho biết ông Kim cũng đã xem xét quan hệ với nước láng giềng Hàn Quốc nhưng không nói rõ ông muốn thực hiện những động thái nào. Các nhà quan sát đã kỳ vọng lãnh đạo Triều Tiên sẽ tận dụng đại hội lần này để gửi đi các thông điệp hòa giải về phía Seoul và Washington.
Trong bài phát biểu hôm thứ Năm, ông Kim Jong-un “tuyên bố định hướng chung và lập trường chính sách của đảng về việc mở rộng và phát triển toàn diện quan hệ đối ngoại”.
Truyền thông Triều Tiên cho biết ông Kim cũng đã xem xét quan hệ với Hàn Quốc “căn cứ vào yêu cầu của tình hình hiện tại và thời thế đã thay đổi”.
Triều Tiên hiện đang vật lộn để vượt qua các cuộc khủng hoảng liên tiếp do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, lũ lụt và các lệnh cấm vận quốc tế.
Trong bài phát biểu ngày khai mạc, Chủ tịch Kim jong-un thừa nhận các kế hoạch phát triển kinh tế trước đây của ông đã thất bại và thề sẽ vạch ra một kế hoạch phát triển 5 năm mới. Bước sang ngày thứ hai, ông Kim tuyên bố sẽ tăng cường khả năng quân sự của đất nước.
Đại hội đảng Lao động Triều Tiên diễn ra khi chính sách ngoại giao hạt nhân giữa Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn bị đình trệ sau 2 năm. Tổng thống đắc cử Joe Biden đã gọi ông Kim là "kẻ côn đồ" và không có lý do gì để gặp mặt trực tiếp nhà lãnh đạo trẻ tuổi trừ khi Triều Tiên thực hiện các động thái nghiêm túc đối với việc phi hạt nhân hóa.
Mối quan hệ Mỹ-Triều từng nảy nở sau khi Chủ tịch Kim bắt đầu hội đàm với Tổng thống Trump, kéo theo đó là quan hệ hòa hoãn giữa hai miền Triều Tiên. Nhưng Bình Nhưỡng đã tạm dừng trao đổi với Seoul sau khi các hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều không đem lại kết quả như mong đợi.
Một số nhà quan sát nói rằng Triều Tiên đang thất vọng vì Hàn Quốc đã không thể tách khỏi vòng ảnh hưởng của Mỹ, kéo theo đó là việc chính quyền Bình Nhưỡng đã trì hoãn các dự án hợp tác liên Triều.
Các chuyên gia cho rằng Triều Tiên có thể tiếp cận với Hàn Quốc trước tiên để tạo quan hệ hòa giải trước khi thúc đẩy các cuộc đàm phán với chính quyền Biden.